Hàng trăm doanh nghiệp Việt đứng tên hộ người nước ngoài đầu tư ở các vị trí nhạy cảm
Gần đây, hàng trăm doanh nghiệp của người Việt đã bị phát hiện đứng tên hộ người nước ngoài ở những dự án có vị trí “nguy cơ ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh”.
Trong kỳ họp thứ 7 vừa qua, đại biểu Dương Trung Quốc đã chất vấn Phó thủ tướng Phạm Bình Minh về vấn đề nêu trên.
Đại biểu Dương trung Quốc đặt câu hỏi, nhiều cử tri cho biết tại nhiều nơi như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang, Tây Nguyên, TP.HCM… có hiện tượng người nước ngoài thuê người Việt mua đất đai hay bất động sản trái quy định theo pháp luật Việt Nam và thường nằm ở những không gian đắc địa về kinh tế và an ninh.
“Tôi tin rằng đó là sự thật đang diễn ra tiềm ẩn những nguy cơ hậu họa. Vậy, theo Phó thủ tướng, có hiện tượng đó không? Chính phủ có biết không và quy mô đến mức nào”?
Trả lời, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh thừa nhận có hiện tượng hàng trăm doanh nghiệp do người Việt đứng tên hộ người nước ngoài đầu tư, kinh doanh các lĩnh vực bất động sản, du lịch… Không chỉ vậy, các dự án này nằm ở những vị trí có nguy cơ ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh ở Đà Nẵng, Lâm Đồng, Hải Phòng…
Phó Thủ tướng cũng cho biết, người nước ngoài thuê người Việt đầu tư dự án bất động sản dưới nhiều hình thức núp bóng khác nhau, sau đó mua lại để hợp thức hoá.
Thứ nhất là họ thông qua một số cá nhân người Việt để lập DN đầu tư kinh doanh bất động sản dưới hình thức bên nước ngoài góp 49% vốn điều lệ trở xuống, bên Việt Nam góp 51% vốn điều lệ trở lên.
Thứ hai, thông qua cá nhân, tổ chức Việt Nam hoặc dùng các pháp nhân nước khác để đầu tư tại các lô đất, vị trí liên quan đến quốc phòng, an ninh có thời hạn sử dụng đất lâu dài để lách luật đầu tư và Luật đất đai, sau đó mua lại phần góp vốn của phía Việt Nam.
Thứ ba, thông qua việc cho cá nhân người Việt Nam vay tiền để thành lập DN nhưng mọi quyết định đều phải thông qua bên cho vay.
Thứ tư, đầu tư ‘núp bóng’ thông qua việc kết hôn với người Việt, lập DN do vợ hoặc chồng người Việt đứng tên nhưng mọi hoạt động điều hành đều do người nước ngoài đảm nhiệm.
Cuối cùng, người nước ngoài đến Việt Nam với mục đích du lịch, học tập đứng sau người Việt thuê mặt bằng nhà xưởng.
Cần phải có biện pháp ‘phòng hơn chống’
Chính phủ có giải pháp nào kịp thời trên tinh thần “phòng hơn chống” để sớm chấn chỉnh hiện tượng này trước khi trở thành mối hậu họa liên quan đến ngoại giao và an ninh quốc gia”, đại biểu Quốc tiếp tục đặt câu hỏi.
“Đối với các dự án vi phạm, các cơ quan liên quan sẽ xem xét thu hồi giấy phép, tạm dừng hoặc điều chỉnh một số dự án trên cơ sở mức độ vi phạm“, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết.
Ngoài ra các địa phương cũng phải yêu cầu chấn chỉnh ngay từ khâu thẩm định, cấp phép kiểm tra, giám sát các dự án.
Chính phủ cũng sẽ rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến năng lực, điều kiện hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài, khắc phục tình trạng dự án “treo”, nhà đầu tư nước ngoài thâu tóm, chuyển nhượng trái phép.
Bàn về sự việc trên, Luật sư Lê Cao, Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng, đánh giá: Theo quy định của Luật Đất đai 2013, Luật Nhà ở 2014, người nước ngoài không được phép nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại Việt Nam. Tuy nhiên, có một số trường hợp, tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua nhà ở Việt Nam nhưng cũng bị giới hạn là căn hộ chung cư hoặc nhà ở trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở được phép bán cho người nước ngoài.
“Việc người Trung Quốc bỏ tiền ra nhờ người Việt là ông A. mua đất. Sau đó, ông A. này góp vốn vào doanh nghiệp (có người Trung Quốc góp vốn) và quyền sử dụng đất trở thành tài sản của doanh nghiệp này. Sau đó, ông A. chuyển nhượng hết vốn góp cho người Trung Quốc. Đây là một hình thức lách luật mà chúng ta cũng cần lưu ý” – luật sư Cao nói.
Ha My (t/h)