Khoan dung, tha thứ cho người khác là tạo phúc báo cho chính mình
Người xưa có câu ‘nước trong quá thì không có cá, người xét nét quá thì không có bạn’, sống ở đời ai mà chẳng một lần phạm phải lỗi lầm, chừa cho người khác một đường lui cũng là thiện đãi chính mình.
Tha thứ cho hạ thần, nhà vua được báo ơn
Vào thời Xuân Thu ở Trung Quốc, Sở Trang Vương nổi tiếng là một ông vua vô cùng sáng suốt, nhân từ.
Chuyện kể rằng, vào một hôm Sở Trang Vương cho bày yến tiệc thết đãi các đại thần. Hoàng cung khi ấy vô cùng náo nhiệt. Sở Trang Vương cũng cao hứng, cho gọi người thiếp được sủng ái của mình là Từ Tế đến để rót rượu mời mọi người.
Bỗng nhiên có một cơn gió lớn nổi lên thổi tắt hết đèn nến trong cung điện. Khi ấy, một quan viên trong đêm tối; lỡ tay kéo áo chọc ghẹo Từ Tế. Người thiếp của vua lúc đó cũng vô tình quờ tay giật đứt dải mũ của ông này rồi tâu lên Sở Trang Vương, muốn thắp đèn nến lên, tìm xem ai là người đã chọc ghẹo mình…
Việc đùa giỡn ái phi của vua có nghĩa là làm nhục đến nhà vua, là hành vi đại nghịch và coi thường đạo lý vua tôi. Nhưng khi nghe Từ Tế tâu xong Sở Trang Vương nghĩ một lát rồi cất giọng nói to: “Khoan hãy châm nến! Hôm nay trẫm muốn cho các khanh được vui vẻ sảng khoái. Không cần phải mũ áo thật chỉnh tề; mọi người hãy giật đứt hết các dải mũ thì mới vui!”.
Văn võ bá quan nghe vậy thì ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì, nhưng lệnh vua không ai dám trái, vậy nên các đại thần văn võ lần lượt giật đứt dải mũ của mình. Nhờ vậy mà người trêu ghẹo thiếp yêu của Sở Trang Vương không bị lộ mặt.
Từ Tế thấy vậy vừa ngạc nhiên vừa tức giận. Yến tiệc kết thúc, nàng đến than thở với Sở Trang Vương. Lúc này, Sở Trang Vương nói: “Hôm nay ta mời mọi người uống rượu. Việc mọi người uống rượu say, quên cả lễ phép, rồi xảy ra chuyện này cũng là chuyện có thể lượng thứ, không nên trừng phạt, kẻ sĩ đều vì nước, làm sao có thể sỉ nhục tướng sĩ của mình để tỏ lòng trong trắng?” Nghe xong lời Sở Trang Vương, vị phi tần gật đầu đồng tình và cũng bằng lòng bỏ qua chuyện này.
Khoảng 2 năm sau, nước Sở và nước Tấn xảy ra giao tranh. Qua 5 trận kịch chiến, quân Sở có một võ tướng liều mình, tả xung hữu đột; không màng sống chết, luôn đi tiên phong. Dưới sự chỉ huy của vị tướng này, các binh lính được tiếp thêm sức mạnh, dũng cảm lao lên chiến đấu, quân Sở nhờ vậy mà trăm trận thắng luôn. Sau này Sở Trang Vương lấy làm lạ, bèn cho gọi võ tướng trên đến hỏi ngọn ngành thì vị võ tướng ấy thưa rằng:
“Thần chịu nghĩa xưa, đội ơn dày của bệ hạ đã tha cho tội khi quân. Vốn mong muốn liều chết để báo đền ân đức của bệ hạ; đến nay thần mới có dịp. Thần là Tưởng Hùng, người năm xưa đã trêu ghẹo cung nữ của bệ hạ trong tiệc rượu”.
Sống ở đời ai mà không có lỗi lầm, nhưng nếu mỗi người đều biết nhìn vào chỗ tốt của người khác, chừa lại cho nhau một đường lui thì cũng là thiện đãi chính mình.
Chừa cho địch đường lui, Tào Bân thu phục dân thành Kim Lăng
Tào Bân là một đại thần khai quốc của triều đại nhà Tống, có công thống nhất Tây Vực và Nam Đường. Mặc dù là một đại tướng quân oai phong lừng lẫy thiên hạ, nhưng Tào Bân lại vô cùng nhân từ.
Khi Tào Bân dẫn quân tiến đánh Nam Đường, mặc dù đã vây hãm được thành Kim Lăng nhưng ông lại lệnh cho quân sĩ tạm hoãn công thành, không đánh ngay, đồng thời nhiều lần gửi thư cho Nam Đường Hậu Chủ Lý Dục, người đang trấn thủ trong thành.
Tào Bân viết: “Tình thế đã đến nước này, việc Nam Đường bại trận cũng chỉ là chuyện sớm muộn thôi. Nhưng tiếc rằng nếu công phá thành thì ngọc đá đều nát, dân chúng trăm họ phải rơi vào cảnh lầm than. Nếu ngài có thể quy thuận triều Tống thì chính là thượng sách vậy”.
Khi thành Kim Lăng sắp bị công phá, Lý Dục vẫn ngoan cố thà chết không chịu hàng. Tào Bân lúc này đột nhiên cáo bệnh, không thể tiến quân công phá Kim Lăng khiến các tướng lĩnh đều đến hỏi thăm.
Tào Bân nói với các tướng sĩ rằng: “Bệnh của ta không thuốc gì có thể chữa khỏi. Nhưng chỉ cần mọi người thành tâm, thành ý thề nguyện khi phá thành Kim Lăng quyết không được giết hại một người nào, như vậy thì bệnh của ta tự nhiên có thể khỏi hẳn”.
Sau khi nghe lời nói của Tào Bân, ba quân tướng sĩ vô cùng cảm kích, dập đầu xin vâng. Họ thắp hương, cắt máu ăn thề rồi phát thệ nguyện đúng như lời Tào Bân nói.
Chẳng ngờ lời này của Tào Bân sau đó đến tai dân chúng thành Kim Lăng, trăm họ biết được đều cảm phục tấm lòng nhân đức của Tào Bân. Lý Dục vốn ngoan cố khi nghe xong cũng vô cùng cảm kích, cởi giáp quy hàng. Lý Dục và dân chúng thành Kim Lăng sau đó đã cùng nhau ra nghênh đón quan quân nhà Tống.
Trận đánh này vì sự khoan dung độ lượng của Tào Bân nên không cần dùng một binh một tốt nào mà vẫn giành thắng lợi, vừa bảo toàn quân sĩ, lại giúp cho hàng vạn bá tánh giữ được sinh mệnh.
Có câu nói ‘Lùi một bước biển rộng trời trong, nhường ba phần sóng yên gió lặng’. Nghĩ cho người khác trước, khoan dung độ lượng, không dồn người khác vào đường cùng cũng là mở ra cho mình một con đường sống.
Xuân Hạ (t/h)