Kỹ năng đầu lòng giúp con bạn không cần đến các lớp học làm giàu
Khi xưa, dân gian thường có câu “Trẻ lên ba cả nhà tập nói”, nay trẻ lên ba không chỉ tập nói mà còn tập… học làm giàu.
Một báo cáo mới đây được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu thuộc trường đại học Cambridge cho hay: Trẻ lên ba có thể hiểu nhiều khái niệm liên quan đến tài chính như chi tiêu và tiết kiệm, lên bảy hình thành thói quen sử dụng tiền.
Nghiên cứu trên cũng phần nào cho thấy cách chúng ta quản lý tiền bạc có ảnh hưởng đến khả năng giải quyết các vấn đề tài chính của trẻ sau này.
Ngay từ những năm đầu đời, cha mẹ có thể bắt đầu trang bị cho trẻ những bài học đầu tiên về tiền bạc, những kỹ năng trọng yếu về quản lý tiền để trong tương lai, khi các con trưởng thành, con có khả năng đưa ra quyết định thông minh trước những vấn đề tài chính hóc búa.
Như Jayne A. Pearl, tác giả cuốn Kids and Money: Giving Them the Savvy to Succeed Financially (tạm dịch là Trẻ con và Tiền bạc: Trao cho các con sự hiểu biết để thành công về tài chính) đã nói: “Dạy trẻ về cách sử dụng tiền rất đơn giản bằng cách thông qua các hoạt động hằng ngày”.
Bạn có thể dẫn trẻ đến ngân hàng, cửa tiệm, máy ATM hay xa hơn nữa là trò chuyện về giá trị của đồng tiền và cách sử dụng tiền hợp lý. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh có thể truyền đạt những khái niệm về tiền cho con thông qua các trò chơi kích thích trí tưởng tượng hoặc chơi đồ hàng.
Mặt khác, theo thống kê của tổ chức tư vấn phi lợi nhuận quốc tế Citizens Advice có trụ sở chính tại Brussels (Bỉ), trào lưu vay không có bảo đảm sẽ là nguyên nhân khiến giới trẻ hiện nay phải sống trong cảnh nợ nần nhiều năm. Do đó, vốn kiến thức về quản lý tiền bạc được trang bị cho thế hệ trẻ ngay từ hôm nay sẽ là hành trang giúp họ không vướng vào nợ nần trong tương lai.
Bài viết sau đây là những bài học về dạy trẻ quản lý tiền bạc theo độ tuổi và các bước kiến nghị.
Độ tuổi: Từ 3 đến 10 tuổi
1. Bài học về Quy luật vòng tuần hoàn của đồng tiền: Kiếm tiền và tiêu tiền
Như đã nói, khi lên ba, trẻ đủ khả năng để hiểu rõ những khái niệm về tài chính. Do vậy, trong giai đoạn này, các bậc cha mẹ nên dạy con những khái niệm về kiếm tiền và tiêu tiền nhằm giúp các con hiểu được sự khác biệt giữa “Muốn” và “Cần”.
Phương pháp:
Bước 1: Cho con tiền tiêu vặt với điều kiện con phải hoàn thành một số việc nhà nhất định như yêu cầu con cất gọn đồ chơi sau khi chơi xong.
Bước 2: Tạo điều kiện để con tiêu khoản tiền trên cho những gì con muốn. “Thất bại là mẹ thành công”, phạm sai lầm là cách con học được những bài học quý giá.
2. Bài học về Tầm quan trọng của tiết kiệm
Bài học này nhằm giúp trẻ hiểu tiết kiệm là con đường ngắn nhất giúp chúng mua một món đồ có giá trị vượt quá khoản tiền mà chúng đang có.
Theo đó, phương pháp phổ biến và hữu hiệu là giúp con tạo ba chiếc lọ có dán nhãn lần lượt là “Tiết kiệm”, “Tiêu dùng” và “Chia sẻ” tương ứng với mục đích sử dụng. Tiền nhận được từ làm việc nhà hay vào dịp sinh nhật được chia thành các phần bằng nhau rồi bỏ vào lọ. Tiền trong lọ “Tiêu dùng” sẽ được sử dụng để mua các vật phẩm có giá trị thấp như kẹo hay hình dán. Tiền trong lọ “Chia sẻ” dùng để ủng hộ hoặc cho bạn vay. Cuối cùng, lọ “Tiết kiệm” chứa số tiền trẻ tích cóp được để mua vật phẩm đắt tiền hơn.
Khi trẻ lên 6 tuổi, bạn cần dạy trẻ về lựa chọn khi tiêu tiền, từ đó giúp trẻ làm quen với đặt mục tiêu và đưa ra quyết định về tài chính. Đúng như Beth Kobliner, tác giả cuốn sách bán chạy nhất trên trang New York Times mang tên Get a Financial Life, đồng thời là thành viên hội đồng cố vấn tài chính của Tổng thống Mỹ, từng nói: “Số tiền bạn có là hữu hạn, do đó, bạn cần tiêu tiền một cách thông thái. Bởi một khi bạn tiêu hết số tiền bạn có, bạn sẽ không còn đồng nào để tiêu nữa đâu”.
Phương pháp:
Bước 1: Dẫn con đi mua sắm và chỉ cho con thấy một món đồ chơi rẻ tiền và một món đồ chơi đắt tiền hơn. Từ đó, hãy liên hệ để các con hiểu rằng chúng phải tiết kiệm vài tuần nếu con muốn mua món đồ chơi đắt tiền hơn.
Bước 2: Khi biết mục đích con muốn tiết kiệm, bạn hãy tính số tuần cần có để tích cóp được khoản tiền đó rồi thiết kế một biểu đồ mục tiêu. Mỗi tuần sẽ tương ứng với một ô, và con có thể đánh dấu vào ô tương ứng nếu con hoàn thành mục tiêu tiết kiệm của tuần đó.
Độ tuổi: Từ 11 đến 16 tuổi
3. Bài học: Làm thế nào để hôm nay kiếm được nhiều tiền hơn hôm qua
Bước vào giai đoạn thứ hai, trẻ được học về cách kiếm tiền cho mục tiêu lâu dài và hiệu quả của việc đầu tư đúng nơi đúng chỗ. Đồng thời, bạn có thể giới thiệu cho trẻ bài học về lãi kép: Càng tiết kiệm sớm bao nhiêu thì số tiền có được từ lãi kép càng cao.
Phương pháp:
Bước 1: Dạy trẻ cách đọc, nghiên cứu và so sánh giá cả và chất lượng hàng hóa trước khi mua một loại hàng hóa để đạt được mục tiêu đề ra bằng con đường ít tốn kém nhất. Nhờ đó, với cùng một số tiền, con bạn sẽ mua được nhiều hàng hóa hơn. Đến đây, bạn có thể mở cho con tài khoản tiết kiệm đầu tiên.
Bước 2: Trang bị cho trẻ các kiến thức về lãi suất, lãi kép và bài học về đầu tư rằng càng dành nhiều tiền vào một kế hoạch đầu tư, số tiền thu về sẽ càng lớn hơn. Các bậc cha mẹ nên mô tả và phân biệt các loại kế hoạch đầu tư khác nhau, tạo điều kiện giúp các con lựa chọn kế hoạch phù hợp nhất với mục tiêu dài hạn.
4. Bài học về Dự toán thu chi
Bài học về dự toán thu chi được áp dụng nhằm đảm bảo trẻ có đủ tiền để chi cho những thứ mà chúng cần, những thứ quan trọng, đồng thời giúp trẻ không vướng vào nợ nần.
Phương pháp:
Bước 1: Hãy đưa cho con 3 con lợn đất, một con cho tiêu dùng, một con để tiết kiệm cho ngắn hạn và một con để tiết kiệm cho dài hạn. Để khuyến khích con áp dụng phương pháp này, bạn nên khen ngợi và tặng con những phần thưởng không phải là tiền.
Bước 2: Bắt đầu dạy con dành một phần tiền cho ngân sách chung của gia đình để con được tham gia vào quá trình tiền trong gia đình như các thành viên khác trong gia đình.
Độ tuổi: Từ 17 đến 21 tuổi
5. Bài học: Đặt cọc thế chấp
Theo thống kê, 32% các bậc phụ huynh mong muốn các con họ dùng khoản tiền chúng tự tiết kiệm để đặt cọc nhà ở. Muốn thế, trẻ phải hiểu về cách hoạt động của thế chấp.
Phương pháp
Bước 1: Hãy dạy trẻ về chiến lược đặt cọc thế chấp và đầu tư vào một tài sản cố định có lợi nhuận cao hơn so với tiết kiệm trong dài hạn. Thêm vào đó, trẻ cũng cần hiểu rõ sự khác nhau giữa tiết kiệm và đầu tư. Tiết kiệm là giữ tiền ở một nơi an toàn trong trường hợp cần đến tiền trong tương lai, còn đầu tư liên quan đến việc góp vốn vào một kế hoạch đầu tư nhằm hướng đến một lợi ích tài chính nhất định. Theo đó, đầu tư thường rất mạo hiểm bởi chẳng có gì bảo đảm rằng các chủ đầu tư có thể lấy lại toàn bộ tiền góp vốn nếu kế hoạch đầu tư không hoạt động hiệu quả.
Bước 2: Hãy hướng dẫn các con đặt trước một kỳ nghỉ cùng với bạn bè. Từ đó, chúng sẽ học được cách đặt cọc một phần trước rồi sau đó mới trả hết toàn bộ, hoặc trả một lần hoặc trả góp nhiều lần.
6. Bài học: Tín dụng hoạt động như thế nào?
Để tránh cảnh sống trong nợ nần, giới trẻ nên và cần phải hiểu về tín dụng trước khi bỏ nhà tha hương.
Phương pháp:
Bước 1: Nếu con bạn muốn mua chiếc xe đầu tiên trong đời, bạn có thể cho con vay trước và thỏa thuận một mức lãi suất hợp lý và trả nợ dần theo tháng.
Bước 2: Để giúp con làm quen với các điều khoản của tín dụng, hãy khuyên con nên học cách sử dụng một thẻ tín dụng chỉ dành để mua xăng và phải trả hết vào cuối tháng. Đồng thời, thường xuyên nhắc nhở con dự toán thu chi và khiến con nhận thức được hậu quả nếu không trả tiền, ví dụ như xếp hạng tín dụng thấp;
Theo genk