Khai quật móng vuốt của loài chim 3.300 tuổi được bảo tồn nguyên vẹn đến mức hoàn hảo
Một nhóm các nhà khảo cổ đã khai quật được một móng vuốt khổng lồ gần như nguyên vẹn, giống với móng vuốt của loài khủng long. Họ đã phát hiện ra mẫu vật này trong lúc khám phá một hệ thống hang động lớn trên núi Owen tại New Zealand.
Sau khi thu nhận và đem phân tích, kết quả cho thấy đây là mẫu vật đến từ một loài chim đặc hữu tại New Zealand cách đây 3.300 năm. Loài chim này là chim Megalapteryx didinus (Moa vùng cao), là một loài chim tiền sử lớn bị tuyệt chủng cách đây vào 700-800 năm.
Loài Moa có 3 họ, 6 chi và 9 loài, chúng sống cách đây khoảng 5 – 8,5 triệu năm, chủ yếu ở phía Đảo Nam, và hầu hết đều được tìm thấy tại các khu vực đá ngầm như núi Owen và núi Arthur phía tây bắc thành phố Nelson.
Các xét nghiệm về DNA cho thấy chúng có nét tương đồng với giống chim Nam Mỹ Tinamidae hơn là chim Kiwi.
Đây là giống chim bé nhất loài, nhưng lại nhanh nhẹn nhất. Chúng ăn lá cây và các cành cây nhỏ.
Chim Mao vùng cao sở hữu một cái đầu nhỏ, một chiếc mỏ chắc, nhọn, uốn cong và hơi hướng xuống; lỗ mũi và lỗ tai lớn. Nó có 3 ngón chân dài, săn chắc chĩa về phía trước và 1 ngón chân nhỏ chĩa về phía sau.
Bên cạnh đó, Moa vùng cao cũng có 2 loại lông. Một kiểu lông bằng phẳng, với những đường vệt mượt mà và một kiểu lông với những đốm loang.
Năm 1839, một người Maori (người Polynesia bản xứ của New Zealand) đã tìm thấy một bộ xương hóa thạch của loài Moa trên một con sông và đem nó cho John W. Harris, một thương nhân buôn lanh và đam mê lịch sử về tự nhiên.
Sau đó mẫu xương cuối cùng lại nằm trong tay của Richard Owen, một nhà sinh vật học làm việc tại Bảo tàng Hunterian của Đại học Phẫu thuật Hoàng gia London.
Ông Owen khi đó đã nhanh chóng kết luận rằng, mẫu xương này là của một loài chim khổng lồ không xác định.
Nhiều người từ giới khoa học đã đưa ra lời chế giễu giả thuyết của Owen, tuy nhiên sau đó chúng đã được chứng minh là hoàn toàn chính xác. Hàng nghìn mẫu xương của loài chim Moa đã được khai quật.
Tuy nhiên đáng buồn thay là loài người thời xưa đã săn bắt quá đà chim Moa vùng cao, khiến loài vật này đã bị tuyệt chủng và biến mất hoàn toàn vào khoảng 700 năm trước.
Nhờ vào mẫu DNA thu được từ mẫu vật được bảo tồn nguyên vẹn, các nhà di truyền học như Ankoh Yasuyuki Shirito dự định sẽ nhân bản loài chim này.
Theo báo cáo từ các nhà di truyền học, họ đã thực hiện khâu sơ bộ và sẽ “đưa mẫu DNA của loài chim Moa vào phôi thai của gà”.
Tuy nhiên, cư dân mạng đã bày tỏ nhiều luồng quan điểm về việc nhân bản loài chim.
“Làm gì thì làm nhưng đừng có nhân bản nó. Đừng làm nó vào năm 2020. Mọi người đã phải chịu đủ rồi”, một người dùng Twitter cho biết
Chúc Di (Theo Elite Readers)