Khải thị sự kiện lịch sử Khang Hy lựa chọn Ung Chính làm người kế vị
Đối với các nhà sử học, nhà Mãn Thanh là triều đại phong kiến được nghiên cứu kĩ lưỡng và công phu nhất, với hàng ngàn tư liệu ghi chép từ cả trong nước và phương Tây. Tuy nhiên, nơi thâm cung huyền sử, vẫn còn chứa nhiều bí ẩn, và trong đó sự kiện Khang Hy truyền ngôi cho Ung Chính là dấu hỏi lớn nhất đối với các nhà nghiên cứu.
Trong lịch sử, giai đoạn 3 đời vua Khang Hy, Ung Chính (Dận Chân), Càn Long được gọi là thời Khang Càn thịnh trị. Trong khoảng thời gian này Trung Quốc phát triển mạnh mẽ cả về văn hóa, kinh tế và quân sự, trong bình định phản tặc loạn thần, ngoài đánh lui xâm lược, mở rộng bờ cõi. Trong giai đoạn này đã xuất hiện nhiều học giả Phương Tây đến kinh thành để học tập nghiên cứu…
Khởi đầu cho giai đoạn hưng thịnh là Hoàng Đế Khang Hy, ông được mệnh danh là vị vua anh minh nhất trong lịch sử 13 triều nhà Thanh. Khang Hy có 9 người con trai, trong đó Ung Chính là người con thứ 4 ( Tứ A Ca), nhưng ông không phải là người con được Khang Hy sủng ái nhất, cũng không phải là người tài giỏi nhất. Vậy tại sao ông lại được chọn? Lý do chính vì tính cách của ông và Phụ hoàng Khang Hy hoàn toàn trái ngược nhau.
Năm 1712, Khang Hy phế bỏ Thái tử Dận Chân, nhưng sau vụ chính biến đã quyết định không thiết lập ngôi Hoàng thái tử kế vị nữa. Điều này dẫn đến sự phân chia trong triều đình nhằm tranh giành vị trí Thái tử bị bỏ trống, sự chia rẽ giữa những người ủng hộ Hoàng tử thứ 3 Dận Chỉ, Dận Chân, Hoàng tử thứ 8 Dận Tự đối với Hoàng tử thứ 14 Dận Đề (em ruột của Dận Chân) – Người đang nắm binh quyền.
Hoàng đế Ung Chính là một hoàng tử có cá tính khá đặc biệt, tuy không thông minh hoặc có tài thao lược bằng các vị A Ca khác, nhưng bù lại ông rất cần mẫn, tiết kiệm, coi trọng kỷ luật, ưa dùng pháp chế để quản thúc người dưới hơn là dùng đức hạnh và khoan dung. Vì thế, trước khi Ung Chính lên ngôi, ông có biệt hiệu gọi là “Ban sai đại ca”, ý nói vị hoàng tử này không xứng làm Hoàng đế, chỉ thích hợp làm bậc bề tôi.
Trong chính sử, Ung Chính không được đánh giá cao, chủ yếu là vì cách trị quốc của ông rất hà khắc, tuy nhiên năm đó Khang Hy chọn ông cũng chính là vì lý do này.
Dựa vào kinh nghiệm trị Quốc của các Quân Vương trong lịch sử, cách cai trị của 2 đời vua không nên giống nhau. Vì thế nên mới nói “Văn vương võ vương, khi nắm khi buông”, lúc đó Chu Văn Vương đối với sách lược trị quốc, ông rất khoan dung nhân từ, còn đến thời Chu Vũ Vương thì lại rất nghiêm khắc, nhờ vậy mới luôn bảo trì được trạng thái cân bằng của của quốc gia.
Khang Hy vốn là người thông hiểu kinh sách, thông minh tài trí, nên hiển nhiên ông hiểu rõ đạo lý này. Trong giới sử học có lưu truyền câu chuyện, kể rằng Tứ A ca Dận Chân dẫn theo con trai Hoằng Lịch (tức Càn Long) đến gặp Khang Hy tại Sướng Xuân Viên, Khang Hy rất thích Hoằng Lịch – một cậu bé thông mình đôn hậu. Vì thế khi chọn người kế vị, ông liền nghĩ đến điểm này, chỉ có Dận Chân (Ung Chính) mới có đủ nghiêm khắc, nếu làm Hoàng đế thì nhất định sẽ ổn định được đất nước, sau khi Dận Chân lên ngôi, người kế vị Ung Chính sẽ là Càn Long, mà Càn Long lại là vì Hoàng đế khoan dung.
Quả đúng như những gì Khang Hy tiên liệu, Ung Chính lên ngôi trong hoàn cảnh nội bộ chia rẽ nghiêm trọng, nhưng ông bằng khả năng của mình, đã dẹp yên các thế lực chống đối. Là một vị Hoàng đế siêng năng, cần kiệm và có tinh thần chống tham nhũng, mục tiêu của Ung Chính là tạo ra một triều đình hiệu quả với chi tiêu thấp nhất, vì thế cuối đời ông, quốc khố còn dư khá nhiều. Bên cạnh đó, Ung Chính áp dụng các biện pháp quân sự mạnh mẽ để giữ gìn vị thế của vương triều Đại Thanh. Triều đại của ông được sử gia đánh giá là chuyên chế, hiệu quả và mạnh mẽ.
Tinh Hoa, Daikynguyenvn