Kỳ y dị thảo: Danh y Tiền Ất dùng “đất” chữa bệnh co giật cho tiểu Thái tử
Tiền Ất (1032 -1113) tự Trọng Dương, là người Quận Châu (nay là huyện Đông Bình tỉnh Sơn Đông). Việc ông có thể chuyên sâu về Nhi khoa có liên quan đến cuộc đời khổ hạnh ốm yếu thời niên thiếu. Ông là danh y đầu tiên biên soạn bộ sách về nhi khoa tổng hợp còn lưu lại ứng dụng tới ngày nay có tên gọi ‘Tiểu nhi dược chứng trực quyết’.
>>> Kỳ y dị thảo: Hàn Y phụ lấy dị vật lạ chữa bệnh ung thư cho một phụ nữ
Cha ông vốn hiểu về y đạo nhưng hằng ngày chỉ thích làm hai việc: Đi chơi xa và uống rượu. Khi ông lên ba tuổi, cha bỏ nhà đi ngao du, từ đó không có tin tức gì về nhà. Hai mẹ con Tiền Ất dựa vào nhau sống qua ngày. Một năm sau, điều bất hạnh nữa lại đến, mẹ ông lâm bệnh qua đời. Từ đó cậu bé bốn tuổi thành đứa bé mồ côi cha lẫn mẹ và được cô và dì đưa về nuôi. Cô ông cũng là một người hiểu về y đạo, thấy cháu ốm yếu bệnh tật nên giữ bên mình chăm sóc thuốc men. Ở cùng cô hằng ngày có cơ hội tiếp xúc với y thuật và những ám ảnh bệnh tật thời niên thiếu đã làm ông quyết tâm theo học ngành y và chuyên tâm tìm hiểu về nhi khoa.
Ông là danh y đầu tiên biên soạn bộ sách về nhi khoa tổng hợp còn lưu lại ứng dụng tới ngày nay có tên gọi ‘Tiểu nhi dược chứng trực quyết’. Ông cũng là người tổng kết một cách có hệ thống phương pháp trị liệu biện chứng và biến nó từ đó trở thành một chuyên khoa độc lập. Bộ sách này của ông luôn luôn được y gia các đời xem trọng, được liệt vào loại sách nghiên cứu nhi khoa phải đọc. Do sự cống hiến vượt trội của ông cho sự phát triển của nhi khoa học, đời sau suy tôn Tiền Ất là ‘ông thánh khoa nhi’. Dưới đây là một vài câu chuyện chữa bệnh của ông lưu lại trong Tống Sử Phương Ký.
Thuốc bằng đất chữa bệnh cho Thái tử
Năm Tiền Ất 51 tuổi, Thái tử của Tống Thần Tông không may bị bệnh. Thái y đã chữa chạy nhiều lần, bệnh không những không giảm mà còn nặng thêm, thậm chí còn nôn ra máu và có hiện tượng teo gân. Tống Thần Tông vô cùng lo lắng không biết nên làm như thế nào.
Công chúa nghe tin liền bẩm với Tông Thần Tông, cho mời Tiền Ất đến. Sau khi thăm khám bệnh Thái tử, ông cho biết Thái tử bị mắc chứng co giật. Sau đó, ông kê ra một đơn thuốc đặc biệt, trong đó có một vị thuốc gọi là hoàng thổ. Tống Thần Tông xem đơn thuốc rất ngạc nhiên và hỏi ông: “Hoàng thổ cũng có thể làm thuốc được à?”.
Tiền Ất trả lời: “Vâng ạ, hoàng thổ cũng có thể làm thuốc, thang này lấy nó làm thành phần chính, kết hợp với các vị khác, cho nên còn gọi là Hoàng thổ thang. Hoàng thổ này là đất đắp thành bếp lò trong nhà bếp, sau khi được nung chín có thành phần thuốc hiệu quả chữa bệnh rất tốt”. Nhưng vua vẫn còn nghi ngờ, hỏi tiếp: “Hoàng thổ làm sao có thể chữa bệnh”. Tiền Ất đáp: “Thái tử mắc chứng co giật tức trong thận tạng có bệnh. Thận tạng có nhiều nước, vì vậy cần dùng thổ để khắc chế, làm thủy có thể bình ổn trở lại tức khắc phong có thể khỏi. Dùng Hoàng thổ thang thì có thể chặn được chứng này”.
Tống Thần Tông nghe nói có lý bèn truyền chỉ pha sắc thuốc. Thái tử sau khi uống hai thang thuốc thì các triệu chứng co giật, nôn ra máu giảm hẳn và không bao lâu sau khỏi bệnh. Vua vui mừng phong cho ông làm Hàn Lâm Y Học Sĩ, rồi thăng lên Thái y thừa. Tiếng tăm của ông càng ngày càng lớn, hoàng thân quý tộc đều thỉnh mời ông xem mạch cho con cái. Con người ông là như thế, dùng y thuật cao siêu ‘chuyên nhất vi nghiệp, thùy tứ thập niên’ (chuyên chỉ một nghề, suốt 40 năm), trị lành bệnh cho rất nhiều trẻ nhỏ.
Bệnh của trẻ em phải chữa trị một cách linh hoạt
Tiền Ất chữa bệnh cho trẻ em, bao giờ cũng tuân theo nguyên tắc là “chữa trị một cách linh hoạt”. Ông cho rằng cơ thể trẻ em có đặc điểm riêng, khi khám bệnh phải dựa vào đặc điểm bệnh để chữa trị một cách linh hoạt, không nên rập khuôn theo các bài thuốc cổ.
Một hôm, có một thầy thuốc cầm đơn thuốc mà Tiền Ất kê ra, hỏi: “Tiền Thái y, đối chiếu với thang thuốc mà Trương Trọng Cảnh viết trong “Kim Qũy yếu lược”, thang thuốc này của ngài hình như kê thiếu hai vị, có phải ngài quên kê?”.
Tiền Ất cầm đơn thuốc xem lại một lần, rồi giải thích: “Thang thuốc Trương Trọng Cảnh kê là dùng cho người lớn. Trẻ em dương khí chưa đầy đủ nếu cho uống nhục quế và phụ tử có thể bị chảy máu cam, cho nên tôi bỏ hai vị thuốc nóng này đi”. “A, thì ra là thế, Thái y nói rất có lý, khâm phục, khâm phục”. Vị thầy thuốc đó nghe giải thích gật đầu liên tục.
Từ khi ông liên tục trị khỏi bệnh cho thái tử và công chúa, hằng ngày người tìm ông để khám bệnh rất đông. Hôm đó ở trong kinh thành có một vị nhà giàu đến tìm ông để chữa bệnh cho con. Đứa bé mắc bệnh phế nhiệt, các thầy thuốc theo thói quen kê đơn thuốc có vị thuốc mát giải nhiệt như sừng tê giác, ngưu hoàng… Không ngờ sau khi uống thuốc bệnh không giảm mà nặng thêm, ho liên tục, bỏ cả cơm nước không chịu ăn.
Tiền Ất xem khí sắc và bắt mạch đứa bé, kê đơn thuốc có các vị thuốc ôn như chích thảo, trần bì… Người thầy thuốc chữa bệnh cho em bé trước đây, cầm đơn thuốc xem và hỏi: “Tiền Thái y, cháu đó bị bệnh nhiệt rõ ràng như vậy mà sao ngài vẫn kê đơn có các vị ôn?”. Bố của cháu bé nghe vậy cũng bức xúc hỏi: “Tiền Thái y, ngài có kê sai không vậy?”. Tiền Ất cười nói rằng: “Các ông không nên lo quá, tôi không kê sai bao giờ. Cháu quả là bị bệnh nhiệt, nhưng những thuốc đã uống trước đều là các vị hàn, hàn quá làm tổn thương đến Tỳ vị, khiến cho cháu không muốn ăn uống, vì thế mà bệnh nặng thêm. Nếu bây giờ lại vẫn dùng các vị thuốc hàn, thì có thể sẽ nguy hiểm. Trong lúc khẩn cấp này, cho thuốc bổ Tỳ vị trước để khai vị, sau đó trị bệnh phế nhiệt, hiệu quả sẽ tốt hơn”. Đứa bé uống thuốc theo đơn Tiền Ất kê, hai hôm sau, quả nhiên vị khẩu tốt hơn. Ông lại cho đơn thuốc có vị hàn, sau khi uống thang thuốc thứ hai nhiệt phổi cũng tiêu mất.
Loạt bài Kỳ y dị thảo, đành rằng trích dẫn từ sử sách xưa lưu lại, nhưng có thể có nhiều tình tiết mà độc giả khó lòng liễu giải, nhất là chiểu theo y học hiện đại. Thực ra, y lý thường phức tạp hơn những gì người ta có thể nhìn thấy ở bề mặt, hoặc đọc được trong sách. Thêm vào đó, y học dân gian thậm chí là Đông y có nền tảng lý luận khác nhau nhiều so với y khoa thực chứng. Do vậy có lẽ chúng ta cũng chỉ nên xem đây như những câu chuyện để tham khảo, nhất định không được thử làm theo.
Theo ĐKN