Hết thảy khổ nạn trên thế gian này từ đâu mà sinh ra?
Nếu nói rằng hết thảy khổ nạn trên thế gian đều không phải bất công, vậy chúng từ đâu mà có?
Xưa có câu chuyện kể, một chiếc tượng bằng đất luôn ao ước được trở thành người. Mỗi khi ai đó đi ngang qua, tượng đất lại thầm nghĩ: “Đức Phật, xin hãy cho con được làm người, hãy cho con được làm người”.
Cảm động trước thành tâm mong mỏi của tượng đất, Đức Phật nói: “Con sẽ được như ý nguyện, chỉ cần hội tụ đủ các tiêu chuẩn thì sẽ được làm người”.
Tượng đất thưa: “Vâng, con sẽ cố gắng hết sức. Đức Phật, xin Ngài cho biết con cần phải làm gì?”
“Nếu đã quyết tâm như vậy thì hãy theo ta. Ta sẽ đặt con trên hành trình của đời người. Tại đây, con sẽ gặp phải rất nhiều thử thách mà một người phải đối mặt, nếu có thể vượt qua, ta sẽ giúp con trở thành người”.
Dứt lời, Đức Phật vẫy tay một cái và tượng đất biến thành một chàng trai trẻ. Chàng trai đi theo Phật đến bên bờ vực thẳm. Ở đó có hai cái vực đối diện nhau, một bên là vực Chết, còn một bên là vực Sống. Cả hai vực thẳm được nối liền bằng một sợi dây xích lớn, trên đó là rất nhiều chiếc vòng sắt lồng ghép đan xen nhau.
Đức Phật nói: “Hãy đi qua chiếc cầu dây xích này để sang bờ bên kia và nhớ là cuộc sống phải tự mình làm chủ, vì vậy mỗi khi gặp thử thách gay go, người duy nhất có thể giúp con chính là bản thân. Ta hy vọng con có đủ dũng khí để bảo vệ lấy mình. Được rồi, giờ thì hãy đi đi”.
Chàng trai nhìn xuống vực thẳm sâu hun hút bên dưới, đôi chân run lên bần bật. Nhưng vì để có cơ hội thành người, anh vẫn quyết tâm tiến lên phía trước. Đoạn đường đến bên bờ vực Sống không hề xa xôi, nhưng những nguy cơ rập rình vẫn khiến trái tim anh đập liên hồi vì sợ hãi.
Đi được một đoạn, chàng trai xảy chân mắc kẹt vào một cái vòng sắt, chỉ chút nữa là rơi xuống vực thẳm. Anh bắt đầu kêu lớn: “Cứu tôi với, cứu tôi với!”. Nhưng đúng lúc đó, lời Phật dặn lại văng vẳng bên tai: “Cuộc sống là tự mình làm chủ, vì vậy mỗi khi gặp thử thách gay go, người duy nhất có thể giúp con chính là bản thân…” Chàng trai hiểu rằng anh không còn cách nào khác ngoài việc phải tự mình nỗ lực.
Thế là, lấy hết sức bình sinh chàng trai cũng gỡ được chân ra. Anh hỏi: “Cái vòng sắt này loại gì vậy?” . Chiếc vòng đáp: “Tôi là cái vòng Danh Lợi”.
Tiếp tục chặng đường, bỗng một thiếu nữ xinh đẹp tươi cười bước đến chào anh. Anh cảm thấy như bị hớp hồn và thình lình trượt ngã vào trong một chiếc vòng sắt. Anh sợ hãi kêu lên: “Cứu! Cứu!”, nhưng cũng như lần trước, lời Phật dặn lại vang lên.
Chàng trai cố hết sức gỡ mình ra khỏi cái vòng. Nhưng đến lúc này thì anh đã quá mệt và phải ngồi xuống. “Cái vòng đau đớn này là gì vậy?”. Chiếc vòng đáp: “Tôi là cái vòng Tình Ái”.
Nhưng đó vẫn chưa phải là toàn bộ thử thách. Trên suốt cuộc hành trình, chàng trai lần lượt rơi vào các vòng như Tham Lam, Ganh Tỵ, Thù Hận, Lười Biếng, và nhiều chiếc vòng khác nữa. Khi anh cố gỡ mình ra khỏi những chiếc vòng đau khổ ấy, anh không còn đủ can đảm để đi thêm bước nữa.
Khi anh nhấc bước quay trở về, Đức Phật hiện ra hỏi: “Mặc dù có rất nhiều đau khổ trong đời người, nhưng ở đó cũng có hạnh phúc và vui sướng. Nếu con có thể vượt qua những chiếc vòng thử thách còn lại, thì điều đợi chờ con sẽ là một bến bờ an lạc, hơn nữa con còn được trở thành người như ước nguyện”.
Chàng trai đáp: “Nhưng đời người có rất nhiều đau khổ, trong khi hạnh phúc và vui sướng chỉ là thoáng qua trong chốc lát. Vậy thì con thà làm tượng đất còn hơn trở thành người”.
Thế là, chàng trai lại trở về là chiếc tượng đất như xưa, nhưng tượng đất thì chẳng thể bền lâu. Dẫu nó đứng nguyên một chỗ nhưng không thể bình yên vô sự, bởi chỉ một cú huých mạnh cũng có thể vỡ tan tành, hay chỉ một trận mưa lớn cũng đủ khiến bức tượng tan ra hòa và vào đất bùn bên dưới…
*****
Tất cả mọi khổ đau mà chúng ta gặp trên đường đời, kỳ thực, cũng giống như những vòng sắt kia vậy. Đó là danh và lợi, đó là ái tình, là tham lam, là tật đố, là oán trách, là lười nhác, hay là thù hận. Vậy mới nói, khổ nạn hay chông gai trên đường đời không phải bởi cuộc sống bất công, mà là do con người đang mắc kẹt trong cái vòng sắt của chính bản thân mình.
Thế nên, chi bằng giữ tâm luôn trong sạch thản đãng, không tham luyến phồn hoa, không ham mê tình ái, cũng không tranh tranh đấu đấu với đời, thì hết thảy mọi được-mất, lợi-thiệt, hay hơn-thua cũng không thể làm ta đau khổ.
Và hãy nói về tượng đất kia, tượng đất phải vượt qua hết thảy những chiếc vòng đau khổ thì mới có thể thành người, nghĩa là một sinh mệnh cao cấp hơn, ở cảnh giới cao hơn. Nhưng vì không dám chịu khổ mà nó đã bỏ cuộc ngay giữa chặng hành trình, chấp nhận trở về làm chiếc tượng đất vô tri. Vậy thì xoay trở lại mà nói, liệu chúng ta có vì khổ đau của con người mà chọn làm “tượng đất” hay không?
Theo Daikynguyenvn