Làm mẹ bất đắc dĩ của 4 đứa trẻ, cô bé 11 tuổi đã sống như thế nào?
Ở cái tuổi đáng ra phải cắp sách đến trường nhưng cô bé 11 tuổi này phải đảm nhận vai trò vừa là cha, vừa là mẹ của 4 đứa trẻ thơ khiến nhiều người không khỏi xót xa.
Cô bé ấy tên là Nurul Farisha Mohd Ridzuan, 11 tuổi sống tại Kubang Terap, bang Kelantan, Malaysia. Tuy tuổi còn nhỏ nhưng gánh nặng chăm sóc thêm 4 người anh em khác của mình đang từng ngày đè nặng lên đôi vai cô bé. Những người anh em của Nurul nhỏ nhất cũng chỉ mới 1 tuổi, còn 3 người còn lại thì lần lượt 3 tuổi, 6 tuổi và 12 tuổi.
Trong ngôi nhà nhỏ lụp xụp, hình ảnh một bé gái ánh mắt còn khá ngây thơ nhưng khuôn mặt lại “già trước tuổi” đang tất bật với công việc nhà, chăm sóc đứa em nhỏ đang khát sữa mẹ khiến nhiều người không khỏi bất ngờ kèm theo nỗi xót xa.
Vậy bố mẹ những đứa trẻ đâu, sao không chăm sóc chúng mà lại để con gái làm việc ấy? Thực ra, bố mẹ của những đứa trẻ thơ này chưa chết nhưng họ phải vào tù vì tội buôn bán ma túy. Thật đáng buồn khi những lỗi lầm của người lớn lại để những đứa trẻ gánh lấy một phần hậu quả.
Nurul buộc phải trưởng thành sớm để có thể tự chăm sóc bản thân và những người anh em khác của mình.
Hằng ngày, cô bé phải nấu ăn cho các em bằng bếp củi, vì nhà không có bếp ga. Cùng lúc ấy, em vừa phải nấu ăn và vừa phải bế em trai út để cậu bé không khóc. Song song đó, Nurul còn phải để mắt thêm người em thứ 3 vì sợ em nghịch ngợm gây nguy hiểm. Những gì Nurul phải làm mỗi ngày, ngay đến cả một người trưởng thành cũng chưa chắc gì đã chịu đựng được.
Rất may là Nurul cùng các em còn có ông bà bên cạnh, tuy nhiên ông đã 63 tuổi mắc bệnh hen suyễn mãn tính và rất yếu, còn bà thì phải ra ngoài làm việc, kiếm tiền cho các cháu có cái ăn, cái mặc.
Từ 9 giờ sáng đến 6 giờ chiều, Nurul Farisha sẽ phụ ông bà gánh vác trách nhiệm nuôi dạy các em, trong khi chờ bà đi bán dầu xoa bóp về.
Vất vả là thế, nhưng những đồng bạc ít ỏi mà người bà kiếm được không đủ trang trải chi phí sinh hoạt cho cả thảy 7 miệng ăn. Cậu em 1 tuổi phải uống sữa đặc vì bà không có tiền mua sữa bột. Nurul và 2 em nhỏ hơn cũng không được đến trường.
Nurul Farisha nói rằng, lần cuối cùng em đến trường là khi gia đình còn ở Seremban. Em nói mình đọc và viết chữ chưa thạo nhưng anh trai của em thì có thể. Nurul thực sự mong muốn được đến trường, nhưng em biết cuộc sống của mình không cho phép em được như những người khác. Ước muốn ấy của em giờ đây trở nên quá xa vời.
Sau khi câu chuyện của Nurul được lan truyền rộng rãi, nhiều người hy vọng rằng các nhà chức trách sẽ nhanh chóng vào cuộc để giúp đỡ cô bé, các nhà hảo tâm cũng có thể trợ giúp cho hoàn cảnh của Nurul phần nào. Vì các em xứng đáng được hưởng cuộc sống hạnh phúc và được đến trường như nhiều đứa trẻ khác.
Trúc Anh (t/h)