Từ cái chết của cô bé lớp 5 ở TQ, bàn về “virus chính trị” mang tên “năng lượng tích cực”
Bởi vì một bài viết không phù hợp với quan điểm của giáo viên, cô bé học sinh lớp 5 Mậu Khả Hinh ở Thường Châu, Giang Tô đã gieo mình tự vẫn. Sự kiện này đã gây ra nhiều tranh luận trong công chúng. Tờ Epoch Times mới đây đã đăng tải bài viết của tác giả Cao Bảo Nghị, bàn về loại “virus chính trị” mang tên “năng lượng tích cực” trong xã hội Trung Quốc.
Vào ngày 4/6/2020, Mậu Khả Hinh, học sinh lớp 5 của một trường tiểu học ở Thường Châu, tỉnh Giang Tô, đã gửi cho giáo viên ngữ văn bài cảm nghĩ sau khi đọc xong “Ba lần đánh Bạch Cốt Tinh”.
Nội dung bài cảm nghĩ này là: “Đừng bị lừa dối vì ngoại hình, sự giả tạo hay đạo đức giả, trong xã hội ngày nay, có người bề ngoài thì tốt đẹp, nhưng trái tim thì đen tối. Họ sẽ sử dụng nhiều mưu kế xảo quyệt và thủ đoạn bỉ ổi để đạt được mục đích thầm kín của bản thân”.
Giáo viên Ngữ văn Viên Đinh Mỹ chỉ trích Mậu Khả Hinh đã viết ra những điều tiêu cực, không đủ “năng lượng tích cực”, chỉ trích trong cả một tiết học, sau đó phạt cô bé viết lại hai bài văn.
Trong phần chỉnh sửa của giáo viên cho bài văn của Mậu Khả Hinh, có thể thấy một danh sách dài các nhận xét cố tình gây khó khăn cho Mậu Khả Hinh. Nhiều mô tả sống động bị khoanh tròn, và yêu cầu sửa hoặc xóa đi. Cuối cùng, còn đánh một chữ “X”, và đính kèm một nhận xét yêu cầu cô bé “truyền đi” những “năng lượng tích cực”.
Vào lúc 15 giờ 14 phút ngày hôm đó, sau hai tiết học tiểu luận, Mậu Khả Hinh xông ra khỏi lớp học, trèo lên lan can và gieo mình từ tầng 4 xuống đất.
Giáo viên này có trách nhiệm hình sự trực tiếp đối với cái chết của Mậu Khả Hinh là một điều không có gì bàn cãi. Ít nhất đó là một sự tấn công, ngược đãi, áp bức về tinh thần cùng với đó là sự xúc phạm, lăng mạ nhân cách đối với trẻ vị thành niên, đó là một tội ác. Cô ấy đang sử dụng virus chính trị mang tên “năng lượng tích cực”.
Tôi không quan tâm đến việc nghiên cứu thuật ngữ “năng lượng tích cực” được đề xuất bởi ai, khi nào hay trong bất kỳ tài liệu nào. Tôi chỉ biết rằng nó đã trở thành một từ phổ biến trong xã hội Trung Quốc và câu cửa miệng của người dân trong những năm qua.
Cũng giống như sự lan tràn của “đấu tranh giai cấp” và “tư tưởng Mao Trạch Đông” trong thời kỳ “Cách mạng Văn hóa”. Bất kể khi nào, việc nào, bất cứ nơi nào hay bất kì ai, vào những lúc cần thiết đều phải đội chiếc mũ “năng lượng tích cực”, điều đó đã trở thành một công cụ chính trị, chiếc mũ chính trị, cây gậy chính trị và vũ khí chính trị.
Giáo viên muốn học sinh truyền “năng lượng tích cực”, trên thực tế, chính là yêu cầu học sinh nói dối, không nói sự thật, yêu cầu học sinh tuân theo sự giáo dục của giáo viên và nhà trường.
Bởi vì truyền bá “năng lượng tích cực” là nhiệm vụ chính trị của trường học và là sứ mệnh chính trị của giáo viên. Hơn nữa giáo viên đó trong quá trình trưởng thành cũng tiếp nhận phương pháp giáo dục chính trị được gọi là “năng lượng tích cực” này, trong tâm trí cô chỉ toàn là “năng lượng tích cực”, nếu không cô sẽ không phải là một giáo viên và sẽ không được trả lương.
Từ quan điểm của toàn xã hội, bất kể trên các tin tức phát sóng, phương tiện truyền thông chính thức, Weibo, WeChat, video dài hay ngắn, phim ảnh và tác phẩm văn học, tất cả đều thúc đẩy truyền bá “năng lượng tích cực”. Nếu có năng lượng tiêu cực, phải ngay lập tức xóa bỏ, trường hợp nghiêm trọng thì cảnh sát sẽ răn đe, thậm chí nhốt lại.
Bác sĩ Lý Văn Lượng vì không truyền bá “năng lượng tích cực” mà bị cảnh sát cảnh cáo, bị CCTV chỉ trích, vì vậy mà dịch bệnh đã lan rộng khắp thế giới và nền kinh tế đã suy thoái nặng nề nhất trong 100 năm. Nhật ký Phương Phương cũng không lan truyền “năng lượng tích cực”, vì thế mà bị bao vây chửi bới, người thân cũng bị uy hiếp.
Khắp Trung Quốc hoàn toàn bị bao phủ bởi “năng lượng tích cực” từ trên xuống dưới. Nó lây lan như virus corona, xâm nhập vào từng tế bào trong xã hội và não bộ của từng người.
Trên thực tế, không ai có thể nói rõ ràng hay giải thích “năng lượng tích cực” là gì, điều đó mơ hồ như chủ nghĩa cộng sản vậy. Nói tóm lại, đó là loại tư tưởng, chủ nghĩa, đại diện, học thuyết mà tổ chức muốn bạn học và lĩnh hội, quán triệt thi hành, cho phép bạn thăng tiến, tham gia tổ chức và được thăng quan tiến chức và làm giàu.
Nắm vững “năng lượng tích cực” không khó, miễn là bạn không cần phải sử dụng đầu óc của mình, không cần có suy nghĩ riêng, không phân tích và không phán xét là được.
Trở lại với trường hợp tử vong khi rơi từ trên lầu cao của Mậu Khả Hinh, nữ sinh lớp 5 ở Thường Châu, Giang Tô. Lý do mà giáo viên ngữ văn Viên Đinh Mỹ xấu hổ đến mức tức giận rồi nhục mạ học sinh chủ yếu là vì tư tưởng của học sinh đã vi phạm “năng lượng tích cực”, như vậy sẽ đe dọa đến con đường tiến thân của giáo viên này. Nếu học sinh của cô ấy không suy nghĩ theo “năng lượng tích cực”, thì giáo viên sẽ bị nhà trường chỉ trích và phê bình, thu nhập sẽ bị giảm đi rất nhiều.
Vì vậy, xuất phát điểm của tiêu đề “năng lượng tích cực” mà tôi sử dụng chính là “virus chính trị”. Từ góc độ nghiên cứu tâm lý, suy nghĩ của mọi người hàng ngày chiếm 70% là năng lượng tiêu cực và 30% “năng lượng tích cực” còn lại không phải là suy nghĩ chính trị, mà là về những chuyện tốt đẹp, vui vẻ.
Trong một thời gian dài, nếu những suy nghĩ chính trị được cấy vào não và trở thành suy nghĩ chủ đạo, động cơ cho những hành vi hay tiêu chuẩn phán đoán đúng sai của mọi người, điều đó sẽ nguy hiểm và đáng sợ như bị nhiễm virus Corona.
Giáo viên ngữ văn Viên Đinh Mỹ bị nhiễm virus chính trị “năng lượng tích cực” một cách nghiêm trọng, gây ra một thảm họa lớn và hủy hoại cuộc sống của một đứa trẻ 12 tuổi.
Mậu Khả Hân là một cô bé tốt bụng, có đầu óc độc lập, tính cách độc lập, cởi mở. Từ bài cảm nghĩ có thể nhận ra những điều này. Chính “năng lượng tích cực” đã hủy hoại cuộc sống của cô bé.
Có thể hình dung có bao nhiêu đứa trẻ xuất sắc như vậy trên khắp Trung Quốc đã bị kìm hãm về tính cách và con người như vậy. Thật đáng buồn, đáng hận! Hy vọng của dân tộc Trung Hoa đang ở nơi đâu?
Tác giả: Cao Bảo Nghị
Gia Hưng (Theo Epoch Times)
(Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của BBT TinhHoa.Net)