Khám phá ngôi làng Atlit Yam 9.000 năm tuổi chìm dưới đáy biển
Nằm không xa ở ngoài khơi bờ biển của làng Atlit trong vùng biển Địa Trung Hải, gần Haifa thuộc Israel, là đống đổ nát chìm dưới đáy biển của một di tích thời kỳ đồ đá cổ đại Atlit Yam. Khu dân cư thời tiền sử này được xác định là có niên đại từ thiên niên kỷ thứ 7 TCN, được bảo quản rất tốt dưới đáy biển đầy cát, tại đó có một vòng tròn đá bí ẩn vẫn đứng sừng sững như thuở ban đầu, và hàng chục bộ hài cốt vẫn yên nghỉ trong các ngôi mộ. Atlit Yam là một trong những khu dân cư chìm dưới đáy biển lâu đời nhất và rộng lớn nhất từng được phát hiện, đồng thời làm sáng tỏ cuộc sống hàng ngày của các cư dân cổ xưa nơi đây.
Ngày nay, Atlit Yam nằm ở độ sâu 8 – 12 mét dưới mực nước biển và trải rộng trên diện tích 40.000 mét vuông. Địa điểm này lần đầu tiên được phát hiện vào năm 1984 bởi nhà khảo cổ học biển Ehud Galili. Kể từ đó, các cuộc khai quật dưới nước đã phát hiện được nhiều ngôi nhà, giếng nước làm bằng đá, một loạt các bức tường dài rải rác, các bài trí nghi lễ, các khu vực lát đá, một cấu trúc cự thạch, hàng ngàn những thứ còn sót lại của hệ thực vật và động vật, cùng hàng chục hài cốt người, và nhiều hiện vật bằng đá, xương, gỗ và đá lửa.
Ở trung tâm của khu dân cư này, có bảy tảng đá (cao từ 1,0-2,1m) nặng lên đến 600kg được xếp hình bán nguyệt. Những tảng đá này có các dấu hiệu chạm khắc hình chén, và từng được sắp xếp xung quanh một con suối nước ngọt, điều này cho thấy chúng có thể đã được sử dụng cho một nghi lễ về nước. Một cấu trúc khác bao gồm ba hòn đá hình bầu dục (1,6-1,8 mét), hai trong số đó được bao bởi các đường rãnh tạo thành các hình thể người mang tính phác họa.
Một đặc điểm cấu trúc quan trọng khác của di tích này là một giếng nước làm bằng đá đã được khai quật đến độ sâu 5,5m. Tại đáy giếng, các nhà khảo cổ tìm thấy trầm tích chứa đầy xương động vật, đá, đá lửa, gỗ, và các đồ tạo tác từ xương. Điều này cho thấy về sau chiếc giếng không được sử dụng làm giếng nước mà được dùng làm hố rác. Nguyên nhân có lẽ liên quan đến việc xâm thực mặn do mực nước biển dâng cao. Các giếng tại Atlit Yam có thể đã được đào và xây dựng thuở ban sơ khi con người bắt đầu cư trú tại đây (cuối thiên niên kỷ thứ 9 TCN), và rất cần thiết cho việc duy trì cuộc sống lâu dài tại khu vực này.
Các hiện vật cổ được khai quật tại Atlit Yam đem đến manh mối về cách thức sinh sống của các cư dân thời tiền sử. Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy dấu vết của hơn 100 loài thực vật đã mọc ở di tích này hoặc được thu lượm từ rừng hoang dã, cộng với những xác động vật bao gồm xương của cả động vật hoang dã và động vật thuần hóa, như cừu, dê, lợn, chó, và gia súc, điều này cho thấy người dân nơi đây đã nuôi và săn bắt động vật để sinh sống. Ngoài ra còn tìm thấy hơn 6.000 bộ xương cá. Kết hợp với các manh mối khác, chẳng hạn như phát hiện hài cốt người bị bệnh về tai do tiếp xúc thường xuyên với nước lạnh, có thể kết luận dường như việc đánh bắt cá cũng đóng một vai trò lớn trong xã hội thời ấy. Từ những bằng chứng khảo cổ học tại Atlit Yam cho thấy nơi đây có hệ thống tự cung tự cấp bao gồm nông nghiệp – chăn nuôi – khai thác biển sớm nhất tại vùng duyên hải Levantine. Những cư dân ở Atlit Yam là những người đầu tiên chuyển đổi từ săn bắt hái lượm sang thành trồng trọt chăn nuôi ổn định hơn, và khu vực này là khu dân cư lâu đời nhất có bằng chứng về những gia súc được thuần hóa.
Hài cốt cho thấy trường hợp bị lao cổ xưa nhất từng được biết đến
Mười hài cốt ở tư thế gập người được bọc trong đất sét và bao phủ bởi các lớp cát dày đã được phát hiện trong các ngôi nhà và tại vùng lân cận của Atlit Yam, các nhà khảo cổ đã phát hiện tổng cộng 65 bộ hài cốt người. Một trong những khám phá quan trọng nhất về khu vực cổ đại này là sự có mặt của bệnh lao trong làng. Bộ xương của một phụ nữ và một trẻ em được tìm thấy vào năm 2008, đã cho thấy đây là trường hợp bị bệnh lao sớm nhất từng được biết đến trên thế giới. Từ kích thước xương của đứa trẻ sơ sinh và mức độ tổn thương do bệnh lao gây ra cho thấy người mẹ đã truyền bệnh này cho em bé ngay sau khi sinh.
Điều gì khiến Atlit Yam chìm xuống đáy biển?
Một trong những bí ẩn khảo cổ học lớn nhất về làng Atlit Yam là tại sao nơi này lại bị chìm xuống đáy biển, câu hỏi này là mồi lửa châm ngòi cho các cuộc tranh luận nảy lửa trong giới học thuật. Một nghiên cứu của Ý đứng đầu bởi Maria Pareschi, thuộc Viện Vật lý Địa cầu và Núi lửa Italia tại Pisa cho rằng núi lửa phun trào làm sụp đổ sườn đông của núi Etna vào 8.500 năm trước đây, có khả năng đã gây ra một cơn sóng thần cao 40 mét và nhấn chìm một số thành phố ven biển Địa Trung Hải chỉ trong vòng vài giờ. Một số nhà khoa học chỉ ra rằng việc vùng Atlit Yam bị bỏ hoang một cách rõ ràng cũng trong khoảng thời gian đó, và hàng ngàn xác cá là bằng chứng chứng minh sự tồn tại của cơn sóng thần.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu khác cho rằng không có bằng chứng vững chắc nào để chứng tỏ điều này. Thực tế là, vòng tròn đá cự thạch vẫn còn đứng nguyên như ban đầu. Một giả thuyết khác là biến đổi khí hậu đã khiến các dòng sông băng tan chảy, làm dâng mực nước biển, và khu vực này đã bị ngập lụt do mực nước biển của vùng Địa Trung Hải tăng lên, điều này dẫn đến việc ngôi làng dần bị bỏ hoang. Dù cho nguyên nhân nào đi nữa, vẫn có thể khẳng định rằng chính những điều kiện độc nhất ở đây: đất sét, bùn cát cùng với nước biển là môi trường bảo lưu rất tốt ngôi làng cổ này sau hàng ngàn năm.
Theo Đại Kỷ Nguyên