Hôn nhân bền lâu hay không chỉ phụ thuộc “một câu nói” của người chồng
Cuộc sống vợ chồng đôi khi không tránh được những lúc giận hờn, cãi vã. Vậy làm sao có thể giữ cho hôn nhân được bền lâu hạnh phúc? Bí quyết nằm ở chữ “nhịn” nằm trong tay của các đức ông chồng.
Hai vợ chồng xảy ra to tiếng. Người vợ nói: “Chúng ta ly hôn đi, cuộc sống này thật sự không cách nào sống tiếp được nữa!”
Người chồng cũng quát ầm lên: “Tưởng chuyện gì chứ! Ly hôn thì ly hôn, ai không ly hôn thì người đó là đồ hèn! Nhà anh để lại cho em, xe để lại cho em, con cũng để lại cho em! Nhưng em có thể mời anh làm bảo mẫu không? Em đi đâu anh cũng sẽ đi đó!”
Người vợ vừa mới uống được ngụm nước thì đã lập tức phun đầy khắp sàn. Sau đó không nói tiếng nào liền bỏ đi.
Ông chồng hỏi: “Bà xã, em đi đâu vậy?”
Người vợ tức giận trả lời: “Đi mua đồ ăn, làm món sườn chua ngọt anh thích ăn nhất!”
Người chồng nói: “Vậy thì hãy để anh đi cùng em!”
Hai người đi một đoạn đường dài không ai nói với ai câu nào. Sau đó, người vợ hỏi ông chồng: “Vì sao mỗi lần cãi nhau anh đều nhường em vậy?”
Người chồng: “Anh cao 170 cm, em cao 160 cm, những lúc nói chuyện với em anh không cúi đầu, nhẹ giọng một chút được sao?”
Nên nhớ rằng, tình yêu là niềm vui đến từ hai phía, là sự hiểu biết và khoan dung lẫn nhau, chứ không phải là hai mắt trừng trừng nhìn nhau, cố chấp, ương ngạnh.
Wenger Julius một chuyên gia về vấn đề hôn nhân người Mỹ, ông đã viết một quyển sách tên là “Nguyên tắc hạnh phúc trong hôn nhân”. Vì để nâng cao lượng sách phát hành, ông quyết định sẽ mời hai nhân vật tiêu biểu để làm người phát ngôn cho cuốn sách.
Lễ tình nhân năm 2006, một cặp vợ chồng được mời tham dự một chương trình truyền hình của Mỹ. Người chồng tên Landis 102 tuổi, cùng người vợ tên là Gwen 101 tuổi. Hai người họ đã trở thành nhân vật trên truyền hình Mỹ vào cái ngày lễ tình yêu đặc biệt ấy, bởi vì trong lúc con số ly hôn không ngừng tăng lên ở Mỹ, thì hai người họ đã tạo ra một kỉ lục với thời gian hôn nhân kéo dài tới 78 năm.
Ông Julius nghĩ rằng người phát ngôn cho cuốn sách của mình chính là họ chứ không còn ai khác nữa. Vì vậy, ông đã liên lạc với họ và rất nhanh nhận được câu trả lời đồng ý. Tuy nhiên, họ phải xem trước bản thảo một lần, để tránh một số chuyên gia hôn nhân giả mạo mượn cờ hiệu của họ mà thúc đẩy lý luận của mình.
Ông Landis cũng dặn dò tác giả đem sách tóm tắt lại nội dung chính, bởi vì ông bà già rồi, không đủ sức đọc hết bản thảo. Julius theo hướng dẫn, đối với cuốn “Nguyên tắc hạnh phúc trong hôn nhân” thì đơn giản khái quát ra: “Một nguyên tắc lớn”, “Ba định luật lớn”, “Năm nhận thức chung”.
Một nguyên tắc lớn
Nguyên tắc làm người tốt: Tìm một đối tượng tốt, chính mình cũng làm một người tốt. Ai có thể làm được điều này, thì hôn nhân muốn bất hạnh cũng khó.
Ba định luật lớn
Định luật về vợ
Điều thứ nhất: Vợ luôn luôn đúng;
Điều thứ hai: Nếu như vợ sai, xin mời tham khảo và làm theo điều thứ nhất.
Định luật con cái
Điều thứ nhất: Con cái mãi mãi vẫn là con cái, chồng cũng giống như con cái vậy.
Điều thứ hai: Những lúc người chồng khiến cho bạn tức giận, xin mời hãy đọc ba lần điều thứ nhất.
Định luật tài sản
Điều thứ nhất: Ngoại trừ chiếc giường chung của hai người ra, hết thảy các đồ vật khác có cũng được mà không có cũng chẳng sao.
Điều thứ hai: Khi cuộc sống lu bu phức tạp, thì xin mọi người hãy lớn tiếng đọc to điều thứ nhất.
Nếu vợ chồng hai bên đều có thể tuân thủ theo ba định luật lớn này, thì thiết nghĩ rằng hết thảy các chuyên gia về hôn nhân trên toàn thế giới đều phải ra đường để tìm cho mình một công việc khác.
Năm nhận thức chung
Tình yêu là gắn bó hai người lại với nhau, còn hôn nhân là gắn bó một nhóm người lại với nhau.
Trong vấn đề quản lý tiền bạc không thể giống như chủ nghĩa bình quân tuyệt đối, càng không thể tinh toán chi li.
Giữa hai vợ chồng một khi phát sinh mâu thuẫn, càng nhiều người ra mặt khuyên bảo càng không dễ giải quyết, phải học cách tự mình tháo gỡ khúc mắc ấy.
Hôn nhân là một bộ máy móc, vì thế trục trặc là không thể tránh được, cần phải được bảo trì và điều chỉnh hàng ngày.
Gia đình là chỗ nương náu của nỗi niềm khó nói, hôn nhân cần phải có khả năng tiếp nhận những nỗi niềm ấy.
Wenger Julius sau khi gửi các bản phác thảo, và ông rất nhanh nhận được hồi âm từ ông Landis. Trong thư trả lời ông viết thế này: “Ông Julius, nguyên tắc hạnh phúc trong hôn nhân mà ông đưa ra, tôi đọc cho vợ tôi nghe xong, bà ấy cười mãi không dứt. Vợ tôi nói, nếu biết được những nguyên tắc này vào hai ngày trước thì tốt rồi, như vậy có thể cuộc cãi vã ngày hôm qua của chúng tôi đã có thể tránh khỏi.
Tuy nhiên, bà ấy vẫn bảo tôi hãy tỏ lòng cảm kích đối với ông trong lá thư này, bà ấy nói, sau này sẽ chiếu theo cuốn sách này mà làm. Đương nhiên, có thể làm được hay không, thực sự trong lòng bà ấy vẫn chưa có cơ sở.
Ở đây, tôi muốn nói riêng với ông một câu này, đây là câu vợ tôi từng nói với tôi: ‘Trên thế giới này, cho dù là hôn nhân hạnh phúc nhất, trong cả đời cũng sẽ có 200 lần có ý muốn ly hôn và 50 lần suy nghĩ đẩy đối phương vào chỗ chết’. Có thể làm theo những gì được viết trong cuốn sách của ông hay không, trong lòng ông nhất định đã nắm chắc rồi!”
Về sau, cuốn sách “Nguyên tắc hạnh phúc trong hôn nhân” được xuất bản, câu nói đó của vợ ông Landis được in ở trên trang bìa của cuốn sách.
Hoàng Sâm, dịch từ Kannewyork