‘Khi đàn chim trở về’: Làm phim về rừng ‘rưng rưng nước mắt’
Khi đàn chim trở về, phần cuối cùng dài hơi nhất của bộ phim truyền hình cùng tên sẽ lên sóng vào ngày 28/5 tới đây, đề cập đến đề tài vô cùng nóng bỏng và ít khi được đề cập: phá rừng.
Khi đàn chim trở về , phần cuối cùng dài hơi nhất của bộ phim truyền hình cùng tên sẽ lên sóng vào ngày 28/5 tới đây, đề cập đến đề tài vô cùng nóng bỏng và ít khi được đề cập: phá rừng. Biên kịch Nguyễn Ngọc Đức đã dồn hết tâm huyết hoàn thành cho đến hơi thở cuối cùng. Nguyễn Ngọc Đức là nhà báo của Báo Nghệ An , phụ trách mảng lâm nghiệp. Anh có rất nhiều vốn sống về đề tài này. Năm năm trước đây, khi viết phần 3 kịch bản Khi đàn chim trở về anh đang phải xạ trị ung thư, và phải đọc cho con gái viết. Công phu như “Bí thư tỉnh ủy” Giám đốc VFC, Đỗ Thanh Hải cho biết: “Chúng tôi đã đề nghị anh Đức cứ viết hết ra. Dù anh ấy không phải người viết kịch bản chuyên nghiệp nhưng anh ấy có những vốn sống mà người viết trẻ không có, kịch bản của anh ấy có chất liệu rất dày dặn, đầy trải nghiệm. Khi kịch bản hoàn thành cũng là lúc anh ấy qua đời. Chúng tôi đã mất hai năm để biên tập lại 20 tập kịch bản, thành 46 tập”. Những gì biên kịch Ngọc Đức viết ra và kì vọng thực sự đã thách thức nhà sản xuất. Để làm được phim này, đạo diễn Nguyễn Danh Dũng đã phải đi thực tế nửa năm ở những vùng từng Tây Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An để tìm hiểu về rừng, bối cảnh. Diễn viên Việt Anh và Vân Anh trong phim Khi đàn chim trở về
Những trò ma lanh của lâm tặc, những cảnh đốn cây cổ thụ, cảnh những chiến sĩ hi sinh vì bẫy chông của lâm tặc… mà biên kịch viết, không dễ thực hiện trong điều kiện kĩ thuật và kinh phí của truyền hình. Trong phim có cảnh lâm tặc đốn hạ cây cổ thụ. Đoàn đã phải làm việc với kiểm lâm và tìm được 5 cây thân gỗ lớn đã chết, cấy thêm cành lá vào để quay cảnh đốn hạ cây cổ thụ. Đạo diễn cũng yêu cầu đặt 15 máy quay, đặt ở 15 góc khác nhau, để có nhiều cảnh đốn hạ cây. Đoàn làm phim cũng phải tiết kiệm chặt thành nhiều gốc để tạo hiện trường một vạt rừng bị đốn hạ, và xẻ thành nhiều tấm gỗ dùng cho những cảnh quay lâm tặc khai thác gỗ. Đoàn cũng phải quay ở nhiều địa điểm như Lào Cai, Vĩnh Phú, Nghệ An, Thanh Hóa vì “nếu quay ở một địa điểm với nhiều tiêu cực về lâm tặc quá thì các địa phương không đồng ý”. Đạo diễn Thanh Hải cho biết: “Dù biết phim về đề tài giải trí, thu hút rating cao nhưng VFC vẫn muốn có những có những phim đề tài chính luận, phản ánh những đề tài gai góc của xã hội. Cũng giống như Bí thư tỉnh ủy , với Khi đàn chim trở về , chúng tôi phải mất vài năm để chuẩn bị tư liệu, rất tâm huyết, đầy cẩn trọng. Chúng tôi đặt rất nhiều kì vọng vào bộ phim này”. Cảnh lâm tặc khai thác rừng trong phim Khi đàn chim trở về
Muốn diễn tốt phải bỏ phố lên rừng Khi đàn chim trở về đã thu hút một dàn diễn viên khá hấp dẫn. Việt Anh – gương mặt nổi bật trong các phim của VFC được giao vai nam chính: kiểm lâm Thành. Kiều Thanh với vốn sống và trải nghiệm của mình đã được vai phản diện Kiều Loan, một người phụ nữ đẹp, đầy mưu lược nhiều phen khiến Thành lao đao trong cuộc chiến bảo vệ rừng. Hai diễn viên đã quyết định bỏ phố lên rừng trải nghiệm để vào vai thật hơn. Việt Anh sống cả tháng với kiểm lâm, trong quá trình đóng phim gặp nhiều tai nạn nguy hiểm do không quen địa hình. Còn Kiều Thanh nhờ thẩm thấu nhanh không khí rừng đã được đạo diễn khen nhập vai “diễn mà như không diễn”. Lâm Vissay – Việt kiều Đức đã từng xuất hiện trong Hai phía chân trời của VFC – được giao vai trùm giang hồ khét tiếng. Thử thách lớn nhất của Lâm là… tiếng Việt, đã từng khiến anh muốn bỏ vai vì khó thuộc lời. Trong đoàn mỗi khi đoàn làm phim nghỉ ngơi thì Lâm ngồi “tụng” kịch bản. Nhưng sau phim này Lâm thừa nhận tiếng Việt của anh tăng nhanh trông thấy.
Ngọc Diệp |
Theo Báo TTVH