Hóa thạch 3,3 triệu năm tuổi cho thấy con người đã đi bằng 2 chân từ hàng triệu năm trước
Một bộ xương người hóa thạch 3,3 triệu năm tuổi đã được tìm thấy tại Ethiopia với đầy đủ xương sống, cổ và xương sườn. Điều đáng ngạc nhiên là nó có cấu trúc hoàn hảo để hỗ trợ dáng đi thẳng đứng của con người từ hàng triệu năm trước. Vậy phải chăng thuyết tiến hóa đã sai?
Bộ xương hóa thạch gần như hoàn chỉnh này là của 1 đứa trẻ khoảng 2 tuổi rưỡi có tên “Selam”, nghĩa là “hòa bình” theo tiếng Ethiopia. Bộ xương được Zeresenay (Zeray) Alemseged, giáo sư sinh học và giải phẫu học tại Đại học Chicago tìm thấy tại Dikika, Ethiopia vào năm 2000. Ông đồng thời cũng là tác giả chính của nghiên cứu.
GS. Alemseged cho biết: “Sau khi cẩn thận và miệt mài nghiên cứu, chúng tôi phát hiện rằng cấu trúc cột sống của bộ xương 3,3 triệu năm tuổi này đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề trong quá trình phát triển của con người”.
Hiện tại, sau khi loại bỏ lớp đất đá, các nhà khoa học có thể sử dụng một số công cụ tiên tiến để phân tích cấu trúc của bộ xương. Theo GS. Fred Spoor thuộc khoa Sinh học trương Đại học London, đồng tác giả của nghiên cứu, công nghệ này đã cung cấp thêm cơ hội để các nhà nghiên cứu kiểm tra hầu hết các mặt của cột sống.
Như đã biết, có rất nhiều đặc điểm giống nhau về cấu trúc của cột sống và lồng ngực giữa người với các loài linh trưởng. Tuy nhiên, xương sống của con người có một số điểm đặc biệt giúp chúng ta có thể có dáng đi thẳng đứng. Ví dụ, con người có ít đốt sống ngực hơn nhưng lại có nhiều đốt sống thắt lưng hơn. Người ta thường cho rằng đây là một phần của quá trình tiến hóa. Tuy nhiên rất hiếm khi các bộ xương được bảo quản hoàn chỉnh để chứng minh cho thuyết này.
GS. Alemseged cho biết: “Đây là hóa thạch chưa từng có trước đây, đặc biệt là một cá thể còn rất trẻ, lứa tuổi mà các khớp đốt sống vẫn còn chưa gắn kết hoàn toàn”.
Carol Ward, giáo sư giải phẫu chuyên ngành bệnh học tại Đại học Missouri và là đồng tác giả của nghiên cứu cho biết, trong nhiều năm, chúng ta đã có những hiểu biết về cấu trúc xương từ hóa thạch của người tiền sử gồm xương sườn, các đốt sống ngực, thắt lưng, dưới thắt lưng. “Nhưng chúng ta không thể xác định tổ tiên loài người thực sự có bao nhiêu đốt sống”, ông nói.
“Hóa thạch Selam đã cung cấp cho chúng ta cái nhìn đầu tiên về kết cấu xương sống của người tiền sử”.
Khi nghiên cứu bộ xương Selam, người ta thấy rằng, đoạn xương sống của bộ xương này có sự chuyển đổi độ cong rõ ràng từ các đột sống ngực sang thắt lưng, điều chỉ xuất hiện ở cột sống của người. Ngoài ra, bộ xương còn có 12 đốt sống ngực với 12 cặp xương sườn.
Kết cấu xương sống này có thể cho phép cá thể đó đi lại và chạy bộ trên hai chân giống như con người hiện nay.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một bộ xương người gần như hoàn chỉnh có niên đại cực kỳ xa xưa như vậy từng xuất hiện. 3,3 triệu năm trước, thời kỳ mà theo thuyết tiến hóa, nhân loại chúng ta vẫn còn là những con vượn sống trên cây và di chuyển bằng 4 chân, tuy nhiên, bộ xương đã chứng minh điều ngược lại, một đứa trẻ mới chỉ hơn 2 tuổi nhưng đã có cấu trúc hoàn hảo cho việc di chuyển bằng hai chân.
Những học giả lâu năm rất bất ngờ về điều này, vì nó hoàn toàn không giống những lý thuyết trước đây. Điều này cho thấy một điều rằng, nhân loại ngày nay tuy phát triển nhưng thực tế chúng ta dường như không hiểu gì về nguồn gốc của mình.
Hoàng An biên dịch