Hệ lụy của chất KTST trong trồng trọt và cách lựa chọn rau củ quả an toàn
Chất kích thích sinh trưởng (KTST) thực vật sẽ ngấm sâu vào bên trong các mô và tế bào cây trồng, hiện không có giải pháp xử lý triệt để. Khi ăn thực phẩm này, dư lượng chất KTST đi vào cơ thể rất từ từ, tích tụ lâu ngày sẽ gây rối loạn sinh lý và sinh hoá của cơ thể người, gây ra nhiều bệnh nguy hiểm…
Có những loại thuốc kích thích nào?
Hiện nay trên thị trường, các thuốc KTST thực vật được sử dụng dưới hàng ngàn tên thương mại khác nhau như: Siêu ra rễ, thuốc kích mầm, thần dược siêu tăng trưởng…
Ngoài ra, một số loại phân bón lá cũng có chứa một hàm lượng chất KTST nhất định.
Bản chất chung của các loại thuốc KTST nói trên đều có chứa hoạt chất gibberellin (GA), auxin (NAA) hoặc xytokilin đóng vai trò kích thích phân chia, giãn nở tế bào thực vật, kích thích sự ra rễ, phân cành, ra chồi, tăng sinh khối cây trồng.
Riêng các chế phẩm KTST thực vật rau quả, chủ yếu chứa các hoạt chất acid gibberelic (GA3) kích thích sự giãn nở tế bào, tăng sinh khối cây trồng.
Tuy nhiên, các chất KTST thực vật không phải là một loại dinh dưỡng thay thế cho phân bón. Đặc biệt các chất KTST thực vật cũng độc hại không kém gì thuốc trừ sâu.
Hậu quả khi lạm dụng
Có thể nói, việc nghiên cứu và tạo ra các chế phẩm KTST thực vật là một thành tựu công nghệ sinh học của loài người.
Tuy nhiên cái gì cũng có hai mặt của nó. Nếu sử dụng chế phẩm KTST đúng lúc, đúng cách, đúng liều lượng, đúng đối tượng và giai đoạn sinh trưởng của cây trồng sẽ giúp tăng năng suất, tăng hiệu quả gieo trồng.
Nếu lạm dụng chất KTST trên mọi đối tượng cây trồng, đặc biệt là trong sản xuất rau quả như sử dụng quá liều lượng, không đảm bảo thời gian cách ly tối thiểu… sẽ gây ra hệ luỵ khó lường cho sức khoẻ người tiêu dùng, nhẹ thì gây ngộ độc thực phẩm, nặng dẫn đến ung thư, tử vong.
Thực tế là, trong một số năm gần đây ở một số địa phương nước ta, việc lạm dụng quá mức chất
KTST trên cây trồng vẫn còn diễn ra khá phổ biến, nhất là trong sản xuất một số loại rau ăn lá, ăn ngọn (rau muống, bí ngô, su su, rau cần…), đã gây ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm rất đáng tiếc.
Hầu hết các loại thuốc KTST người dân hay dùng phun, ngâm rau quả hoặc các chất điều tiết sinh trưởng khác trong giấm trái cây đều có nguồn gốc nhập lậu từ Trung Quốc, vì giá thuốc rất rẻ, chỉ bán 1 – 2 mớ rau đã đủ tiền mua thuốc phun cho cả sào bắc bộ của cây rau muống.
Các thuốc này đều không nằm trong danh mục cho phép của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Các loại rau sau phun thuốc KTST nói trên 2 – 3 ngày sẽ gia tăng sinh khối gấp nhiều lần, ngọn dài, rau xanh non mỡ màng, rất bắt mắt.
Đa phần người dân sẽ thu hái rau trước thời gian qui định cho phép. Vì nếu chờ đủ thời gian cách ly, rau quả sẽ mất mã không còn hấp dẫn. Đây chính là cái “bẫy” giết người vô hình. Không ít người tiêu dùng vẫn ngộ nhận tin mua các loại rau mẫu mã như trên.
Giải pháp ngăn chặn lạm dụng chất KTST thực vật
Để đẩy lùi và ngăn chặn hiệu quả việc lạm dụng chất KTST trên cây trồng, đặc biệt là trên các loại rau quả, cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả cộng đồng xã hội, bao gồm nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và các cơ quan truyền thông đại chúng.
Nhà nước cần dành nguồn kinh phí thích đáng hỗ trợ cho các đề án, dự án nghiên cứu, khảo nghiệm, trình diễn mô hình sử dụng hiệu quả chất KTST trên cây trồng nói chung, cây rau quả nói riêng.
Phải thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ mọi nguồn thuốc KTST thực vật nhập khẩu và lưu hành trên thị trường, đặc biệt là các loại thuốc KTST thực vật có nguồn gốc Trung Quốc.
Có chế tài xử phạt nghiêm minh các tổ chức, cá nhân kinh doanh buôn bán và sử dụng thuốc KTST thực vật ngoài danh mục cho phép của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Nhà khoa học cần tăng cường nghiên cứu, giúp nông dân các giải pháp kỹ thuật, nâng cao năng suất cây trồng mà không cần sử dụng thuốc KTST.
Mặt khác cũng cần nghiên cứu chỉ ra cho người dân thấy rõ những hệ luỵ của việc lạm dụng chất KTST trong trồng trọt. Và hướng dẫn nông dân cách sử dụng chất KTST thực vật hợp lý, an toàn, hiệu quả.
Các cơ quan truyền thông cần tăng cường thông tin, nâng cao nhận thức cho nhà nông thấy rõ nguy cơ tiềm ẩn, tác hại khôn lường của việc lạm dụng chất KTST trong trồng trọt, đặc biệt là trong sản xuất rau quả.
Các chất KTST trên rau quả đều độc hại không kém thuốc trừ sâu. Vì chất KTST thường ngấm sâu vào bên trong các mô và tế bào thực vật, mà không có biện pháp xử lý triệt để.
Dư lượng chất KTST đi vào cơ thể rất từ từ, tích tụ lâu ngày sẽ gây rối loạn sinh lý và sinh hoá cơ thể người, cuối cùng là dẫn đến ung thư. Nếu dư lượng quá cao sẽ gây ra ngộ độc thực phẩm, nặng thì bị tử vong.
Sử dụng quá liều lượng chất KTST gây hệ lụy khó lường, nhẹ thì ngộ độc cần được cấp cứu kịp thời.
Các nhà nông hãy nói không với sử dụng chất KTST thực vật không rõ nguồn gốc xuất xứ. Chỉ sử dụng thuốc KTST trong danh mục được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho phép trên cây trồng, phải tuân thủ đúng hướng dẫn cách sử dụng thuốc KTST ghi trên bao gói của nhà sản xuất.
Chỉ nên sử dụng thuốc KTST thực vật trên các cây lấy gỗ, lấy sợi, cây ăn quả ở thời kỳ kiến thiết cơ bản và giai đoạn quả non, cây lương thực ở thời kỳ sinh trưởng sinh dưỡng, rau ăn trái để tăng đậu quả, rau ăn lá lúc cây còn nhỏ tuổi và trên hạt giống để phá vỡ sự ngủ nghỉ.
Khi sử dụng thuốc KTST cần kết hợp cung cấp cân đối dinh dưỡng phân bón cho cây trồng và phải đảm bảo cách ly tối thiểu 7 – 15 ngày trước thu hoạch (theo hướng dẫn của từng loại thuốc).
Tốt nhất không nên sử dụng chất KTST trên các loại rau ăn lá, ăn quả và củ.
Người nội trợ hãy là nhà tiêu dùng thông thái
Nhiều loại rau quả đang bị lạm dụng chất KTST, nhưng người dân nước ta không thể sống thiếu rau: “Cơm không rau như đau không thuốc”, nên vẫn phải mua sử dụng rau trong các bữa ăn thường ngày.
Để giảm thiểu nguy cơ mua phải rau quả bị lạm dụng chất KTST, người nội trợ hãy là nhà tiêu dùng thông thái.
Chỉ chọn mua các loại rau, củ, quả còn tươi nguyên, hình dạng bình thường, màu sắc tự nhiên, không bị bầm giập trầy xước.
Rau quả còn giòn chắc, cầm nặng tay, không có mùi vị và chất lạ. Nên hạn chế mua các loại rau quả trái vụ, các loại rau dễ bị lạm dụng chất KTST thực vật như giá đỗ, rau muống, rau bí, su su, rau cần, cải xoong, cải ngồng…
Không mua rau củ quả quá tươi non, xanh mướt mỡ màng. Rau có lá hẹp mỏng, cuống lá dài, ngọn rau dài nhỏ bất thường so với sản phẩm bình thường cùng loại.
Tránh mua rau quả đã gọt vỏ sẵn ngâm trong nước, vì rất dễ có chất tẩy trắng hoặc thuốc bảo quản chống thối, làm giòn dai sản phẩm. Ví dụ như măng chua…
Cần kiểm tra kỹ rau quả trước khi mua, vì mẫu mã bên ngoài rau quả có thể rất tươi ngon, nhưng bên trong đã bị hư hỏng do trước đó đã được xử lý bằng chất bảo quản.
Khi sản phẩm rau quả lạm dụng chất KTST không còn chỗ đứng trên thị trường, người tiêu dùng đã góp phần đẩy lùi, ngăn chặn việc lạm dụng chất KTST, chất bảo quản trên cây trồng và sản phẩm cây trồng.
Cách nhận biết 8 loại rau củ dùng nhiều chất kích thích tăng trưởng, hạn chế chọn nhầm loại chứa nhiều KTST
Có 8 loại rau, củ thường được mua nhiều nhất, và cũng là những loại hay sử dụng chất kích thích, chất bảo quản rất nhiều. Để nhận biết và chọn được loại rau ngon cần phải quan sát, chú ý thật kĩ.
1. Rau muống
Đây là loại rau dễ bị nhiễm hóa chất nhất. Khi chọn rau muống, không nên chọn rau vươn quá dài, cọng quá to, bẻ thấy giòn, lá xanh sẫm, thay vào đó chọn rau ngọn nhỏ, lá dẻo, khi ngắt có nhựa loang giữa 2 phần thân.
Với rau muống ngấm hóa chất, nước luộc rau sau khi để nguội sẽ chuyển màu xanh đen, có mùi hắc. Rau ăn có vị chát.
2. Mướp đắng
Những quả màu xanh đậm, mướt mát, thân phình to, da láng bóng là những quả hái từ cây bón nhiều đạm, chất kích thích sinh trưởng nên chất lượng sẽ kém và thường bị nhiễm độc khi ăn.
Nên chọn những quả có kích thước vừa phải, mặt vỏ có nhiều gân nhỏ li ti sẽ an toàn và chất lượng.
3. Rau ngót
Rau ngót sạch và ngon có màu xanh lá mạ. Trong khi đó, những cành lá rau ngót có màu xanh sẫm thường được phun nhiều thuốc bảo vệ thực vật.
Nên chọn rau ngót có lá mỏng nhưng cứng, lá rau không đều nhau và có một vài lá bị sâu đục. Tuyệt đối không nên mua lá rau ngót dày mềm hoặc lá xoăn lại, bất thường. Đặc biệt, lá quá non và đều nhau, không có lá nào bị sâu có thể là rau ngót phun thuốc bảo vệ thực vật
4. Cà chua
Những quả cà chua sạch thường không có màu đồng đều mà thường chỗ vàng chỗ đỏ do được để chín tự nhiên, những chỗ ít ánh mặt trời hơn sẽ chín chậm. Trong đống cà chua, cũng có những quả xanh hơn quả khác. Do không qua quá trình dấm nên phần cuống cà chua sạch thường vẫn cứng.
5. Rau cải
Rau cải là món ăn ưa thích của nhiều loại sâu nên nếu rau non mướt mắt, thân mập đều tăm tắp, không dấu vết sâu bệnh thì không nên mua.
Tương tự, nếu được bón nhiều đạm, rau cải luộc lên nước sẽ có màu xanh đen.
6. Rau giá
Giá đỗ ngâm chất kích thích tăng trưởng trông béo, mập, vô cùng hấp dẫn nhưng giòn, dễ bị đứt đoạn.
Trong khi đó, giá đỗ sạch không hóa chất thường “gầy” hơn, thân giá khó gẫy hơn và nhìn không bắt mắt.
Giá ngâm thuốc kích thích sẽ có màu trắng muốt, đẹp mắt còn loại giá thông thường có màu trắng nhạt hoặc màu sữa.
7. Khoai tây
Khoai tây Trung Quốc có hình bầu dục hơi dài, kích cỡ đều nhau. Vỏ dày, trơn bóng ít bị trầy xước, mắt củ to, giống khoai ruột trắng ăn nhạt, sượng.
Khoai tây Việt Nam: Kích thước củ vừa phải, hình bầu dục tròn, không đồng đều. Vỏ mỏng, dễ trầy xước, mắt của củ cạn, mắt khoai nhỏ, ruột vàng, ăn bở.
8. Cà rốt
Những củ cà rốt bóng loáng, củ đều, to không có cuống hay đầu thường đen do để lâu, màu đỏ tươi đậm màu thì không nên mua
Nên chọn những củ nhỏ, tươi mới và thường có cuống, có rễ nhỏ li ti trên thân, củ màu hồng nhạt ngả sang vàng.
Lưu ý
– Nên chọn mua rau quả hữu cơ.
– Phân biệt được loại rau quả nào thường nhiều tồn dư thuốc trừ sâu.
– Luôn rửa sạch rau quả trước khi ăn.
– Phơi nắng rau củ.
– Ngâm rau quả trong nước hòa giấm, nước vo gạo hoặc nước muối.
– Chần qua rau củ bằng nước nóng.
– Gọt vỏ trước khi ăn.
Theo các chuyên gia về thực phẩm tại Mỹ, việc sử dụng thuốc kích thích, thuốc trừ sâu quá nhiều sẽ gây ra ngộ độc cấp tính, ung thư, tổn thương hệ thần kinh.. Vì vậy, người tiêu dùng cần thông minh khi chọn thực phẩm để đảm sức khỏe cho gia đình.
Chúc Di (t/h)