Không còn nỗi lo vỡ màn hình smartphone với vật liệu tự phục hồi
Những ai đang dùng smartphone thường rất “cẩn thận” vì chúng khá “dễ vỡ”, đặc biệt là màn hình, nhưng nỗi lo này sẽ không còn nữa, khi một công nghệ đặc biệt sẽ được ứng dụng vào sản xuất màn hình smartphone.
Các nhà khoa học đã tạo ra một loại vật liệu mới có khả năng tự liền lại sau khi bị vỡ. Bạn chỉ cần thêm một ít chất xúc tác và nhiệt để các mảnh vỡ tự gắn lại với nhau, thậm chí không để lại một vết xước nào.
Loại vật liệu mới này được gọi là Vitrimers, do nhà khoa học vật liệu Ludwik Liebler nghiên cứu và phát minh ra. Nghiên cứu này của Ludwik từng được đánh giá cao và trao giải Inventor Award 2015. Đến bây giờ, nghiên cứu của ông mới bắt được được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực, trong đó có sản xuất smartphone.
Nhà khoa học này cho biết: “Ý tưởng ban đầu của nghiên cứu này là chế tạo ra loại vật liệu giống như T-1000 trong bộ phim Terminator 2. Tôi nghĩ rằng ứng dụng của vật liệu mới này là rất rộng rãi, từ các loại phương tiện giao thông cho đến các thiết bị điện tử và đồ gia dụng. Bạn sẽ có những món đồ có khả năng tự liền sau khi bị vỡ, nó sẽ giúp làm giảm chi phí sửa chữa cũng như thay thế các thiết bị mới”.
Vitrimers là một loại nhựa cứng đặc biệt, được tạo ra bằng cách tổng hợp cấu trúc của hai loại nhựa khác. Nó không bị nóng chảy khi gặp nhiệt độ cao, nhưng dưới tác dụng của nhiệt độ nó có thể trở lại hình dạng ban đầu của mình.
Do đó, loại vật liệu mới này hoàn toàn có thể thay thế các miếng dán cường lực trên smartphone hiện nay. Với tác dụng bảo vệ tương tự, nhưng có khả năng tự liền lại khi bị nứt hoặc vỡ. Bạn sẽ có một miếng dán gần như là không thể vỡ và bảo vệ màn hình smartphone suốt đời.
Theo GenK