Là phụ nữ, chỉ khổ thân khi tự sỉ nhục cơ thể mình
Phụ nữ là phái đẹp. Có lẽ người phụ nữ nào cũng muốn có một vẻ ngoài ít nhất là ưa nhìn. Tuy nhiên, khi bạn quá khắc khe với bản thân để đạt đến những “chuẩn mực xã hội” thiển cận dành cho cái đẹp, đó chính là lúc bạn từ chối yêu bản thân mình.
“Khi tôi lớn lên, tôi chưa bao giờ nghe thấy lời động viên tích cực nào về hình ảnh cơ thể từ bất kỳ phụ nữ nào trong cuộc đời mình. Tôi chỉ toàn nghe thấy những lời tiêu cực. Điều đó gây ra nhiều tổn thương, bởi vì với tư cách là một cô gái trẻ, bạn sẽ ngay lập tức rà soát lại bản thân và vẻ ngoài của mình”.
-Kate Winslet-
“Tôi đã bị mắc kẹt trong trò chơi với cái cân. Tôi là tuýp người leo lên cân ba lần một ngày. Tuy nhiên, đến một ngày bạn bắt đầu nhận ra con số trên cán cân không quan trọng, quan trọng là cách bạn tự lên kế hoạch cho chính mình”.
-Chrissy Teigen-
“Từ nhỏ đến lớn, tôi lúc nào cũng mũm mĩm. Tôi đã quá quen với việc bị đem ra so sánh với các chị em của mình. Tôi đã bị so sánh theo cách khắc nghiệt như vậy. Lúc đó tôi chỉ nghĩ: ‘Được thôi, đó là cuộc sống của tôi’. Tôi bắt đầu nói lên điều đó với mọi người với nội dung đại loại như: ‘Được rồi, tôi là cô em gái béo và buồn cười, nhưng ai quan tâm chứ?’. [Thực tế] tôi không hề quá cân hay béo phì. Nhưng tôi đã để xã hội làm tôi tin rằng mình béo”.
-Khloe Kardashian-
Không hài lòng với cơ thể mình
Ý thức bản thân đẹp hay xấu xuất phát từ sự tự nhận thức về cơ thể, cá tính, kinh nghiệm hoặc sự giáo dục của mỗi người. Tuy nhiên, ngày nay, mỗi thiếu nữ hay mỗi phụ nữ thường xây dựng hình ảnh chuẩn mực mà mình mong muốn dựa trên những mẫu quảng cáo hoặc thần tượng họ ngưỡng mộ.
Thêm vào đó, môi trường xã hội và ảnh hưởng từ những chuẩn mực của cái đẹp làm cho hình ảnh cơ thể trở thành bức chân dung rất phức tạp.
Có nhiều lý do khiến người ta không hài lòng với chính cơ thể của họ. Có nhiều cô sở hữu vẻ ngoài gần với chuẩn mực về cái đẹp của xã hội nhưng vẫn chưa hài lòng. Những người phụ nữ khác cảm thấy như xã hội đang trừng phạt họ vì hơi mũm mĩm, và do đó, cảm thấy bị coi thường. Đôi khi sự bất mãn chỉ thoáng qua, nhưng có lúc lại quá mãnh liệt đến mức gây ra rất nhiều nỗi khổ. Điều này có thể dẫn đến chứng chán ăn, cuồng ăn, mặc cảm…
Có những phụ nữ muốn gầy hơn, giảm cân đến nổi không còn sức lực vận động. Có người muốn có thân hình hấp dẫn hơn, có người lại ghét sự gợi cảm của bản thân.
Mặc cảm về hình ảnh cơ thể mình là suy nghĩ độc hại, do đó, đã có một số tổ chức nổi lên để tạo ra những dự án như Hiệp hội quốc gia về lòng tự trọng. Các dự án này có mục tiêu ngăn ngừa các bệnh rối loạn ăn uống, cũng như nâng cao nhận thức và quyền lợi hợp pháp cho những người không hài lòng với cơ thể của mình.
“Dịch bệnh” tự ti ngoại hình bùng phát
Sự bất mãn của phụ nữ với cơ thể của họ là vấn đề đang ngày càng lan rộng. Ngày nay, 80% phụ nữ không thích vẻ ngoài của mình. Sự bùng phát này là do phụ nữ phải trải qua áp lực liên tục hàng ngày trên các phương tiện truyền thông xã hội, trên đường phố, tại nơi làm việc hay trong chính gia đình. Nhiều người có thói quen bình phẩm cơ thể và đường nét, nếp nhăn, mỡ thừa, hay vẻ gầy gò của phụ nữ. Ngay cả phụ nữ cũng tự mình “lên án” những thiếu sót ngoại hình dựa trên thước đo là những chuẩn mực do xã hội tạo ra.
Đây là lý do tại sao phụ nữ hiện đại ngày càng lo lắng về ngoại hình của bản thân. Họ tự giam mình trong các khuôn mẫu của ngành thời trang – quảng cáo và miệng lưỡi thế gian.
Hãy nhớ rằng giữa ngoại hình bình thường và ngoại hình “lý tưởng” do xã hội dựng lên luôn tồn tại khoảng cách rộng hơn chúng ta nghĩ. Do đó, không lấy gì làm lạ khi phụ nữ ngày càng không hài lòng với cơ thể của chính mình. Phạm vi của những chuẩn mực có thể chấp nhận được ngày càng bị thu hẹp, có nghĩa là ngày càng có nhiều phụ nữ không đáp ứng được các tiêu chuẩn này.
Thế nào là phụ nữ đẹp? Khi xã hội chịu mở rộng khái niệm về cái đẹp nằm bên ngoài cái nhìn về những đặc điểm cơ thể thì chắc chắn số lượng phụ nữ hài lòng với cơ thể mình sẽ tăng lên. Đó là nhiệm vụ mà cả xã hội đều có trách nhiệm, để ổn định lại cảm xúc của nhiều phụ nữ đang ghét chính cơ thể của họ đến mức bị rối loạn ăn uống như chán ăn hoặc cuồng ăn.
>>> Body Shaming – Hành động cần bị lên án
Xuân Nhạn, theo EYM