Hộp sọ người hiện đại 300.000 năm tuổi đặt lại câu hỏi về lịch sử loài người
Các nhà khảo cổ đã phát hiện hóa thạch của người hiện đại (Homo Sapien) có niên đại 300.000 năm, tức lâu hơn 100.000 năm so với hóa thạch người Homo Sapien từng tìm thấy trước đó. Điều này có thể khiến chúng ta phải viết lại câu chuyện về nguồn gốc loài người.
Thông tin trên được công bố trên tạp chí Nature hôm 7/6. Phát hiện này thuộc về nhóm nghiên cứu của nhà nhà cổ sinh vật học Jean-Jacques Hublin, làm việc tại Viện Nghiên cứu Nhân chủng Tiến hóa Max Planck, Đức. Đây là một phát triện quan trọng trong việc tìm hiểu nguồn gốc tiền sử của loài người hiện đại.
Các nhà khoa học cho biết, các hóa thạch được phát hiện ở Morroco là những di vật cổ nhất còn sót lại của người hiện đại (Homo sapien), phát hiện này có thể khiến chúng ta phải viết lại lịch sử loài người, và cho thấy con người đã tồn tại ở nhiều địa điểm khác nhau trên lục địa châu Phi trong quá khứ xa xưa.
Trước đó, hóa thạch cổ xưa nhất của người hiện đại được biết đến có niên đại chỉ khoảng 195.000 năm. Tuy nhiên, các hóa thạch được phát hiện ở Morroco là khoảng 300.000 năm tuổi. Điều đáng chú ý là, chủng người này có khuôn mặt gần như không khác biệt so với khuôn mặt người hiện đại ngày nay, dù còn có các điểm nguyên sơ như sọ dài hơn, thấp hơn, gờ mày to, mặt và răng lớn hơn.
Câu chuyện bắt đầu từ năm 1961, khi các thợ mỏ ở Morroco đào được vài mảnh hộp sọ tại một địa điểm tên là Jebel Irhoud. Sau đó, cuộc đào bới cho thấy thêm một vài khúc xương cùng với những lưỡi đá đánh lửa.
Từ năm 2004, TS. Hublin cùng các đồng nghiệp của ông làm việc trên các lớp đá trên sườn đồi sa mạc ở Jebel Irhoud. Họ đã tìm thấy một số hóa thạch quan trọng, gồm xương sọ của 5 người chết cùng thời điểm.
Quan trọng không kém, các nhà khoa học còn tìm thấy các lưỡi đá đánh lửa ở cùng một lớp trầm tích với các hộp sọ. Người ở Jebel Irhoud dường như đã sử dụng chúng cho nhiều mục đích, như tra vào cán gỗ để làm giáo, mác.
Nhiều lưỡi đá cho thấy dấu hiệu đã từng bị đốt cháy. Những người ở Jebel Irhoud có thể đã sử dụng lửa để nấu nướng.
TS. Hublin và các đồng nghiệp đã sử dụng phương pháp đo lường phóng xạ để tính toán thời điểm các hòn đá lửa được sử dụng. Họ ước tính nó rơi vào khoảng 300.000 năm trước đây, và các hộ sọ được phát hiện trong cùng 1 lớp đá cũng có độ tuổi tương đương. Mặc dù tuổi răng, hàm và những chi tiết về giải phẫu cho thấy họ vẫn thuộc về Homo sapien chứ không phải nhóm người Hominin khác.
Người Jebel Irhoud khá tinh vi. Họ có thể tạo ra lửa và chế tạo các vũ khí phức tạp, chẳng hạn như công cụ bằng đá, những vật liệu cần thiết để săn linh dương và các loài động vật khác trên đồng cỏ Savanna, từng che phủ sa mạc Sahara 300.000 năm trước.
Bên cạnh đó, những hòn đá đánh lửa còn một điểm thú vị khác. Khi các nhà khảo cổ bắt đầu nghiên cứu đến vài hang động cách Jebel Irhoud 20 dặm về phía Nam, họ thấy rằng những người Homo sapien đã sớm biết cách tìm kiếm và sử dụng nguồn tài nguyên để có thể phát triển đến nhiều vùng đất xa xôi.
Những hòn đá đánh lửa tương tự ở cùng độ tuổi đã được tìm thấy tại nhiều địa điểm khác trên khắp Châu Phi, các nhà khoa học từ lâu vẫn luôn thắc mắc về người đã tạo ra chúng. Và các hóa thạch ở Jebel Irhoud làm tăng khả năng chúng đã được tạo ra bởi người hiện đại cách đây 300.000 năm.
Trước khi có phát hiện khảo cổ này, nhiều nhà khoa học vẫn luôn tin loài người hiện đại chúng ta đã tiến hóa từ những người tiền sử đầu tiên xuất hiện tại châu Phi khoảng 200.000 năm trước. Tuy nhiên, những gì xảy ra giữa khoảng thời gian xuất hiện 2 chủng người này vẫn chưa được họ lý giải.
TinhHoa tổng hợp