Kinh tế đi lên nhờ ông chủ tập đoàn xây dựng thương hiệu CHÂN THẬT
Qua hơn 20 năm tự khẳng định bản thân trên thương trường, ông Phạm Đình Đoàn – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phú Thái đã đưa doanh nghiệp từ một công ty nhỏ với chỉ hơn 10 thành viên, vươn lên trở thành tập đoàn phân phối – bán lẻ lớn mạnh tại Việt Nam.
Ông Phạm Đình Đoàn được ghi nhận như một hình mẫu doanh nhân tiêu biểu của Việt Nam qua việc ông từng đạt Giải thưởng Doanh nhân Sao Đỏ – giải thưởng dành cho những doanh nhân tiêu biểu nhất Việt Nam với thành tích nổi bật trong kinh doanh và đóng góp cho xã hội. Ông cũng từng được bầu chọn là 50 người Tiên phong năm 2012.
Chia sẻ bài học thành công của Tập đoàn Phú Thái tại hội thảo “Chiến lược, Đổi mới Sáng tạo và Tăng Trưởng” do StrategyM, Sage và HRInsider tổ chức mới đây, Chủ tịch HĐQT Phạm Đình Đoàn cho biết: Một trong 5 bài học thành công của Phú Thái là hợp tác với các tập đoàn lớn và đối tác toàn cầu.
“Phú Thái hiện đang hợp tác với một đối tác rất lớn của Nhật Bản. Chúng tôi không hiểu sao 5-7 năm nay cứ gặp gỡ, trao đổi, đánh golf, rồi đi lại…, gặp hết từ ông dưới đến ông trên, gặp cả ông Chủ tịch tập đoàn”, doanh nhân Phạm Đình Đoàn chia sẻ.
Cuối cùng, đối tác Nhật mới tiết lộ: Họ muốn tất cả lãnh đạo của tập đoàn ấy đưa ra cảm nhận đối với người chủ của Phú Thái, sau đó sẽ có hội nghị khoảng 20 vị lãnh đạo cao nhất đưa ra quyết định có liên doanh, liên kết với doanh nghiệp Việt Nam này hay không.
“Nếu anh tính cách “này nọ” thì cuối cùng cũng sẽ lộ ra. Anh có thể nói dối được 1 người trong cả cuộc đời, hoặc anh có thể nói dối tất cả mọi người trong 1 khoảnh khắc nào đấy, nhưng không thể nói dối tất cả mọi người trong tất cả mọi lúc”, ông Đoàn nói.
Ông cho biết, khi làm việc với các đối tác nước ngoài, lợi thế của doanh nghiệp Việt chỉ có đạo đức, tư duy, ý tưởng…, trong đó, ĐẠO ĐỨC là yếu tố tối quan trọng.
“Nếu các bạn xác định mình là công dân toàn cầu, là doanh nhân xuất chúng 10 in 1 thì trong các đức tính của bạn phải có đạo đức. Sao các bạn không xác định rõ mình cứ trung thực một cách tuyệt đối để tâm mình sáng, khi nói với ai không phải suy nghĩ gì cả? Tôi nghĩ người Việt Nam phải xây dựng thương hiệu CHÂN THẬT đi! Người nước ngoài họ thích chân thật chứ không phải thích hoành tráng, khoe khoang đủ thứ”.
Ông Đoàn cũng chia sẻ 2 câu chuyện.
Một người nước ngoài nói với ông rằng: “Vietnamese is King of Change” (tạm dịch: Người Việt Nam là vua thay đổi). Hôm qua nói với đối tác rằng “OK, đồng ý”. Hôm sau lại nói “Chồng tôi bảo thế này”. Và hôm sau nữa lại nói “Con tôi vừa đi học nước ngoài về, tôi phải theo ý nó”…
“Chúng ta cứ như vậy thì không làm việc được đối tác nước ngoài đâu”, ông Đoàn nhấn mạnh.
Một câu chuyện khác ông Đoàn chia sẻ là chuyện có thực giữa ông chủ người Nhật và lái xe người Việt. Trước khi chia tay với người lái xe để về nước, ông chủ người Nhật rủ đi uống bia. Khi uống bia, ông cảm ơn người lái xe 7 năm vừa qua đã làm việc cho ông. Ông thấy an toàn và không gặp tai nạn giao thông.
Trong 7 năm qua, đã có lần ông định tăng lương cho người lái xe nhiều hơn. Nhưng ông biết người lái xe này gian dối về xăng xe, nên đã cộng cả khoản gian dối kia để chỉ tăng lương chút ít.
“Tôi muốn nhấn mạnh: Khi làm việc ở đẳng cấp cao hoặc không cao mà muốn vươn lên tầm cao, thì điều rất quan trọng là đạo đức nghề nghiệp. Đừng gian dối! Gian dối họ biết hết. Có doanh nghiệp Việt nói người Việt hiểu người Việt hơn, nhưng người nước ngoài hiểu mình hơn gấp chục lần mình”, ông Đoàn nhấn mạnh.
Đạo đức là đức tính quan trọng nhất mà một doanh nhân cần có. Hiện tại, khi tính cá nhân đang lên ngôi, thì người lãnh đạo chính là linh hồn của doanh nghiệp.
“Quyết định có hợp tác với một doanh nghiệp hay không phụ thuộc rất lớn vào phẩm chất đạo đức của người đứng đầu doanh nghiệp”, ông Đoàn khẳng định.
TinhHoa tổng hợp