“Không nhà vệ sinh, không cô dâu”: Chiến dịch đối phó vấn nạn về vệ sinh tại Ấn Độ
Một chú rể lý tưởng ở Ấn Độ phải là một người ăn chay, không uống rượu, có tương lai nghề nghiệp ổn định và phải hứa đảm bảo được với cô dâu tương lai một thứ tiện nghi đang rất cần ở nước này: Nhà vệ sinh riêng.
Ở các vùng quê Ấn Độ, nhiều cô gái trẻ đang từ chối lấy chồng nếu người theo đuổi không đảm bảo nhà có được nhà vệ sinh riêng, để tránh những cảnh bất tiện và xấu hổ mỗi khi sử dụng nhà vệ sinh công cộng, hay phải giải quyết ngoài cánh đồng.
Jairam Ramesh, Bộ trưởng Bộ Phát triển Nông thôn, nước sạch và vệ sinh Ấn Độ là người đưa ra lời kêu gọi trên, khi ông nhận thấy số lượng các đền thờ Hindu còn nhiều hơn số nhà vệ sinh trong nhà trên toàn quốc.
Hơn 75% dân số của 1,2 tỷ dân Ấn Độ có thuê bao di động. Trong khi đó, chỉ có 50% hộ gia đình có 1 nhà vệ sinh riêng và 11% hộ liên kết với hệ thống thoát nước, theo điều tra dân số năm 2011.
Ông Ramesh đã từng gọi Ấn Độ là “nhà vệ sinh công cộng lớn nhất thế giới”.
Phát biểu tại buổi ra mắt của 1 “nhà sinh vệ sinh sinh thái” hồi tháng 6 vừa rồi, ông Ramesh cho biết Ấn Độ nên xấu hổ về những điều này, vì “thậm chí các nước như Bangladesh, Nepal, Pakistan và Afgaanistan còn làm tốt hơn thế”.
Brindeshwar Pathak, người sáng lập tổ chức từ thiện vệ sinh Sulabh International, đã kêu gọi chính phủ cung cấp những khoản vay nhỏ, hỗ trợ các hộ dân xây dựng nhà vệ sinh và xử phạt những người đi vệ sinh bên ngoài.
Bởi việc không có nhà vệ sinh có thể dẫn đến một số trường hợp gây nguy hiểm cho người phụ nữ, như bị hãm hiếp hay hành hung trong lúc đang cố gắng tìm kiếm một nơi nào đó giải quyết nhu cầu cá nhân, đặc biệt là lúc bóng tối còn bao phủ.
Theo Daily Mail