Làm đồ ăn giả có thể kiếm triệu đô ở Nhật Bản
Khi đến Nhật Bản bạn sẽ không phải nghĩ món mình sắp gọi trông như thế nào, vì từ lâu các nhà hàng tại đây đã sử dụng mô hình đồ ăn giả được tạo hình tỉ mỉ, bắt mắt không khác gì thức ăn thật. Đây cũng là ngành công nghiệp mang lại lợi nhuận khổng lồ cho các công ty Nhật.
Đồ ăn giả là hình ảnh không hiếm tại đất nước mặt trời mọc. Tất cả món ăn ở đây từ sushi, mỳ tới hamburger, thịt lợn rán tonkatsu đều được làm thành mô hình như thật, đầy màu sắc và bắt mắt. Chúng được các nhà hàng trưng bày để kích thích vị giác và thu hút thực khách.
Ý tưởng sản xuất đồ ăn giả bắt đầu từ những năm đầu thập niên 20 của thế kỷ trước. Các chủ hàng ăn khi đó bắt đầu tiếp cận nhà sản xuất, yêu cầu làm các mẫu tương tự cho đồ ăn bán ở cửa hàng. Xu hướng này lan rộng nhanh chóng cùng thói quen ăn nhà hàng ngày càng tăng và làn sóng dân nông thôn đổ về thành phố lớn.
Hình ảnh trực quan ngon mắt giúp nhiều thực khách có thể hình dung các món ăn lạ lẫm trong thực đơn. “Khách hàng còn có thể biết được kích cỡ món ăn ngay khi bước vào nhà hàng, thậm chí trước khi họ được phục vụ”, Norihito Hatanaka, người điều hành công ty gia đình Hatanaka chuyên chế tạo đồ ăn giả, cho hay.
Công ty Hatanaka thành lập từ những năm 1960, ở ngoại ô Tokyo, là nơi làm việc của ông Noriyuki Mishima, người đã gắn bó với nghề suốt 6 thập kỷ. “Tôi chưa bao giờ đếm nhưng có lẽ tôi đã làm khoảng vài chục nghìn món ăn giả”, nghệ nhân 79 tuổi vừa nói vừa tỉ mẩn phun sơn lên miếng thịt bò giả.
Theo ông, thử thách nhất chính là công đoạn lên màu cho sản phẩm, đặc biệt với mẫu món ăn tươi sống như sushi. “Cá được nướng sẽ có màu sắc rõ ràng dễ làm theo, song làm được màu tươi sống quả thực rất khó”, ông Mishima nói.
Trước đây, mẫu thức ăn được làm từ sáp ong, nay được thay bằng silicon có tính bền hơn. Tuy nhiên, kỹ thuật làm đồ ăn giả không có nhiều thay đổi. Công ty Hatanaka chỉ sản xuất bằng dụng cụ cắt, cọ vẽ, súng bắn sơn, lò sấy đơn giản.
“Máy in 3D không thể làm ra sản phẩm tinh xảo như các nghệ nhân, hơn nữa nguyên vật liệu cũng rất đắt tiền. Máy móc không thể hiểu thế nào là đẹp và ngon”, giám đốc công ty Hatanaka giải thích.Từng thành phần của món ăn như thịt, cà chua, phô mai, rau xanh hay bánh mỳ được làm độc lập, tỉ mỉ trước khi được quét sơn và ráp lại hoàn chỉnh như phiên bản thật.
Cuối cùng, mẫu đồ ăn giả được phủ lớp vecni bên ngoài để trông “ngon mắt” và thu hút người qua đường. Giá mẫu thức ăn giả không hề rẻ, có thể lên tới vài trăm USD. Do đó, các nhà hàng thường chọn cách thuê và trả tiền hàng tháng, khoảng 50 USD, thay vì mua hẳn.
Sản xuất đồ ăn giả mang lại lợi nhuận lớn cho nhà sản xuất, theo Japan Today. Công ty Takizo Iwasaki, nắm giữ một nửa thị phần thức ăn giả tại Nhật, được định giá lên tới 90 triệu USD. Tuy nhiên, sản xuất đồ ăn giả không phải là ngành phát triển ở Nhật do sản phẩm không tiếp cận được nhà hàng cao cấp và gây ảnh hưởng ở nước ngoài.
Hiện đồ ăn giả không chỉ phục vụ cho nhà hàng theo mẫu đặt sẵn mà còn hướng tới chức năng khác như móc chìa khoá, nhẫn hay trang trí nhà. Các công ty cũng đáp ứng nhu cầu cho khách hàng muốn sở hữu sản phẩm độc lạ. Chẳng hạn, một đôi ủng giống bánh mỳ, được phủ kem và sốt trái cây được bán với giá 36.000 yên.
Theo vietnammoi.vn