Hàng xóm “mượn xác” đi cấp cứu làm “người chết” sống lại
Nếu không có anh Phạm Tấn Lộc (ngụ TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) đến dự đám tang, sờ thử lên ngực thấy cơ thể người sắp tẩm liệm còn nóng, vội vàng ấn mạnh vài cái, gọi người xung quanh lại xem thì có lẽ giờ này ông Nguyễn Văn Đạo (53 tuổi, ngụ xã Kim Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) đã ở dưới suối vàng… Chuyện lạ nhưng có thật vừa xảy ra khiến người chứng kiến vừa vui mừng, vừa sợ hãi.
Ông Nguyễn Văn Đạo (bên phải) tươi cười bên ân nhân cứu mạng Phạm Tấn Lộc. Có thể bạn quan tâm Đột quỵ đúng ngày Tết Sự việc xảy ra vào sáng ngày mùng 4 Tết (22/2/2015). Lúc này, ông Đạo bị đột quỵ tại nhà dì ruột ở TP. Tân An, tỉnh Long An. Ông được người thân đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Long An trong tình trạng hôn mê, nhiều lần ngừng tim. Cuối ngày 22/2, Bệnh viện đa khoa Long An đồng ý để người nhà đưa ông Đạo về lo hậu sự. Các bác sĩ điều trị dặn, khi về nhà rút ống thở, ông Đạo sẽ chết nên gia đình và hàng xóm lập tức dựng rạp, thuê nhạc lễ, mua quan tài chờ sẵn. Sau khi coi “thầy”, gia đình quyết định sẽ tẩm liệm vào 19 giờ 30 ngày 23/2. Trong thời gian chờ tẩm liệm, cả trăm người tụ tập tại nhà ông Đạo để phụ lo hậu sự. Hàng chục người thân quỳ xung quanh tụng kinh. Trưa 23/2, anh Phạm Tấn Lộc (ngụ TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) đến dự đám tang, khi lại nhìn mặt ông Đạo lần cuối đã thử sờ lên ngực và thấy ấm nên anh Lộc yêu cầu đưa đi cấp cứu. Nhiều người có mặt tại đám tang không đồng ý vì sợ khổ người chết lẫn người sống, vì gia đình ông rất khó khăn. Anh Lộc cam kết nếu cấp cứu không sống, anh sẽ chịu toàn bộ chi phí rồi vội vàng gọi xe đưa ông Đạo đi cấp cứu tại Bệnh viện Quân y 120. Lúc này, nhiều người có mặt trong đám tang vừa mừng vừa sợ. Có người “yếu bóng vía” còn ba chân bốn cẳng chạy ra đường rồi vội vàng về nhà. “Từ trước đến nay, ở nơi này chưa bao giờ có chuyện người chờ tẩm liệm, sắp nằm trong áo quan lại được “dựng dậy” đưa đi cấp cứu. Nên khi thấy anh Lộc đòi đưa ông Đạo đi cấp cứu bệnh viện, chúng tôi đã gàn lại và thực sự lo lắng không biết chuyện gì đang xảy ra…”, một người dân đến dự đám tang kể lại. Bất ngờ sống lại Tại Bệnh viện Quân y 120, các bác sĩ chẩn đoán ông Đạo bị hôn mê do đột quỵ não, viêm phổi và cơ thể suy kiệt nặng do 2 ngày không được ăn uống, nên truyền nước, bù dịch, sinh tố, thực hiện các bước điều trị. Ngày hôm sau thì ông Đạo tỉnh và bình phục dần. Đến ngày 5/3, ông Đạo được cho xuất viện. Nhớ lại giây phút thấy người ông Đạo còn ấm, anh Lộc kể: “Gia đình tôi ở xã Kim Sơn nhưng tôi về TP. Mỹ Tho sống đã mười mấy năm. Là chòm xóm với nhau, sáng hôm đó mẹ ruột tôi không đi dự đám tang được nên gọi điện thoại cho tôi về dự thay. Khi đó, tôi gọi những người ở xóm xem khi nào an táng để về cho kịp thì được người nhà thông báo ông Đạo vẫn còn ấm và chờ chết”. Theo anh Lộc, khi hay tin ông Đạo còn ấm, anh đã tức tốc đến nhà để bàn với gia đình đưa ông Đạo đi cấp cứu. Tuy nhiên, mọi người ai cũng ngăn cản vì nói trước sau gì ông Đạo cũng chết. Anh Lộc cho biết: “Nghe mọi người ngăn cản, không còn cách nào khác nên tôi nói: “Giờ cho tôi mượn cái xác này để đưa đi cấp cứu, nếu chết thì tôi đem về trả và chịu mọi chi phí”. Khi đó, mọi người đến dự đám tang mới đồng ý cho tôi gọi xe đưa ông Đạo đi cấp cứu, may là điều kì diệu đã đến…”. Trao đổi với phóng viên, bác sĩ Võ Công Luận – Giám đốc Bệnh viện đa khoa Long An nói: “ông Đạo nhập viện ngày 22/2 trong tình trạng hôn mê, phải thở máy, có lúc ngưng tim. Chúng tôi đã kiểm tra kỹ và thấy khó có khả năng cứu sống. Chiều cùng ngày, gia đình xin về, bệnh viện đồng ý và cho xe cấp cứu đưa về nhà. Trên đường đi, có lúc ông Đạo ngưng tim, phải đưa trở lại bệnh viện cấp cứu. Việc bệnh nhân này khỏe trở lại đúng là trường hợp hy hữu”. Bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết – vợ ông Đạo kể: “Nhà tôi nghèo, may mắn là bà con lối xóm đến dự đám ma, thấy ông không chết nên lấy tiền phúng điếu góp lại cho ông đóng viện phí. Ông Phạm Tấn Lộc có 1,3 triệu đồng cũng tạm ứng cấp cứu, rồi cho luôn”. Về trường hợp của ông Đạo, trung tá, bác sĩ Hồ Văn Bảy chia sẻ: “Nếu ông Đạo được điều trị tích cực ngay từ đầu thì sẽ xuất viện sớm hơn. Thực tế khi ông nhập viện, cơ thể đã suy kiệt trầm trọng. Nếu gia đình chờ tới giờ tẩm liệm, không ai đưa đi cấp cứu, chắc chắn ông sẽ chết vì kiệt sức”. Tuy nhiên, anh Phạm Tấn Lộc cho rằng: “Có điều nghịch lý ở đây, khi xe cứu thương của Bệnh viện đa khoa tỉnh Long An đưa ông Đạo về, dọc đường thấy ngưng tim đã đưa trở lại bệnh viện cấp cứu. Đã thấy không cứu được nên mới cho về thì tại sao thấy ngưng tim lại quay lại?”. Vì vậy theo anh Lộc, cần xem xét trách nhiệm trong việc kiểm tra, theo dõi và chẩn đoán cho ông Đạo lúc ban đầu. Theo Ngô Linh (Chuyện Đời) |
Theo Một Thế Giới