Ký tự chữ Hán thần bí trên vách núi ở cửa biển Thanh Hóa
Trên vách đá dựng đứng ở ngọn núi Thạch Bi thuộc Nga Sơn, Thanh Hóa có một chữ Thần lớn như chiếc chiếu. Không ai rõ ký tự này được tạc khi nào, ai là chủ nhân và tạc khắc bằng cách nào.
Ngọn núi Thạch Bi thuộc xã Nga Thiện đứng sừng sững bên dòng sông Hoạt hiền hòa. Con sông thuộc hệ thống sông đào nhà Lê này đã ghi dấu bao thay đổi trong hoạt động kiến tạo địa chất của vùng Tống Sơn xưa và nay là huyện Nga Sơn.
Đường thủy là con đường độc đạo dẫn đến chân núi Thạch Bi. Trên lưng chừng quả núi này có một chữ Hán cổ được dịch là Thần.
“Người làng không ai biết chữ Hán kỳ lạ kia xuất hiện từ khi nào. Bao đời cha ông chúng tôi lớn lên đều bảo đã thấy nó nằm trên vách núi”, ông Mai Đình Dân, 80 tuổi, làng Tri Thiện, xã Nga Thiện, nói.
Chữ Thần nằm cách mặt đất khoảng 20 m, được tạc ở chính giữa một vách núi dựng đứng và bằng phẳng, rộng chừng 3 m, cao khoảng 3,5 m. Dù khắc trên đá nhưng chữ Thần có nét mềm mại, tinh xảo. Quanh ký tự cổ không có bất cứ lối đi nào có thể tiếp cận được. Văn tự này có từ bao giờ, ai là chủ nhân và đã tạc khắc bằng cách nào cho đến nay vẫn là ẩn số.
Làm trang trại ngay dưới chân núi Thạch Bi, ông Mai Văn Thuần kể, vợ chồng ông khai hoang mảnh đất này đã vài chục năm, từng chèo đò đưa nhiều nhà khoa học đến nghiên cứu chữ Thần. Có một cái hang xuyên thẳng từ chân núi lên đỉnh, song không có ngách nào vươn ra vách đá, nơi người xưa tạc chữ Thần. Mưa lớn vài ngày, vùng đất này ngập mênh mông, chỉ mảnh đất của ông cao nên khô ráo.
Núi Thạch Bi và cửa Thần Phù dưới chân núi được người dân địa phương coi như “vùng đất của thần linh”, ít dám lui tới. Có người cho rằng, quanh chữ Thần cổ tồn tại những kho báu bí mật song chưa ai tìm được và cũng không thể biết chính xác vị trí. Người làng Tri Thiện kể, từng có người liều mạng muốn tiếp cận chữ Thần song đã gặp chuyện không may.
Tìm lời giải về nguồn gốc chữ Thần cổ
“Ở đây ai cũng nắm rõ câu chuyện có hai cha con người vùng Nga Điền từng mang dụng cụ, bắc thang định tìm cách đục phá chữ Thần, sau đó trở về nhà và ốm chết…”, ông Mai Đình Thân, cán bộ xã Nga Thiện nói.
Suốt thời gian dài, dân làng chẳng ai dám nhắc đến ngọn Thạch Bi hay kho báu nữa cho đến gần đây nó được phát quang, lộ rõ và có thể quan sát từ xa.
Sách Đại Nam nhất thống chí (phần tỉnh Thanh Hóa, quyển thượng) của Quốc sử quán triều Nguyễn có chép: “Núi Thạch Bi ở phường Mỹ Quan, thuộc huyện Tống Sơn (nay là phần đất xã Nga Thiện, huyện Nga Sơn). Non liền bến nước, móng đá thuyền chui. Trên vách đá có một chữ Thần viết bằng nét son tươi thắm, tương truyền vua Lê Thánh Tông ngự đề chữ đó”. Tuy nhiên, cũng có sách sử chép, vào năm Tân Mão 1771, chúa Trịnh Sâm đi ngang qua vùng đất này, thấy cảnh núi non hùng vĩ đã sai người cho khắc chữ trên núi.
Ngược dòng thời gian, ngàn năm trước, mảnh đất Nga Sơn hiện nay vốn là hoang đảo và chân núi Thạch Bi chính là cửa biển Thần Phù. Nơi đây gắn liền với câu chuyện vua Hùng đày ải Mai An Tiêm ra đảo để trị tội không coi trọng ân sủng của nhà vua. Tuy nhiên với nghị lực phi thường và lòng tin vào nỗ lực của bản thân, vợ chồng Mai An Tiêm đã viết nên câu chuyện đẹp về ý chí lập thân, lập nghiệp.
Thần Phù xưa là cửa biển hiểm yếu, huyết mạch giao thông đường thủy quan trọng từ Bắc đi vào xứ Thanh Nghệ. Nơi đây cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ khiến nhiều bậc quân vương, thi sĩ như Lý Thánh Tông, Trương Hán Siêu, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Ngô Thì Sĩ… mỗi lần ngang qua đều cảm tác thơ ca.
Cửa Thần Phù có tên gọi từ thời Lý. Theo sử cũ, vua Lý Thái Tông mang quân Nam tiến đánh giặc Chiêm Thành, đến cửa biển này gặp sóng to, gió lớn, thuyền chiến không đi được, may nhờ có một đạo sĩ pháp thuật cao cường, dẹp yên sóng dữ. Thắng trận trở về, nhà vua cho lập đền thờ tưởng nhớ vị đạo sĩ nọ. Đền thờ có tên là Áp Lãng chân nhân (người dẹp yên sóng dữ), và nhà vua gọi tên nơi này là cửa biển Thần Phù (hay còn gọi là Thần Đầu).
Theo nhà nghiên cứu văn hóa, họa sĩ Phan Bảo, con sông Hoạt chảy qua chân núi Thạch Bi hiện nay là dấu tích một dòng chảy của cửa biển Thần Phù xưa. Vì vậy có thể khẳng định, trước đây vùng này mênh mông nước, không thể dựng thang, làm giá để đứng lên tạc khắc chữ vào vách đá được. Có thể người xưa dùng một chiếc thuyền lớn neo vào vách đá, cứ thủy triều lên thì chạm khắc ở bên trên, thủy triều xuống thì chạm khắc phía dưới.
“Công việc tạo nên bức thư pháp này có lẽ không phải vài ngày mà xong, cũng không phải một người thợ hứng chí mà làm. Có thể phần việc này phải thi công đến cả năm hoặc hơn thế…”, ông Phan Bảo nói.