Khám phá thay đổi lịch sử: Con người đã định cư ở Úc từ 65.000 năm trước
Một khám phá thay đổi lịch sử nữa đã được thực hiện bởi các nhà khoa học. Họ vừa phát hiện con người định cư lần đầu tiên ở Úc là vào khoảng 65.000 năm trước đây. Và điều này có thể khiến lịch sử phải viết lại.
Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy hàng loạt công cụ có niên đại từ 65.000 năm trước tại một địa điểm phía Bắc nước Úc, cho thấy thực tế là con người đã từng sống ở lục địa này từ lâu trước khi xảy ra sự biến mất của những loài động vật khổng lồ.
Giả thuyết này không chỉ làm thay đổi một chương lịch sử của một trong những cộng đồng quan trọng nhất nhân loại, mà còn đặt ra câu hỏi về việc liệu con người có phải chịu trách nhiệm cho sự tuyệt chủng của các loài động vật khổng lồ trên lục địa này, như loài chuột túi, gấu túi, rùa khổng lồ hơn 45.000 năm trước.
Các chuyên gia đã phát hiện 3 lớp đồ tạo tác ở Madjedbebe, một trong những khu vực sinh sống của người cổ đại xa xưa nhất nước Úc, trong quá trình khai quật diễn ra từ năm 2012 đến 2015.
Tầng đất cổ nhất và sâu nhất mà các chuyên gia khai quật mang lại hơn 10.000 di vật làm bằng thủ công của người cổ đại, bao gồm những đầu rìu được đánh bóng, đồ xay hạt và công cụ gia công phức tạp, những vật dụng có mũi nhọn tinh xảo mà các chuyên gia tin rằng đã được sử dụng như những mũi giáo và vô số các đồ tạo tác khác, cung cấp cho các chuyên gia một đại dương dữ liệu về cuộc sống hàng ngày của con người ở Úc cách đây 65.000 năm.
Chris Clarkson, nhà khảo cổ thuộc Đại học Queensland, Australia cho biết: “Chúng tôi đã rất kinh ngạc trước sự phong phú của những vật dụng được tìm thấy tại địa điểm này: các lò sưởi vẫn còn nguyên vẹn, có một vòng đá mài bao quanh, bên cạnh đó còn có sự mai táng người chết trong các khu mộ. Không ai trong chúng tôi có thể tưởng tượng được sự tồn tại của một địa điểm phong phú và cổ xưa như vậy ở Úc”.
Peter Hiscock, một nhà khảo cổ học thuộc Đại học Sydney, người không tham gia nghiên cứu đã bình luận về phát hiện này như sau: “Khi nghĩ về tổ tiên của chúng ta, mọi người có thể cho rằng họ là những người nguyên thủy, kém đa dạng về văn hoá, hoặc cũng có thể tổ tiên chúng ta đã từng có một nền văn minh rất ấn tương. Trong tình huống này có lẽ quan điểm thứ 2 đã đúng. Ngay vừa lúc đến Úc châu, con người đã có thể làm ra những thứ tuyệt vời này”.
Phát hiện trên đã làm thay đổi những suy đoán ban đầu về cuộc sống và sự phát triển của con người ở Úc trong khoảng 45.000 – 60.000 năm trước đây.
Điều thú vị là tất cả các nghiên cứu và khai quật đều được giám sát bởi cộng đồng thổ dân địa phương. Công ty Gundjeihmi Aboriginal, một tổ chức phi lợi nhuận ở Úc, đã chịu trách nhiệm đại diện cho tộc người Mirarr, xem xét lại các kết quả phát hiện, giúp cộng đồng nơi đây có cơ hội theo dõi việc khai quật.
Thổ dân Úc khá quan tâm đến việc tìm hiểu về những người đầu tiên đặt chân đến mảnh đất này, đặc biệt là sau những mối đe doạ về môi trường do các hoạt động khai thác ngày nay.
Sau khi phục hồi các hiện vật, nhóm nghiên cứu dưới sự chỉ đạo của các chuyên gia đến từ Đại học Queensland đã sử dụng một kỹ thuật hiện đại gọi là OSL (Optically stimulated luminous) để xác định độ tuổi của các đồ tạo tác.
Kỹ thuật này và các kỹ thuật tiên tiến khác đã giúp các chuyên gia phần nào xác định được thời gian mà người Úc cổ đại từng sống và tình trạng môi trường xung quanh vào thời điểm đó. Các nhà khoa học nhận thấy tại thời điểm con người cổ đại sinh sống, miền Bắc nước Úc là một nơi ẩm ướt và khá lạnh.
Dựa trên phân tích đồng vị phóng xạ carbon, các vật liệu nơi đây có niên đại vào khoảng 45.000 – 50.000 năm. Tuy nhiên, phương pháp OSL đã có thể khiến khoảng thời gian đó xa hơn. Để xác định một hiện vật bị chôn vùi, người ta dựa vào lần cuối cùng 1 hạt cát tiếp xúc với ánh sáng Mặt trời, và OSL đã tính được thời gian đó có thể lên tới 100.000 năm hoặc lâu hơn.
Ngoài ra, người ta còn thấy thực vật ở Madirdbebe vẫn ổn định trong suốt thời gian con người sinh sống, điều này chứng tỏ đã không có nhiều sự thay đổi lớn về môi trường khiến con người di chuyển khỏi khu vực này.
TinhHoa tổng hợp