Vỡ đê kinh hoàng ở Giang Tây: Người dân chạy điên cuồng 5 km, đôi bàn chân run rẩy
Lũ lụt vẫn tiếp tục lan tràn ở miền Nam Trung Quốc. Trong lưu vực hồ Bà Dương của tỉnh Giang Tây, 3 trạm thủy văn gần đây đã phá vỡ các mức cao nhất trong lịch sử, nhiều con đê bị vỡ. Một số dân làng ở Giang Tây nhớ lại khoảnh khắc chạy trốn khỏi tử thần lúc vỡ đê: chạy điên cuồng 5 km, đôi bàn chân run rẩy!
Các nguồn tin ở Đại lục cho biết, vào lúc 21 giờ ngày 11/7, mực nước của trạm Bà Dương trên sông Nhiêu ở Giang Tây đã phá vỡ mức cao nhất lịch sử là 22,61 mét vào năm 1998 và đạt 22,65 mét. Tính đến 7 giờ ngày 12/7, mực nước của trạm Bà Dương đã lên tới 22,74 mét, vượt quá mực nước năm 1998 thêm 13cm, và vẫn đang tăng.
Làng Song Phong và Song Cảng của thị trấn Song Cảng, gần lưu vực sông Nhiêu của hồ Bà Dương rơi vào tình trạng lũ lụt nghiêm trọng. Con đê Song Phong Nam Vu là con đê đầu tiên ở hồ Bà Dương để bảo vệ các thôn làng Song Phong, Song Cảng. Con đê Nam Vu từng chống chịu được trận lụt năm 1998.
Vào tối ngày 12/7, trên bờ đê của hồ chứa nước Bác Sĩ ở thị trấn Song Cảng, huyện Bà Dương, tỉnh Giang Tây, Bành Phương Lạp – một người dân ở làng Song Phong, đã chống chọi với lũ lụt trong nhiều ngày. Hai ngày trước, Bành Phương Lạp đã đứng trên đê Song Phong Nam Vu và bắt đầu “bảo vệ đê” cho đến khi trận lụt phá vỡ đê hoàn toàn.
Lúc đó đã là 4 giờ sáng ngày 11/7, Bành Phương Lạp nhớ rằng nước mỗi lúc rò rỉ một nhiều, và mực nước của dòng sông cũng đang dâng gần đến độ cao của đê. “Đột nhiên gió lại thổi, thậm chí thổi rất lớn. Nước tràn qua, máy không tải nổi, lỗ hổng đột nhiên lớn hơn, nước tràn vào… “
Trong lúc nước ồ ạt chảy, Bành Phương Lạp nghe thấy một chỉ huy hét lên: “Tìm chỗ cao hơn, ở đây không giữ nổi nữa, hãy bảo vệ mọi người trước!”
Bành Phương Lạp, người quen thuộc với địa hình, đã dẫn những người xung quanh chạy bán sống bán chết một mạch 5 km.
Khi Chu Hồng Linh, phó thị trưởng của thị trấn Song Cảng nhìn thấy Bành Phương Lạc, câu nói đầu tiên mà ông nghe thấy là: “Bây giờ tôi rất sợ, chân tôi run rẩy, nếu chúng ta chạy chậm một bước, tất cả chúng ta có thể bị cuốn trôi.”
“Lúc đó xảy ra tình trạng là càng nhiều người muốn chạy, họ càng không thể di chuyển”, Bành Phương Lạp nói. Cho đến bây giờ, chân anh vẫn còn đau.
Sau khi con đê đầu tiên thất thủ, chỉ trong 2 giờ, trận lụt đã làm ngập hơn 20.000 mẫu đất nông nghiệp, tràn đến nhà người dân trong làng.
Sau khi đi qua đê Song Phong Nam Vu, cơn lũ đã dừng lại trước con đê của hồ chứa nước Bác Sĩ, ban đầu đây là con đê bảo vệ của hồ thủy lợi, và giờ đây nó đã trở thành tuyến phòng thủ cuối cùng để ngăn chặn lũ lụt.
“Có 5 ngôi làng bên dưới hồ chứa, và xa hơn là thị trấn Song Cảng”, Bành Phương Lạc chỉ vào hồ chứa và nước lũ trước mặt. Trước khi lũ lụt, vùng đất nông nghiệp bên dưới này thấp hơn mặt nước của hồ chứa và được tưới nước bởi hồ chứa. Mực nước lũ hiện cao hơn mực nước hồ chứa.
“Sâu ít nhất 5 mét”, Bành Phương Lạp đánh giá độ sâu của trận lụt.
Nhà của Bành Phương Lạp nằm ở hạ lưu của hồ chứa, theo cách nói của anh thì “bề mặt của nước lũ cao hơn ít nhất hai tầng so với mái nhà.”
Theo số liệu quan sát của Cục Thủy văn của Ủy ban Thủy lợi sông Dương Tử thuộc Bộ Thuỷ lợi Trung Quốc, đỉnh lũ của sông Dương Tử đã tràn qua sông Cửu Giang ở Giang Tây lúc 6 giờ tối ngày 12/7, và tràn qua miệng hồ Bà Dương lúc 8 giờ tối cùng ngày.
Vào lúc 11 giờ tối ngày 12/7, một đợt lũ khác tràn qua thượng nguồn Hán Khẩu, Hồ Bắc. Cục Thủy văn của Ủy ban Thủy lợi sông Dương Tử dự đoán rằng, vào sáng sớm ngày 14/7, đỉnh lũ sông Dương Tử sẽ tràn qua trạm quan sát Đại Thông ở ngoại ô thành phố Đồng Lăng, tỉnh An Huy. Mực nước có thể dâng lên khoảng 16,3 mét sau đó.
Minh Huy (Theo Epoch Times)