Khám phá 3 thư viện lớn nhất trong thế giới cổ đại
Bạn có biết, từ hàng ngàn năm trước người cổ đại đã vô cùng coi trọng tri thức và sở hữu những thư viện khổng lồ? Những nơi lưu trữ tri thức cổ xưa này không chỉ giúp bảo tồn các tài liệu quý mà còn là trung tâm văn hóa và học vấn của nhân loại thời cổ đại.
Thư viện Alexandria
Thành phố Alexandria, Ai Cập được xây dựng vào năm 331 TCN. Alexander Đại đế đã xây dựng nơi này sau khi ông chinh phục được Ai Cập. Sau khi ông qua đời, một trong những tướng lĩnh của ông là Ptolemy đã kiểm soát khu vực và bắt đầu một vương triều mới kéo dài hàng trăm năm.
Dưới triều đại của Ptolemy, cả khu vực Alexandria trở thành thánh địa của học vấn và một thư viện khổng lồ. Thư viện này nằm trong một quần thể kiến trúc rộng lớn, bao gồm bảo tàng, đài quan sát thiên văn, thảo cầm viên và các phòng họp.
Từ khi được mở cửa, nhà Ptolemaios đã duy trì và bảo tồn thư viện này trong nhiều thế kỷ. Họ đã dành rất nhiều tiền để mua sách, tài liện từ Hy Lạp, Ba Tư, Ấn Độ, Palestine, Châu Phi cùng các nền văn hoá cổ xưa khác, tuy nhiên văn học Hy Lạp vẫn chiếm đa số.
Đến đầu thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên, số sách của thư viện đã lên tới 700 ngàn bản, chứa vô số tác phẩm văn học, cũng như các tư liệu mô tả chi tiết về luật pháp, toán học và khoa học. Alexandria trở thành thư viện phổ cập đầu tiên trong lịch sử nhân loại, thu hút nhiều nhà tư tưởng và bác học nổi tiếng đến đọc sách và nghiên cứu.
Thư viện này được cho là bị sụp đổ vào khoảng năm 48 TCN do hỏa hoạn sau khi Julius Caesar vô tình đốt cháy bến cảng của Alexandria trong một trận đánh chống lại nhà cai trị Ai Cập Ptolemy XIII.
Với ý tưởng khôi phục lại thời hoàng kim của thư viện Alexandria, một thư viện mới mang tên Alexandrina đã được chính thức khai trương cách thư viện lừng danh ngày trước 200m.
Bên bờ Địa Trung Hải rì rào sóng vỗ, khu liên hợp thư viện và trung tâm văn hóa Alexandrina là sự hồi sinh và phát triển của thư viện Alexandria – nơi tất cả mọi người có thể thỏa mãn lòng ham hiểu biết của mình thông qua việc tìm hiểu và trân trọng giá trị của văn hóa đọc.
Thư viện Pergamum
Được xây dựng vào thế kỷ thứ 3 TCN, Thư viện Pergamum là thư viện có tầm quan trọng thứ 2 trong thế giới cổ đại sau thư viện Alexandria. Cả hai đều cạnh tranh về chất lượng, số lượng tài liệu và tầm quan trọng trong một thời gian dài.
Các vị vua ở Pergamum đều là những nhà sưu tập sách cùng các tác phẩm nghệ thuật và có mối quan tâm lớn đối với văn hoá. Họ muốn Pergamum trở thành một thành phố phát triển thịnh vượng, huy hoàng như Athens trong thời Pericles.
Attalus, một vị vua của Pergamum là người đã sáng lập thư viện Pergamum, con trai ông – Eumenes II là người mở rộng và phát triển nó. Thư viện đã trở thành một trung tâm văn hóa quan trọng thời cổ đại, nơi lưu trữ đến 200.000 văn tự cổ, theo các tài liệu của nhà tiểu sử học Plutarch. (các nguồn khác cho biết thư viện chứa đến 300.000 sách cổ).
Thư viện cũng bao gồm một trường nghiên cứu ngôn ngữ học, giống như ở Alexandria, nhưng theo một hướng khác. Trong khi ở Alexandria chuyên về các tác phẩm văn chương và phê bình văn học, thì thư viện Pergamum nghiêng về nghiên cứu triết học hơn.
Thư viện Hoàng gia Constantinople
Được xem là một trong những thư viện lớn của thế giới cổ đại, Thư viện Hoàng gia Constantinople được thành lập ở thủ đô của Đế quốc Byzantine.
Vào khoảng năm 493, nửa phía Đông của Đế chế La Mã tiếp tục tồn tại trong khi nửa phía Tây sụp đổ. Ngày nay, chúng ta gọi nửa Đông là đế chế Byzantine nhưng họ luôn coi bản thân mình là người La Mã. Do đó, người dân nơi đây đã lưu trữ và sao chép các tác phẩm vĩ đại của người La Mã và Hy Lạp ở các thành phố của mình. Tại thủ đô, họ đã xây dựng thư viện hoàng gia Constantinople.
Vua Constantius II, con của vị hoàng đế Cơ đốc giáo đầu tiên – Constantine là người đã cho xây dựng thư viện này. Một số nguồn cho biết thư viện lưu trữ đến hơn 100.000 cuốn sách.
Sau sự sụp đổ của các thư viện đồ sộ như Thư viện Alexandria, Thư viện Hoàng gia Constantinople đã bảo tồn kiến thức cổ xưa của người Hy Lạp và La Mã trong hàng nghìn năm lịch sử.
Cứ mỗi thế kỉ hoặc sau nhiều năm, thành phố lại bị “bà hỏa” tấn công và các cuốn sách, cuộn giấy trong thư viện thường được thay thế. Tuy nhiên đến năm 1453, thành phố này đã bị quân đội Ottoman xâm lược, khiến tất cả tài liệu tại đây biến mất vĩnh viễn.
Hồng Liên (dịch & t/h)