Kêu lỗ, EVN đòi tăng giá điện
Kêu lỗ hàng trăm tỷ đồng do điều chỉnh tỷ giá USD, đề nghị tính lỗ vào giá thành điện và tăng giá điện là đề xuất từ 3 tập đoàn lớn là Điện lực, Công nghiệp than – khoáng sản và Dầu khí đang gây chú ý của dư luận.
Thời điểm tăng giá điện lúc này là chưa hợp lý
Nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá rằng, thời điểm tăng giá điện lúc này là chưa hợp lý, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp còn khó khăn.
Ông Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho biết, các doanh nghiệp tính toán bài toán lỗ này là phiến diện vì đã bỏ qua chênh lệch lãi suất giữa hai đồng tiền đó là: Tiền vay ngoại tệ với lãi suất rất thấp và tiền vay đồng Việt Nam với lãi suất cao.
Bởi thông thường, doanh nghiệp khi vay ngoại tệ sẽ có điểm lợi là được hưởng lãi suất thấp. Cụ thể, từ năm 2011 – nay, lãi suất của VND bình quân là khoảng 10%/năm. Năm năm, lãi suất của đồng Việt Nam vay là 50%/năm. Trong khi đó, bình quân lãi suất của đồng USD là 5%/năm, nghĩa là lãi suất của đồng USD vay là 25%/năm. Như vậy, người vay ngoại tệ từ đầu năm 2011 – nay có lợi thế tiết giảm là 25% về lãi suất.
Trong khi đó, đầu năm 2011, 1 USD Mỹ tương đương 19.500 đồng, đến bây giờ là 22.500 đồng, tức là mức tăng là 3.000 đồng – tương đương 15%. Trong 5 năm đó, việc tiết giảm được 25% về chênh lệch lãi suất, doanh nghiệp chỉ chịu thiệt 15% về tỉ giá. Chênh lệch giữa lãi suất và tỉ giá là 10%. Như vậy, các doanh nghiệp vay ngoại tệ được hưởng lợi chứ không phải thiệt hại hay thua lỗ.
“Khi doanh nghiệp tính toán bài toán lỗ lãi, họ chỉ tính có một phần, ví dụ trước đây doanh nghiệp vay 1 triệu USD tương đương với 20 tỉ đồng (1 USD xấp xỉ 20.000 VND). Nếu điều chỉnh tỉ giá lên 22.000 đồng, họ sẽ so sánh giữa 2 mức này và nghĩ rằng mình bị lỗ 2.000 đồng. Họ quên rằng trong những năm vừa rồi, khi họ vay ngoại tệ thì chênh lệch về lãi suất rất lớn so với cái lãi suất họ vay bằng tiền đồng. Nói vậy để các doanh nghiệp tính toán một cách chính xác về khái niệm lãi hay lỗ ở đây”, ông Phước khẳng định.
Mặt khác, ông Phước cũng cho rằng, bao lâu nay, các doanh nghiệp đã hưởng lợi rất nhiều từ chênh lệch này bởi đã tiết giảm chi phí và đưa vào lợi nhuận của doanh nghiệp. Việc than lỗ đang dấy lên lo ngại: Các doanh nghiệp lợi dụng việc tăng tỉ giá để đổ lỗi cho việc không có kế hoạch dài hạn trong kinh doanh và viện cớ đó để tăng giá điện.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia kinh tế còn cho rằng, 3 Tập đoàn Điện lực, Công nghiệp than – khoáng sản và Dầu khí đều là tập đoàn sản xuất, kinh doanh và họ cần xác định rõ khoản lỗ của các tập đoàn có phải từ biến động tỷ giá hay từ hoạt động khác.
Với nhiều doanh nghiệp sản xuất, chi phí điện đang chiếm từ 10% – 20% giá thành. Các giải pháp tiết kiệm như tắt điện ngay khi rời bàn làm việc đã được nhiều đơn vị thực hiện triệt để. Vì thế, nếu tăng giá điện sẽ chồng thêm một khó khăn làm giảm khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nội với hàng nhập ngoại.
Không được đưa chi phí xây dựng bể bơi, sân tennis vào giá thành điện.
Trước đề nghị của 3 Tập đoàn, trong báo cáo của Bộ Công Thương gửi Thanh tra Chính phủ về tình hình thực hiện Kết luận thanh tra trong việc chấp hành quy định của pháp luật trong quản lý sử dụng vốn, tài sản của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Bộ Công Thương đã yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không được đưa chi phí xây dựng bể bơi, sân tennis vào giá thành điện.
Bộ Công Thương yêu cầu, với các chi phí xây dựng các công trình phục vụ cho mục đích phúc lợi như nhà trẻ, bể bơi, sân tennis tại 6 dự án điện được thanh tra EVN và các đơn vị thành viên phải sử dụng tiền lấy từ quỹ phúc lợi hoặc các nguồn tài trợ hợp pháp từ các tổ chức, cá nhân để đầu tư xây dựng. Nếu đã sử dụng nguồn vốn khác để đầu tư thì phải hạch toán điều chỉnh nguồn. EVN và các đơn vị thành viên không được tính khấu hao tài sản các công trình phúc lợi nói trên vào chi phí sản xuất kinh doanh của đơn vị.
Đối với phương án xử lý nợ điện giữa EVN và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Bộ Công Thương đã có văn bản hướng dẫn thực hiện việc xử lý công nợ tiền điện giữa EVN và PVN. Tổng số nợ tiền điện của EVN với PVN đến ngày 31/12/2011 là 9.650 tỷ đồng. EVN thực hiện thanh toán cho PVN số tiền 2.650 tỷ đồng trước 31/12/2013; số nợ tiền điện còn lại 7.000 tỷ đồng của EVN được chuyển thành khoản nợ vay dài hạn đối với PVN.
Đối với lãi tiền vay phát sinh của số tiền nợ 7.000 tỷ đồng kể từ khi EVN ký nhận nợ vay dài hạn, EVN được phép hạch toán vào giá thành hàng năm theo kỳ hạn trả nợ theo hợp đồng. Không tính lãi đối với khoản nợ 9.650 tỷ đồng của EVN và PVN kể từ khi phát sinh đến thời điểm hai bên ký hợp đồng vay nợ.
Bên cạnh đó, tháng 12/2013, EVN cũng đã ký hợp đồng vay với Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam. Theo đó, tổng số tiền vay là 7.000 tỷ đồng, EVN đã trả 4.000 tỷ đồng nợ gốc còn lại 3.000 tỷ đồng nợ gốc dự kiến đến cuối năm 2015 EVN sẽ trả hết cho Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam.
Theo báo cáo tài chính của EVN đã được kiểm toán độc lập và Tổ công tác liên bộ – ngành kiểm tra, xác nhận, riêng tổng chi phí khấu hao và chi phí lãi vay năm 2011 của nhà máy thủy điện Sông Tranh chiếm 94,7% tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện; nhà máy thủy điện Đồng Nai năm 2011 chiếm 93,3%.
Theo Tindachieu / VOV