Ít nhất 29 người thiệt mạng do mưa lũ dồn dập
Theo báo cáo của Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, đến chiều 11/10, ít nhất 29 người thiệt mạng và nhiều người mất tích, bị thương do lũ lớn đổ xuống các tỉnh miền núi phía Bắc, trong khi một dải miền Trung ngập úng vì ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới.
Hai ngày nay, miền Bắc và miền Trung mưa lớn do tác động của áp thấp nhiệt đới kết hợp không khí lạnh. Lượng mưa có nơi tới 400 mm, gây ra lũ ở những vùng cao và ngập úng diện rộng ở đồng bằng.
Thống kê của Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn lúc 17h chiếu 11/10, số người thiệt mạng đã lên đến 29, trong đó Thanh Hoá 8 người, Nghệ An và Hoà Bình mỗi tỉnh 6, Sơn La 5. Số người mất tích là 21, chủ yếu tập trung ở Yên Bái (9 người), Hoà Bình (5 người)…
Nhiều địa phương bị cô lập, mất thông tin
Ông Nguyễn Đức Dũng, Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc (Hòa Bình) thông tin, do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài, chiều 11/10, nhiều xã của huyện bị cô lập, mất thông tin liên lạc. Trong đó, các xã bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là Đồng Ruộng, Đồng Nghê và Suối Nánh…
Ngay trong sáng 11/10, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình đã ban bố tình trạng khẩn cấp thiên tai, huy động tất cả lực lượng vào phòng chống lũ lụt.
Tại Yên Bái, ngoài thiệt hại về người, mưa lũ trong hơn 1 ngày qua làm hơn 230 nhà dân, nhiều tài sản và hoa màu bị hư hỏng. Trưa 11/10, một mố cầu và hai nhịp cầu Ngòi Thia nằm trên quốc lộ 32, thuộc thị xã Nghĩa Lộ, bị dòng lũ đỏ ngầu cuốn sập, nhiều người bị lũ cuốn trôi, trong đó có một phóng viên.
Mực nước sông Hồng dâng cao cũng làm ngập nhiều tuyến đường ở TP. Yên Bái và 3 phường Yên Ninh, Nguyễn Thái Học, Hồng Hà; tuyến giao thông từ thị xã Nghĩa Lộ lên huyện Trạm Tấu bị cô lập do có trên 40 điểm bị sạt lở chưa thể khắc phục.
Tại huyện Vân Hồ (tỉnh Sơn La), 5 xã đang bị cô lập là Song Khủa, Liên Hòa, Suối Bàng, Chiềng Yên, Mường Men. Tại huyện Phù Yên, hệ thống giao thông đến 6 xã vùng Mường của huyện cũng bị cô lập hoàn toàn. Hơn 64 nhà dân bị hư hỏng. Nhiều diện tích lúa bị ngập.
Tỉnh Sơn La đã khuyến cáo người dân đang sống trong vùng nguy hiểm di chuyển đến chỗ ở an toàn, chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ người, tài sản và nhà cửa của nhân dân…
“10 năm qua chưa bao giờ lũ dồn dập thế này”
Hiện 2.984 hồ từ Hà Tĩnh trở ra phía Bắc đã đầy nước, 20% số hồ có nguy cơ tràn. Cảnh báo thiên tai đây là đợt lớn nhất trong nhiều năm về dạng hình mưa lũ lớn. Mưa cấp tập trong 2 ngày nên các con sông đều ở báo động 2 – 3.
“10 năm nay chưa bao giờ hứng chịu mưa lớn dồn dập như vậy, như hồ Hòa Bình chỉ 2 ngày nước về tới 15.000 m3. Rất may lượng mưa ngày 12/10 dự báo tạm dừng, nếu không dung tích cắt lũ không còn”, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhận định.
Hiện 31 hồ chứa thủy điện đã đồng loạt xả lũ, trong đó hồ thủy điện Hòa Bình mở 8 cửa xả đáy, nhiều nhất trong hơn 10 năm qua. Đến chiều 11/10, nhờ lưu lượng nước về hồ và mực nước giảm, một cửa xả hồ thủy điện Hòa Bình được đóng, chỉ còn xả ở 7 cửa. Trong quá khứ Hòa Bình từng 3 lần mở cửa xả đáy vào các năm 1996, 1998 và 1999; một lần mở 8 cửa xả vào tháng 8/1996.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với gió đông trên cao tiếp tục hoạt động mạnh, từ ngày 10/11, Bắc Bộ, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mưa. Riêng đồng bằng Bắc Bộ, các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100-150mm, có nơi trên 200 mm.
Trước đó, Bắc Trung Bộ và Nam đồng bằng Bắc Bộ trải qua đợt mưa do áp thấp nhiệt đới. Rạng sáng 10/10, áp thấp đổ bộ Hà Tĩnh – Quảng Bình làm 12 người chết, 3 người mất tích, chủ yếu ở Nghệ An, Thanh Hóa.
TinhHoa tổng hợp