Hy Lạp tiềm ẩn nguy cơ một cuộc khủng hoảng mới
Dù đạt được thoat thuận với các chủ nợ quốc tế hôm 2/7, Hy Lạp vẫn tiềm ẩn nguy cơ một cuộc khủng hoảng mới, nước này không chỉ cần một gói cứu trợ thứ 3 mà còn cần được tái cơ cấu nợ.
Thỏa thuận đạt được hôm 12/7 vừa qua giữa Hy Lạp và các chủ nợ quốc tế vẫn chưa thể khiến người ta yên tâm về cuộc khủng hoảng nợ công tại quốc gia Nam Âu này.
Nguy cơ một cuộc khủng hoảng mới vẫn tiềm ẩn, bởi điều Hy Lạp cần lúc này không chỉ là một gói cứu trợ thứ 3, mà còn cần được tái cơ cấu nợ, nếu không cả Hy lạp lẫn khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ một lần nữa chao đảo.
Sau nỗ lực, giờ là lúc cả Hy Lạp và khu vực đồng euro đều cần một liều thuốc trợ lực. Đối với Hy Lạp, chính phủ nước này cần phải tập hợp được đủ thế đa số để thúc đẩy Quốc hội thông qua những cải cách ngân sách được thắt chặt theo yêu cầu của các chủ nợ. Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras hôm 29/7cảnh báo, nếu không thể đạt được thế đa số tại Quốc hội, Hy Lạp sẽ buộc phải bước vào các cuộc bầu cử sớm.
Ông Tsipras hiện nhận được sự ủng hộ cao ở trong nước, song thế đa số của nhà lãnh đạo này lại đang bị đe dọa bởi những thành phần có đường lối cứng rắn trong đảng Syriza vốn phản đối Hy Lạp đàm phán về gói cứu trợ mới của quốc tế. Trong cả hai lần bỏ phiếu thông qua các kế hoạch cải cách ở Quốc hội Hy Lạp, lực lượng cánh tả trong đảng Syriza đều bỏ phiếu chống lại những biện pháp “thắt lưng buộc bụng” do ông Tsipras đề xuất.
Chính vì thế, nhiều khả năng ông Tsiprassẽ tìm cách giải tán Quốc hội. Trong lúc chờ đợi kịch bản này xảy ra, ông một lần nữa nhắc lại rằng, giờ là lúc chuyển sang phần tích cực của thỏa thuận đạt được sau một cuộc dài đấu trí căng thẳng và kéo dài với các chủ nợ.
Theo ông, điều rất quan trọng là Hy Lạp đã nhận được một cam kết của các chủ nợ về vấn đề giảm nợ, có thể sẽ được thưc hiện vào tháng 11 tới sau khi đợt sát hạch đầu tiên về những biện pháp cải cách. Các nhà phân tích cũng chia sẻ quan điểm này khi cho rằng, thỏa thuận đạt được hôm 12/7 sẽ giúp Hy Lạp sớm thoát khỏi tình trạng không chắc chắn.
Ông Nikos Vettas, một chuyên gia phân tích kinh tế Hy Lạp nói: “Hệ thống ngân hàng của chúng ta đã bị gạt ra khỏi các thị trường quốc tế và điều này đã đặt ra vấn đề mà bây giờ chúng ta vẫn có thể cảm nhận được và còn tiếp tục trong những tháng tới. Thỏa thuận đạt được chắc chắn sẽ gây ra những tác động không mong muốn, bởi các biện pháp tăng thuế và và những biện pháp khác sẽ khiến đất nước rơi vào suy thoái tự nhiên. Tuy nhiên, sự kết thúc của tình trạng không chắc chắn này vốn đè nặng lên nền kinh tế Hy Lạp từ mùa thu năm ngoái và thậm chí còn mạnh hơn kể từ tháng 1 sẽ là yếu tố tích cực“.
Hy Lạp đang chờ đợi gói cứu trợ thứ 3 khoảng 82-86 tỷ euro. Song không chỉ thế, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) mới đây đã tính toán lại và kết luận, một sự tái cơ cấu nợ công Hy Lạp là cần thiết, tức là các chủ nợ hoặc là phải xóa nợ hoặc là phải lùi thời gian trả nợ cho Hy Lạp. Nếu không, nợ công của Hy Lạp hiện đã là khoảng 320 tỷ euro (180% GDP) có nguy cơ không bao giờ có thể trở lại mức đáng tin cậy như trước đây, và điều này có thể khiến IMF rút khỏi kế hoạch cứu trợ cho Hy Lạp.
Các cuộc thảo luận về triển khai gói cứu trợ mới đã được bắt đầu ở cấp chuyên viên ngay từ đầu tuần này. Cả chính quyền Hy Lạp và Liên minh châu Âu đều khẳng định, hiện không có vấn đề nào về tổ chức nảy sinh và các cuộc đàm phán diễn ra trong bầu không khí hợp tác. Công việc của các nhóm chuyên viên sẽ kết thúc từ nay đến cuối tuần này
Tuy nhiên, nguy cơ với Hy Lạp chưa phải là đã hết. Đối với hệ thống ngân hàng tại nước này, các biện pháp kiểm soát vốn mà chính phủ triển khai từ cuối tháng 6 nhằm tránh một sự sụp đổ của hệ thống ngân hàng mới chỉ được nới lỏng rất hạn chế, trong khi thị trường chứng khoán vẫn đóng cửa suốt từ 1 tháng nay.
Tuy nhiên, sau khi nâng mức trần hỗ trợ khẩn cấp các ngân hàng Hy Lạp lên 900 triệu euro hôm 22/7 tạo điều kiện cho các ngân hàng Hy Lạp có thể mở cửa trở lại, thì Ngân hàng Trung ương châu Âu hôm 29/7 lại quyết định quay lại mức hỗ trợ ban đầu. Vì thế, lúc này khó có thể biết khi nào hệ thống ngân hàng của Hy Lạp có thể hoạt động bình thường trở lại.
Hơn nữa, chỉ số tín nhiệm của Hy Lạp cũng rất thấp, điều mà các chủ nợ sẽ khó có thể chấp nhận và nhiều khả năng thỏa thuận cứu trợ mới sẽ chưa thể hoàn tất trước tháng 9 tới theo kế hoạch, bởi những vấn đề của Hy Lạp không chỉ là về kinh tế, mà cả chính trị.
Theo VOV