Huyền thoại Lý Quang Diệu – Bài 1: Gian nan ‘luyện rồng’ Singapore

24/03/15, 02:40 Tin Tổng Hợp

(PL)- Từng bước một, Lý Quang Diệu biến tiền đồn của Anh thành “con rồng châu Á”.

LTS: Ngày 20-3, sau hơn 45 ngày điều trị tại BV Đa khoa Singapore, Thủ tướng đầu tiên của đảo quốc sư tử Lý Quang Diệu đã từ trần ở tuổi 91. Pháp Luật TP.HCM xin dựng lại hình ảnh ông Lý Quang Diệu – vị kiến trúc sư trưởng của Singapore phồn thịnh, cũng là nhà chiến lược quan trọng có tầm ảnh hưởng lớn tại châu Á và nhiều nơi khác trên thế giới.

Lý Quang Diệu sinh năm 1923 trong một dòng tộc gốc Hoa tại Singapore – vốn vẫn còn là tiền đồn chịu sự quản lý mọi mặt của thực dân Anh. Lý Quang Diệu không chỉ chứng minh Singapore xứng đáng là một đảo quốc độc lập, mà còn khiến thế giới phải tin rằng ông xứng đáng là vị thủ tướng tại vị lâu nhất trong lịch sử nước này. Chiến lược lớn của ông là biến Singapore trở thành một thương hiệu – trung tâm tài chính khu vực, quốc gia có mô hình phát triển tiêu biểu, với mức thu nhập người dân nằm trong tốp đầu thế giới – thu hút khách du lịch, nhân tài cùng các doanh nghiệp hàng đầu thế giới như Microsoft, Google, Exxon Mobil, Kellogg… đến đầu tư.

Anh hùng thời loạn

Thuở thiếu niên, Lý Quang Diệu theo học tại một trường học tiếng Anh ở Singapore và trở thành học sinh giàu thành tích nhất tại Singapore và Malaysia. Năm Lý Quang Diệu 19 tuổi, Thế chiến thứ hai xảy ra ác liệt, quân Nhật “hất cẳng” thực dân Anh ra khỏi Singapore. Lý Quang Diệu bị vây bắt và suýt chết trong vụ thảm sát Túc Thanh (Sook Ching) – một cuộc càn quét của quân Nhật nhằm thủ tiêu toàn bộ lực lượng thù địch người Singapore gốc Hoa. Dù là người gốc Hoa nhưng Lý Quang Diệu nói tiếng Anh, sau này là tiếng Nhật lưu loát và sớm tìm đường “sang trời Tây” mưu cầu chí lớn. Lý Quang Diệu nhận thức cuộc thảm sát Túc Thanh khiến 50.000-100.000 người thiệt mạng là minh chứng cho thấy sự bất lực của chính quyền Anh tại tiền đồn Singapore. Nghĩa là đã đến lúc Singapore phải nghĩ đến chuyện độc lập.


Lý Quang Diệu là người có tầm nhìn xa, đã xây dựng Singapore trở thành một trong những quốc gia thịnh vượng nhất thế giới hiện nay. Ảnh: BBC

Nghĩ là làm, Lý Quang Diệu sang Anh tìm con đường độc lập cho Singapore. Thế chiến thứ hai kết thúc, Lý Quang Diệu trước theo học trường kinh tế London danh tiếng, sau theo học ngành luật tại Cambridge với quyết tâm trở về quê nhà Singapore lập nghiệp vào năm 1949, bất chấp cơ hội làm việc tại Anh. Giai đoạn những năm 1950 và 1960 ông chứng kiến nhiều cá nhân kiệt xuất, đại diện cho dân tộc tìm lại độc lập từ các cường quốc phương Tây, điển hình như Gamal Abdel Nasser của Ai Cập hay Jawaharlal Nehru của Ấn Độ. Cũng nằm trong xu thế đó, Lý Quang Diệu thành lập Đảng Nhân dân hành động (PAP) vào tháng 11-1954, trở thành tổng thư ký PAP, tiền đề cho bản yêu sách yêu cầu Anh trao trả quyền độc lập cho Singapore 1956 – do chính ông thân chinh đến London đàm phán.

Đảo quốc bị bỏ rơi

Trước khả năng đàm phán và thuyết phục của Lý Quang Diệu, tháng 12-1959 Anh chính thức trao quyền tự trị cho Singapore, dù vẫn kiểm soát các vấn đề ngoại giao và quốc phòng của đảo quốc này. Việc tách khỏi Anh mang về một trang sử mới cho vùng đất Singapore khi Lý Quang Diệu chính thức nắm quyền thủ tướng kéo dài suốt ba thập niên. Ông bắt tay vào hàng loạt cuộc cải cách trên nhiều lĩnh vực then chốt hướng tới các mục tiêu năm năm đầy tham vọng.

Đảng PAP và bản thân Lý Quang Diệu sớm nhận thấy khi tách khỏi Anh, Singapore trở nên nhỏ bé, thiếu nguồn lực lẫn điều kiện để phát triển. Ngày 16-9-1963, Lý Quang Diệu tuyên bố sáp nhập thành công Singapore vào Liên bang Malaya, chấm dứt 144 năm chịu sự cai trị của thực dân Anh.

Tuy nhiên, niềm vui chưa kịp nở trên môi ông Lý thì căng thẳng sắc tộc giữa người Hoa (chiếm đa số tại Singapore) và người Malay ngày càng tăng. Việc sáp nhập phá sản bởi câu hỏi “dân tộc nào sẽ là dân tộc đại diện Liên bang Malaya” không được bên nào giải đáp ổn thỏa, bất chấp Lý Quang Diệu nhiều lần xuống đường cầm loa vận động tinh thần hòa hiếu của hai bên. Vỏn vẹn gần hai năm sau ngày sáp nhập, chứng kiến cảnh không ít người nằm xuống vì cuộc “nội chiến” phi nghĩa, Lý Quang Diệu bật khóc tuyên bố Singapore chấp nhận ra khỏi liên bang để chấm dứt tình trạng bất ổn và đổ máu. Singapore trở thành “đảo quốc bị bỏ rơi”.

“Tôi không nói mọi thứ tôi đã làm là đúng nhưng chúng đều hướng tới mục đích tốt đẹp” – ông Lý Quang Diệu nhấn mạnh. Ảnh: BBC

“Bàn tay thép” bắn ba mũi tên cải cách

Đảo quốc bị bỏ rơi chỉ có duy nhất một thứ “tài nguyên” đó chính là con người. Quan điểm này đã trở thành kim chỉ nam cho Lý Quang Diệu điều hành đất nước trong suốt ba thập niên, ngay cả khi ông về hưu và trở thành cố vấn cao cấp cho Thủ tướng Lý Hiển Long – người con trai cả của ông.

Mọi chính sách của Lý Quang Diệu đều lấy người dân làm trung tâm, trong đó có ba mũi tên lớn. Thứ nhất, ban hành chính sách xây dựng nhà ở chất lượng giá rẻ để người dân an cư lập nghiệp. Song song đó là cải tạo và phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe công cộng để người dân đảm bảo thể chất. Rất nhiều người dân khi đến cầu an cho ông Lý tại BV Đa khoa Singapore đã kể với báo chí quốc tế về những lần Thủ tướng Lý Quang Diệu trực tiếp đến thăm hỏi, giúp đỡ xây nhà, tạo điều kiện việc làm, giúp người nghèo chữa bệnh.

Bên cạnh đó, ông Lý Quang Diệu quyết tâm triệt tiêu nạn tham nhũng để tăng lòng tin của người dân đối với sự trị vì của ông. Giáo sư khoa học chính trị Diane Mauzy thuộc ĐH British Columbia (Canada) nhận xét quan điểm cứng rắn đối với tham nhũng, vốn là tệ nạn có mặt trên mọi quốc gia láng giềng với Singapore, chính là một trong những di sản lớn nhất ông Lý Quang Diệu để lại cho đời. Bà Mauzy nhận định: “Ông ấy chính là nhân tố hiếm có trong một thế giới mà quan tham vốn bòn rút, phung phí các gói tài chính và nguồn lực công”.

Cuối cùng, ông Lý Quang Diệu đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa đất nước song song cải cách, phát triển giáo dục. Triết lý của ông Lý Quang Diệu chính là: “Trao cơ hội bình đẳng cho mọi người bất chấp địa vị, chủng tộc, tôn giáo hay giới tính, chúng ta có thể khai thác được những điều tốt đẹp nhất từ người dân”. Ông ban hành các chính sách sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ thiết yếu; khuyến khích các cá nhân học cao hiểu rộng kết hôn và sinh con; kết hôn với người nước ngoài và trở về Singapore sinh sống; mở rộng thị trường cho nhà đầu tư và người lao động nước ngoài đến Singapore làm ăn lâu dài.

Nhiều người cho rằng ông Lý Quang Diệu duy trì một chế độ gia đình trị đầy tính “độc tài”. Tuy nhiên, ông phản biện trên Straits Times vào năm 1987 rằng: “Nếu tôi không làm điều đó, chúng ta sẽ không có hôm nay. Chúng ta chỉ cần biết quyết định nào là đúng. Đừng bận tâm những gì thiên hạ nghĩ”. Còn trên tờ New York Times vào năm 2010, ông Lý Quang Diệu nhấn mạnh: “Tôi không nói mọi thứ tôi đã làm là đúng nhưng chúng đều hướng tới mục đích tốt đẹp, dù đôi khi việc tôi làm sẽ dẫn đến sự khó chịu cho một số người”.

Chiến lược gia vĩ đại của châu Á

Đông đảo các quốc gia trên thế giới bao gồm Mỹ, Anh, Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Ấn Độ, Việt Nam… đã gửi lời chia buồn đến chính phủ và người dân Singapore. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tới Đại sứ quán Singapore tại Hà Nội ký vào sổ tang chia buồn. Cũng trong ngày 23-3, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí Thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải cũng đến viếng và viết sổ tang tưởng niệm ông Lý Quang Diệu tại Tổng Lãnh sự quán Singapore ở TP.HCM.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Obama chia sẻ: “Ông là một người có tầm nhìn xa, lãnh đạo đất nước Singapore kể từ khi độc lập vào năm 1965 để xây dựng một trong những quốc gia thịnh vượng nhất thế giới hiện nay. Ông là một người khổng lồ thực sự của lịch sử, một người sẽ được thế hệ mai sau ghi nhớ như là cha đẻ của Singapore hiện đại và là một trong những chiến lược gia vĩ đại của châu Á”.

Kỳ tới: Vị thế nào cho “người khổng lồ”?

ĐẠI THẮNG

Theo Pháp luật TPHCM

Ad will display in 09 seconds

Hạt giống

Ad will display in 09 seconds

14 bí mật về Ivanka Trump - con gái của Tổng thống Trump

Ad will display in 09 seconds

Bài học về chiếc giỏ than đựng nước

Ad will display in 09 seconds

Tên lửa sát hạm của Trung Quốc có sức mạnh đáng sợ như thế nào?

Ad will display in 09 seconds

Vén màn vở kịch được diễn suốt 20 năm tại Trung Quốc

Ad will display in 09 seconds

Chỉ cần không lo, không sợ thì đã là người quân tử rồi sao

Ad will display in 09 seconds

Phát hiện chấn động Thế giới trong lòng đất

Ad will display in 09 seconds

Irena Sendler và sự sống trong những chiếc lọ

Ad will display in 09 seconds

Ý nghĩa của "Ba nén hương" và "Vái ba vái" khi lễ Phật

Ad will display in 09 seconds

Cả đời bái Phật nhưng vì sao vẫn không toại nguyện

  • Hạt giống

    Hạt giống

  • 14 bí mật về Ivanka Trump - con gái của Tổng thống Trump

    14 bí mật về Ivanka Trump - con gái của Tổng thống Trump

  • Bài học về chiếc giỏ than đựng nước

    Bài học về chiếc giỏ than đựng nước

  • Tên lửa sát hạm của Trung Quốc có sức mạnh đáng sợ như thế nào?

    Tên lửa sát hạm của Trung Quốc có sức mạnh đáng sợ như thế nào?

  • Vén màn vở kịch được diễn suốt 20 năm tại Trung Quốc

    Vén màn vở kịch được diễn suốt 20 năm tại Trung Quốc

  • Chỉ cần không lo, không sợ thì đã là người quân tử rồi sao

    Chỉ cần không lo, không sợ thì đã là người quân tử rồi sao

  • Phát hiện chấn động Thế giới trong lòng đất

    Phát hiện chấn động Thế giới trong lòng đất

  • Irena Sendler và sự sống  trong những chiếc lọ

    Irena Sendler và sự sống trong những chiếc lọ

  • Ý nghĩa của "Ba nén hương" và "Vái ba vái" khi lễ Phật

    Ý nghĩa của "Ba nén hương" và "Vái ba vái" khi lễ Phật

  • Cả đời bái Phật nhưng vì sao vẫn không toại nguyện

    Cả đời bái Phật nhưng vì sao vẫn không toại nguyện

x