Hàng ‘dính độc’ bị Tây cấm cửa trả về, dân ta ăn “an toàn”
Hàng chục container thực phẩm, nông sản bị nước ngoài trả vì ‘dính độc’, không đáp ứng tiêu chuẩn. Nhưng những mặt hàng này sau khi được trả về tới Việt Nam thì “đủ tiêu chuẩn an toàn” để dân ta ăn vô tư.
Nhiều lô hàng xuất khẩu của Việt Nam gần đây thường xuyên bị cảnh báo hoặc trả về bởi có tiêu chuẩn Việt Nam khác biệt hoàn toàn hoặc thấp hơn tiêu chuẩn các nước. Thế mới có chuyện: Hàng sang xứ người ‘dính độc’, về xứ ta an toàn.
Hàng xuất khẩu bị buộc “hồi hương”
Mới đây, dư luận xã hội đang xôn xao trước thông tin hơn 18.000 chai tương ớt Chin-su của Công ty Masan vừa bị chính quyền thành phố Osaka (Nhật Bản) yêu cầu nhà nhập khẩu thu hồi với lý do có chất phụ gia chưa được cho sử dụng, thiếu thông tin về chất phụ gia từ nhà nhập khẩu…
Thực tế, những năm gần đây, nhiều lô hàng xuất khẩu của Việt Nam, nhất là các mặt hàng nông lâm thủy sản, thường xuyên bị cảnh báo, thậm chí bị trả về bởi không đáp ứng được tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu.
Giữa năm 2016, đại diện Cục Chế biến Thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN-PTNT) đã yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần kiểm tra chất lượng kỹ trước khi xuất khẩu vào Mỹ do hàng loạt lô gạo Việt Nam bị trả về. Ước tính có khoảng 10.000 tấn gạo của 16 công ty bị phía Mỹ trả về trong vòng 4 năm qua. Lý do: Gạo bị tồn dư các chất acetamiprid, chlopyripos, hexaconazoe,… có trong các loại thuốc bảo vệ thực vật để trị các loại bệnh trên cây lúa như đạo ôn, sâu đục thân, rầy nâu,…
Thời điểm ấy, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cũng cho biết, 6 tháng đầu năm 2016, đã có hơn 500 container gạo thơm của Việt Nam bị đối tác trả về do không đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Vào tháng 7/2015, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng cũng thông tin rằng chỉ trong vòng nửa đầu năm 2015, hơn 80 tấn chè tại địa phương xuất khẩu sang Đài Loan bị trả về với lý do nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Đáng chú ý, Lâm Đồng còn tồn hàng ngàn tấn chè không xuất khẩu được do dư lượng thuốc BVTV vượt ngưỡng quy định của Đài Loan.
Không chỉ có gạo và chè bị trả về, tình trạng hàng Việt xuất khẩu bị buộc “hồi hương” còn diễn ra khá phổ biến trong ngành thủy sản.
Cụ thể, năm 2015, cơ quan chức năng phải đưa ra báo động đỏ. Bởi, chỉ từ đầu năm 2014 đến tháng 9/2015 có gần 32.000 tấn thủy sản Việt Nam xuất khẩu đi các nước bị trả. Riêng 9 tháng đầu năm 2015, Việt Nam có đến 582 lô hàng bị 38 nước trả hàng về, trung bình mỗi công ty có năm lô hàng bị trả về.
Đến thời điểm này, số lô hàng thủy sản xuất khẩu bị trả về tuy đã giảm so với năm 2014 và 2015, song các thị trường nhập khẩu vẫn liên tục đưa ra cảnh báo với mặt hàng thủy sản của Việt Nam.
Tại hội thảo “Nâng cao năng lực xuất khẩu và an toàn thực phẩm nông sản Việt Nam: Vai trò của quản lý hóa chất nông nghiệp” diễn ra cuối năm 2018, ông Vương Trường Giang, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) thông tin, chỉ tính riêng thị trường châu Âu, trong năm 2017, có đến 90 trường hợp hàng hóa nông sản, thực phẩm Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này bị cảnh báo hoặc trả về do các vi phạm liên quan đến an toàn thực phẩm. Năm 2018, có 40 trường hợp bị cảnh báo và từ chối nhập khẩu. Việt Nam cũng nằm trong nhóm các nước có số trường hợp bị cảnh báo và trả hàng về từ châu Âu nhiều nhất.
Xứ người “dính độc”, xứ ta an toàn
Câu chuyện hàng Việt bị thu hồi hay trả về do không đáp ứng tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu đang là tình trạng khá phổ biến. Theo các chuyên gia trong ngành, dù đã hội nhập thương mại nhiều năm nay, nhưng có những tiêu chuẩn Việt Nam còn nhiều khác biệt so với tiêu chuẩn của các nước trên thế giới.
Điều này một phần lý giải vì sao một loạt hàng hóa ở xứ người bị coi là “dính độc”, còn ở xứ ta thì vẫn an toàn. Hàng trả về vì không đạt chuẩn lại được tiêu thụ ở trong nước.
Đơn cử như vụ Nhật Bản thu hồi hơn 18.000 chai tương ớt Chin-su vì phát hiện tương ớt có chất axit benzoic – loại chất chưa được sử dụng trong tương ớt ở Nhật. Hàm lượng chất này trong tương ớt Chin-su bị thu hồi ở Nhật lần lượt 0,41g/kg với các chai có hạn dùng 10/6/2019, 0,44g/kg với hạn dùng 17/6/2019 và 0,45g/kg với hạn dùng 6/7/2019.
Song, theo tiêu chuẩn của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex), axit benzoic (chất phụ gia chống nấm mốc) được phép sử dụng làm chất bảo quản trong các sản phẩm thực phẩm nói chung và tương ớt nói riêng với liều lượng tối đa 1g/kg. Hiện tại, 186 quốc gia, trong đó có Nhật Bản, Việt Nam đều đang chiếu theo quy chuẩn này. Vì thế, sản phẩm vẫn đang bán bình thường tại thị trường nội địa.
Trước đó, năm 2016, lý giải về 10.000 tấn gạo bị Mỹ trả về, lãnh đạo Bộ NN-PTNT cho hay, do gạo không đạt chỉ tiêu isoprothiolane theo quy định của Hoa Kỳ. Theo đó, isoprothiolane là một hoạt chất có trong hơn 60 loại thuốc bảo vệ thực vật thuộc danh mục được phép sử dụng ở Việt Nam để phòng trị bệnh đạo ôn trên lúa. Hoạt chất này phía Mỹ chưa đưa ra mức giới hạn cho phép (MRLs) nên gạo nhập khẩu phải “tạm” chấp hành ngưỡng 0 ppm (không được phép có), hễ vi phạm là bị trả về.
Chia sẻ về vấn đề trên, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Hoàng Trung khi ấy thừa nhận, lô hàng bị trả về do chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, nhưng điều này không có nghĩa là gạo xuất khẩu sang Mỹ không bảo đảm an toàn thực phẩm. Bởi ở Mỹ, có một số hoạt chất bảo vệ thực vật chưa được xây dựng quy định về mức tồn dư tối đa cho phép là bao nhiêu nên chỉ cần phát hiện hàng nhập khẩu có tồn dư dù ít hay nhiều là họ trả lại.
Những lô hàng gạo bị Mỹ trả về sẽ được kiểm định lại. Nếu dư lượng chất kháng sinh hay hóa chất khác vượt mức cho phép thì phải tiêu hủy, không vượt ngưỡng thì doanh nghiệp có thể sử dụng vào những mục đích khác nhau, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho hay.
Tương tự, ở câu chuyện 32.000 tấn thủy sản xuất khẩu bị trả về trong năm 2014 và 2015, do phát hiện dư lượng chất kháng sinh vượt mức cho phép, đóng sai quy cách,… ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) khẳng định, tiêu chuẩn ở mỗi nước khác nhau, có thể vi phạm ở nước này nhưng nước khác lại không sao. Do vậy, số hàng trên được cho về tiêu thụ nội địa hoặc xuất khẩu sang các nước khác.
Theo Vietnamnet