Hơn 86% bệnh nhân Covid-19 không có triệu chứng, chuyên gia khuyến cáo 7 lưu ý
Theo báo cáo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, trong đợt dịch Covid-19 lần này có hơn 86% bệnh nhân mắc nCoV nhưng lại không có triệu chứng, do đó mà mức độ lây lan của dịch rất phức tạp, các địa phương khó nắm bắt được bệnh nhân qua dấu hiệu.
Đây là thông tin do cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cung cấp trong báo cáo tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương chống dịch viêm phổi Vũ Hán (Covid-19) diễn ra vào chiều 2/2, theo Tuổi Trẻ.
Cụ thể, Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, trong số 372 bệnh nhân mắc Covid-19 đang điều trị tính đến hôm 2/2, có trên 300 ca là bệnh nhân ghi nhận tại Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội, Gia Lai…
Trong đó có 86,6% (322 ca) không có triệu chứng lâm sàng, biểu hiện nhẹ là 44 ca (11,8%), tiên lượng nặng 1 ca (0,3%), nguy kịch (dùng ECMO) 1 ca (0,3%).
Tại Gia Lai, đại diện tỉnh Gia Lai cũng cho biết, đến chiều 2/2 tỉnh ghi nhận 13 ca mắc Covid-19, nhưng 12/13 ca này không có triệu chứng, chỉ 1 ca có vài triệu chứng nhẹ.
Tỷ lệ bệnh nhân không có triệu chứng như trên là cao hơn so với khảo sát ở nhóm bệnh nhân nhiễm chủng virus cũ, thông thường là trên 60%.
Một điều đáng lo ngại khác là theo kết quả giải trình tự gen tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, trong 16 mẫu gửi về Viện, có 11 mẫu đạt yêu cầu để giải trình tự gen thì cả 11 mẫu đều là chủng virus biến thể ghi nhận lần đầu tại Anh.
Đây là chủng Covid-19 mới được xác định có thể lây nhiễm với tốc độ 70% so với chủng cũ và bệnh nhân không có triệu chứng cao hơn chủng cũ rất nhiều.
Khuyến cáo của chuyên gia
Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Trương Hữu Khanh – chuyên gia truyền nhiễm nhận định, với bệnh nhân nhiễm biến chủng nCoV của Anh, việc 86% trường hợp mắc bệnh trong đợt dịch này không có triệu chứng thì để tìm và phát hiện được các ca bệnh khác lại càng khó khăn hơn, tình hình dịch bệnh phức tạp hơn, đặc biệt là khi việc lây nhiễm diễn ra nhanh hơn.
Theo đó, để người dân có thể tự bảo vệ bản thân trong thời điểm hiện tại, bác sĩ Khanh đã đưa ra 7 ghi nhớ cho cộng đồng, cụ thể:
1. Thời gian ủ bệnh trung bình ngắn hơn. Lúc trước 5 – 6 ngày thì mới thành người phát tán virus ra môi trường. Bây giờ có thể chỉ cần 2-3 ngày.
Vì vậy đòi hỏi truy vết nhanh, thực hiện giải pháp “5K” như khuyến cáo, khai báo thật và nhanh, năng lực xét nghiệm phải nhiều và nhanh.
2. Người mắc bệnh sẽ phát tán virus với đậm độ cao hơn và lâu hơn. Virus biến chủng mới sẽ nhân lên nhanh hơn trong hầu họng và chỉ cần nói chuyện thông thường cũng phát tán virus ra môi trường.
Biện pháp cần thực hiện là khẩu trang, khoảng cách, cách ly sớm và sớm truy vết để cách ly đủ người có mầm bệnh.
3. Virus tồn tại trong môi trường lâu hơn. Biện pháp là thường xuyên rửa tay, nhiệt độ từ 27 trở lên, cửa sổ thông thoáng.
4. Nhiều người mắc bệnh không triệu chứng hơn, nhìn không biết ai mắc bệnh vì vậy cần đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, chú ý yếu tố dịch tễ.
6. Tỷ lệ người mắc virus này sẽ nhiều hơn virus cũ: Tất yếu không tránh được.
7. Thường là ít bệnh nhân nặng hơn nhưng sẽ tấn công nhanh hơn tới đối tượng nguy cơ, vì vậy cần bảo vệ đối tượng nguy cơ, không để lây lan trong bệnh viện.
Vũ Tuấn (t/h)