Hàng loạt web xem phim trực tuyến không bản quyền sắp lao đao tại Việt Nam
Sắp tới các trang web phim trực tuyến này sẽ bị cấm nếu không có bản quyền, vì thế khiến chúng gặp khó khăn trong việc hoạt động do không có kinh phí để duy trì.
Từ trước đến nay, vấn đề bản quyền luôn là chủ đề nhạy cảm và gây nhiều tranh cãi ở Việt Nam. Bởi lẽ, rất nhiều trang web đăng tải phim Âu Mỹ, châu Á hay ngay cả phim Việt đều trong tình trạng “lậu” cũng như hoàn toàn không trả phí bản quyền. Họ có thể kiếm tiền từ việc bán quảng cáo cho các nhãn hàng còn người dùng mạng được hưởng lợi là xem phim “chùa” miễn phí.
Tuy nhiên mới đây, một nguồn tin từ Cục phát thanh truyền hình cho biết, hàng loạt các trang web xem phim trực tuyến sắp sửa lao đao do một doanh nghiệp có tiếng trong giới quảng cáo yêu cầu chấm dứt việc hợp tác với hơn 50 đơn vị phát hành phim vi phạm bản quyền.
Việc chặn nguồn quảng cáo có thể đẩy những trang web này đến việc thiếu kinh phí để duy trì hoạt động. Đồng thời, nó cũng giúp cho các đơn vị muốn mua bản quyền phát sóng, trình chiếu phim nước ngoài tại Việt Nam không phải lao đao do lo lắng tác phẩm “lọt mắt xanh” bị làm phụ đề lậu cũng như đăng tải trước khi ký kết xong hợp đồng với đối tác. Vị này cho biết thêm, Cục phát thanh truyền hình và thông tin điện tử sẽ phối hợp với thanh tra Bộ xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ TT&TT để có biện pháp chống vi phạm bản quyền trong thời gian tới.
Sau khi thông tin này bị rò rỉ, nhiều cư dân mạng Việt Nam tỏ ra hoang mang khi nơi xem phim “miễn phí và nhanh” của họ sắp phải đối mặt với việc đóng cửa. Thế nhưng ở thời điểm hiện tại, các trang web này vẫn hoạt động bình thường, quảng cáo bình thường và chưa có bất kỳ động thái nào về việc bị cấm.
Hiện nay, việc vi phạm bản quyền trên Internet ở Việt Nam ngày càng gia tăng khi theo thống kê, có đến hơn 70 nghìn trang web đăng tải phim trực tuyến hoàn toàn không hề có bản quyền. Thêm vào đó, có đến hàng trăm ứng dụng di động duy trì nhờ việc đăng tải những sản phẩm giải trí “chùa”.
Biện pháp chặn nguồn thu tiền từ việc bán quảng cáo để triệt tiêu dần những hoạt động vi phạm bản quyền đã từng được các nước phát triển như Hàn Quốc, Úc, Anh thực hiện. Kết quả thu về khá khả quan và giúp người dùng mạng nhận thức đúng hơn về việc tôn trọng bản quyền tác phẩm. Song song với việc chặn nguồn quảng cáo, Anh còn duy trì lực lượng cảnh sát chống tội phạm sở hữu trí tuệ và nhận được sự hợp tác từ chính phủ, các đơn vị quảng cáo cùng các nhà sở hữu bản quyền.
Phim chiếu rạp Âu Mỹ cũng là đối tượng được săn tìm xem lậu trên mạng nhiều nhất.
Dù dần có khái niệm với việc trả phí bản quyền cùng quyền lợi của các đơn vị mua bản quyền hợp pháp, song, người dùng mạng tại Việt Nam vẫn còn khá thờ ơ với vấn nạn này. Chính vì vậy, các trang web vi phạm bản quyền mới mọc lên như nấm và có được chỗ đứng như hiện tại.
Theo genk