Lâm Đồng: 500 ha rừng biến mất, ‘lọt’ vào túi ai?
Sai phạm tại khu vực đất rừng do Ban Quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) Lâm Hà (Lâm Đồng) quản lý đã thành ‘thảm họa’, nhiều quan chức kiểm lâm có dấu hiệu tham nhũng rõ ràng.
Vừa qua, Thanh tra tỉnh Lâm Đồng đã chuyển hồ sơ đến Công an tỉnh Lâm Đồng sau khi có kết luận thanh tra việc quản lý rừng phòng hộ tại huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng do có dấu hiệu của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, tội vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí…
Theo đó, Ban QLRPH Lâm Hà đã ký 188 hợp đồng giao khoán rừng, đất lâm nghiệp với tổng diện tích 2.449,6 ha. Nhiều hợp đồng trong đó có dấu hiệu sai phạm, giả mạo gián tiếp gây nên hậu quả 500 ha rừng đã biến mất.
Cụ thể, 22 hợp đồng với 43 hộ dân được giao khoán là không đúng đối tượng, sai thứ tự ưu tiên theo quy định. Đồng thời việc triển khai giao khoán không minh bạch, không niêm yết công khai danh sách các trường hợp được giao khoán tại trụ sở UBND cấp xã. 2 trong số các hợp đồng này đã được xác định là giả mạo chữ ký của Phó Chủ tịch UBND xã và con dấu của UBND xã Phúc Thọ (huyện Lâm Hà).
Tiếp đó là 30 hợp đồng (gần 650 ha rừng) mà người được giao khoán không thực hiện đúng phương án ký kết, khiến 29 ha rừng phòng hộ tại các tiểu khu 241A và 243A xã Phi Tô bị mất nhưng không được Ban QLRPH Lâm Hà kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Nghiêm trọng là, có 20 hợp đồng với 442 ha rừng bị chuyển đổi sang mục đích nông nghiệp không đúng pháp luật.
Thêm nữa là, có 397 ha rừng giao khoán đã chuyển nhượng khi chưa hoàn thành đúng hợp đồng, 422 ha đang bị buông lỏng quản lý. Hơn 800 ha này thuộc 17 hợp đồng khác nhau và đang trong tình trạng bị lấn chiếm.
Chưa hết, ở xã Phúc Thọ xảy ra tình trạng đối tượng được tạm giao đất để trồng rừng nhưng lại sang nhượng gần 20 ha để hưởng lợi bất hợp pháp với số tiền lớn.
Dấu hiệu tham nhũng, lạm quyền rõ ràng
Các cơ quan chức năng nhận định đây là vụ án phức tạp do hậu quả lớn, sai phạm trên nhiều lĩnh vực và đặc biệt là nhiều quan chức bảo vệ rừng lại là thủ phạm phá hoại rừng.
Huyện Lâm Hà từ trước đến nay vốn là nơi trú ngụ của nhiều thành phần xã hội phức tạp, lại được quản lý lỏng lẻo, không minh bạch.
Theo Thanh tra tỉnh Lâm Đồng cho biết, một quan chức đảm nhiệm việc phòng hộ rừng là ông Thái Văn Phương, nguyên trạm trưởng trạm Lâm Bô. Hiện ông này đang có vườn cà phê, mắc ca với diện tích 2.5 ha trồng trên đất lâm nghiệp trái phép.
Ngoài ra, họ hàng của ông Phương là ông Thái Văn Dương cũng sở hữu 0.5 ha trồng bơ, sao đen, tương tự là đất lâm nghiệp. Một thân nhân khác của ông Phương là ông Thái Văn Cương đã trồng khoảng 1.8 ha muồng đen trên đất rừng phòng hộ.
Ngoài ra, theo quan sát của phóng viên, một số ngôi nhà còn xây dựng trái phép trên đất công.
Đáng chú ý là UBND huyện Lâm Hà đã từng có văn bản yêu cầu tạm ngưng giao khoán theo Nghị định 135/2015/NĐ-CP của Chính phủ, nhưng Ban QLRPH Nam Ban (nay cũng gộp vào Ban QLRPH Lâm Hà) vẫn tiếp tục ký kết hợp đồng giao khoán đối với 6 hợp đồng/55 ha đất cho các cá nhân (là viên chức của đơn vị) để trồng rừng.
Không những thế, Ban QLRPH Lán Tranh còn tùy tiện đặt ra hồ sơ tạm giao, cam kết trồng rừng, cho phép 69 hộ gia đình, cá nhân (trong đó có người nhà hoặc có quan hệ thân thiết với lãnh đạo Ban) phát dọn thực bì hơn 504 ha để trồng rừng không đúng quy định. Hậu quả, chủ rừng không quản lý được hơn 470 ha, phần lớn diện tích đất lâm nghiệp này đã bị chuyển sang trồng cà phê.
Được biết mới đây, Lâm Đồng đã khởi tố một vụ án ‘khủng’ khác ở huyện Bảo Lâm với gần 200 ha rừng bị lấn chiếm, các bị can đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Từ Thức (t/h)