Khám phá bộ ảnh động tái hiện 7 công trình kiến trúc cổ đại lừng danh thế giới
Dù đã bị phá hủy theo thời gian, nhưng những công trình kiến trúc cổ đại vẫn thu hút vô số khách tham quan. Tuy nhiên, thật khó có thể hình dung sự tráng lệ của toàn bộ công trình khi còn nguyên vẹn. Vì vậy, trang Expedia đã tạo riêng một bộ ảnh động nhằm tái hiện 7 công trình kiến trúc cổ đại từ đống đổ nát trở về thời huy hoàng của chúng.
Những quốc gia như Hy Lạp, Italy, Ai Cập và Mexico rất nổi tiếng với các công trình lịch sử ấn tượng, vang danh thế giới. Tuy nhiên, điều đáng buồn là nhiều công trình đã bị hư hỏng, phá hủy sau hàng trăm đến hàng nghìn năm. Đến bây giờ, những gì còn lại chỉ là tàn tích của một thời huy hoàng.
Dự án NeoMan của Expedia, được triển khai bởi Maja Wrońska và Przemek Sobiecki đã giúp người xem đi ngược thời gian và khám phá những công trình kiến trúc thông qua những hình ảnh số, phục dựng lại vẻ đẹp ban đầu của nó. Với kỹ thuật 3D, nhóm nghiên cứu đã có thể tái hiện lại 7 công trình kiến trúc lịch sử nổi tiếng mà chúng ta ít có cơ hội được chiêm ngưỡng.
Đền Parthenon – Hy Lạp
Ngôi đền này nằm ở phần cao nhất của khu vực Acropolis, có lẽ là công trình nổi tiếng nhất của Hy Lạp cổ đại. Đền Parthenon được xây dựng vào năm 447 TCN để thờ bức tượng vàng của thần Athena, là vị thần của trí tuệ, thủ công mỹ nghệ, và của chiến tranh chính nghĩa. Trong cuộc chiến tranh với Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1687, một vụ nổ từ phía trong đã phá hủy ngôi đền này.
Bức ảnh trên cho thấy cấu trúc hùng vĩ của công trình Hy Lạp này khi nó còn nguyên vẹn.
Kim tự tháp Nohoch Mul – Coba, Mexico
Coba là một di tích của đế chế Maya tại Mexico. Khu vực này được cho là đã được phát tích từ khoảng năm 100 TCN cho tới năm 100 SCN và bị bỏ hoang vào năm 1550, sau khi người Tây Ban Nha xâm lược. Nohoch MUl là kim tự tháp cao nhất của người Maya tại bán đảo Yucatan và kim tự tháp người Maya cao thứ 2 thế giới. Nó được phát hiện vào khoảng năm 1800 nhưng phải đến khoảng năm 1973 thì địa điểm này mới mở cửa cho du khách tham quan.
Bức tường ở Hadrian, Milecastle số 39
Người La Mã đã xây dựng bức tường Hadrian cắt ngang qua nước Anh trong thế kỷ thứ nhất để bảo vệ cho đế chế của họ khỏi bị tấn công. Họ xây dựng các pháo đài ở phía trong và cách đều dọc theo bức tường thành với khoảng cách 1 dặm La Mã (khoảng 1,5 km). Trên đây là hình ảnh phỏng đoán về bức tường và pháo đài này.
Đền thời tại khu di tích Largo di Torre Argentina, Ý
Có vị trí ở Rome, Ý, quảng trường di tích này bao gồm 4 đền thờ. Nó đã được phát hiện vào những năm 1920 của thế kỷ trước. Trong đó, đền thờ B là công trình mới nhất trong 4 ngôi đền, với các bậc thềm và khu vực chính điện vẫn còn nguyên vẹn.
Một điểm thú vị nữa, chính là du khách đến đây sẽ không chỉ tìm thấy một địa điểm khảo cổ học hấp dẫn, mà còn có thể chơi đùa với hàng trăm con mèo đang sinh sống trong những tàn tích. Các tình nguyện viên vẫn hàng ngày cho chúng ăn, chăm sóc cho chúng, các du khách còn được khuyến khích nhận nuôi chúng về.
Kim tự tháp Mặt trời – Mexico
Teotihuacán là một trong những trung tâm đô thị đầu tiên tại trung Mexico và giờ đây là một trong những địa điểm khảo cổ quan trọng nhất quốc gia này. Nó được xây dựng vào khoảng thế kỷ 1 đến thế kỷ 7 nhưng rất ít tư liệu có nhắc về nó, tại sao lại được xây dựng và ai sống ở đây. Kim tự tháp Mặt Trời là công trình lớn nhất tại Teotihuacán và là một trong những kim tự tháp lâu đời nhất tại đây.
Đền thờ Jupiter – Ý
Được xây dựng để thờ phụng Jupiter – vị thần của bầu trời và sấm chớp, ngôi đền này là trung tâm của khu vực tôn giáo tại thành phố cổ Pompeii. Tuy nhiên, núi lửa phun trào từ cách đây khoảng 2,000 năm đã chôn vui thành Pompeii. Ngôi đền này được phát hiện vào khoảng thế kỷ thứ 16 và giờ đây rất đông du khách tới để chiêm ngưỡng những tàn dư của nó.
>>> Sự diệt vong của Pompeii – Bài học cảnh tỉnh cho nhân loại ngày nay
Đền Luxor – Ai Cập
Đền Luxor có tên gọi bắt nguồn từ một từ tiếng Ả Rập là một trong những nơi linh thiêng nhất tại đất nước này. Nằm cạnh bờ sông Nile, Luxor temple được xây dựng bởi Pharaoh Amenhotep III, nơi Pharaon (nữ) Hatshepsut thờ thần Amun. Trước khi được tìm ra và khai quật, ngôi đền này bị lấp hết hơn một nửa (giống như hầu hết các di tích Ai Cập cổ khác) dưới cát sa mạc. Vào thế kỷ 19, một ngôi đền Hồi giáo được xây ngay phía trên ngôi đền này và nó vẫn còn sử dụng cho tới ngày nay. Năm 1885, để “moi” ngôi đền này lên, các nhà khảo cổ đã phải đào cả 1 ngôi làng.
Hồng Liên (t/h)