Hơn 2.500 năm trước con người biết dùng cần sa điều trị ung thư
Theo một nghiên cứu mới nhất của các nhà khảo cổ thực hiện trên xác ướp 2.500 tuổi, người cổ đại đã sớm dùng dược liệu, đặc biệt là cần sa để điều trị bệnh nan y, trong đó có ung thư.
Trinh nữ Băng giá Siberia (Ice Maiden) còn được biết đến với tên gọi Công chúa Ukok hay Ochi-Bala của Altai là xác ướp 2.500 tuổi của một cô gái được tìm thấy tại một kurgan (gò đất) thuộc nền văn hóa Pazyryk ở Cộng hòa Altai, Nga từ năm 1993. Xác ướp này được xem là một trong những phát hiện khảo cổ quan trọng nhất cuối TK 20 của Nga.
Mới đây, một cuộc nghiên cứu mới mang tính cách mạng được đăng trên tờ Siberian Times đã kết luận nguyên nhân tử vong của cô gái trẻ là do ung thư vú và một số căn bệnh khác.
Theo nhóm nghiên cứu, các nguyên nhân này có thể lí giải sự xuất hiện của những túi cần sa hay marijuana được tìm thấy trên xác ướp. Theo đó, cần sa có thể từng được sử dụng để ứng phó với các triệu chứng bệnh.
Công chúa Ukok được tìm thấy trong tình trạng chưa từng bị xáo trộn trong một căn hầm dưới lòng đất tại cao nguyên Ukok gần biên giới Trung Quốc mà ngày nay là một vùng lãnh thổ thuộc Cộng hòa tự trị Altai.
Cao nguyên Ukok là một phần của thảo nguyên Á – Âu đặc trưng với khí hậu khô cằn và khắc nghiệt. Hình xăm một loài vật huyền thoại, con nai có mỏ chim ưng và chân của loài động vật móng guốc trên cơ thể là một trong những đặc điểm đặc trưng nhất của Ice Maiden. Hình xăm xuất hiện trên 2 cánh tay, trải dài từ vai xuống bàn tay mặc dù hiện chỉ còn cánh tay trái được bảo quản đủ tốt để nghiên cứu.
Thêm vào đó, 6 con ngựa và 2 chiến binh được tìm thấy gần khu mộ cho thấy xác ướp có xuất thân từ một gia tộc cao quý. Công chúa Altai và các chiến binh được cho là thuộc tộc người Pazyryk, một dân tộc du mục được sử gia Hy Lạp Herodotus mô tả từ TK 5 TCN.
Trước sự thất vọng của cộng đồng Altai khi họ cho rằng các nhà khoa học sẽ làm xác ướp nổi giận, kể từ khi được phát hiện, Ice Maiden vẫn được lưu giữ tại Bảo tàng Viện Khảo cổ học và Dân tộc học Novosibirsk để tái tạo khuôn mặt, kiểm tra ADN và thực hiện một số nghiên cứu khác.
Theo Siberian Times, kết quả phân tích MRI mới nhất do nhà khoa học Andrey Letyagin và Andrey Savelov thực hiện và công bố trên tạp chí Science First Hand cho thấy một khối u bên ngực phải và hạch bạch hầu dưới nách cùng các biểu hiện di căn trên cơ thể xác ướp. Nguyên nhân cái chết của trinh nữ trên chưa được xác định rõ, nhưng có thể đến từ căn bệnh ung thư hoặc viêm xương tủy, nhiễm trùng xương hay tủy xương. Ngoài ra còn có một số chấn thương đáng kể khác bao gồm nứt xương sọ do ngã ngựa. Có một điều chắc chắn, Ice Maiden đã rất đau đớn trước khi chết.
GS.Natalia Polosmak, người phát hiện ra xác ướp Ice Maiden năm 1993 cho biết, cô gái trẻ có khả năng đã từng dùng thuốc giảm đau. Sau khi tìm thấy cần sa trong phòng chôn cất, ông nhận định, sử dụng cần sa là “rất cần thiết” lúc bấy giờ để đối phó với cơn đau.
Việc sử dụng cần sa có một lịch sử lâu dài và khá phong phú. Bằng chứng của hoạt động này có thể tìm thấy trong thiên niên kỷ thứ 3 TCN khi nhiều hạt cần sa cháy được phát hiện trong lò than nghi lễ tại một địa điểm chôn cất cổ xưa mà ngày nay là thành phố Romania.
Được dùng với nhiều mục đích khác nhau và với khả năng tác động đến hệ thần kinh, cần sa còn được sử dụng như một liệu pháp chữa bệnh. Năm 2.737 TCN, Hoàng đế Shen Neng của Trung Quốc được xem là người đầu tiên sử dụng cần sa để trị bệnh. Bằng chứng của việc tiêu thụ cần sa cũng được tìm thấy trong các xác ướp Ai Cập có niên đại từ năm 950 TCN.
Các nhà khoa học hiện đại ngày càng quan tâm đến tác dụng ức chế, tiêu diệt tế bào ung thư của cần sa hay ít nhất có thể kiểm soát cơn đau và các triệu chứng bệnh lý đi kèm. Nhưng dường như người cổ đại đã sớm phát hiện ra những tác dụng này trước đây.
Thiên Hà, Hồ Duyên – Theo Ancient Origins