Hana, bông hoa nhỏ của mẹ, con sẽ không khóc, sẽ không bỏ cuộc
“Tôi muốn con gái có thể tự lập càng nhiều càng tốt. Tôi chỉ muốn một ngày nào đó, con có thể tự chăm sóc chính mình”.
“Đừng nói xấu người khác, đừng quên mỉm cười; tất cả những lời mẹ dặn, dù có khó thế nào, dù có không thích thế nào, dù có khổ sở thế nào, Hana đừng bỏ cuộc nhé, đừng bỏ cuộc nhé!”
“Hana sẽ không khóc, Hana cố lên!”
Đôi chân nhỏ quá phải kiễng lên, mặc chiếc tạp dề dâu tây, khuôn mặt đáng yêu tươi cười. Yasutake Hana, cô bé nhỏ xíu, 5 tuổi bắt đầu buổi sáng từ lúc 6 giờ sáng, bận rộn rửa mặt, cho chó ăn, chuẩn bị bữa sáng trong bếp, ăn sáng, đánh răng, chơi đàn, đi vệ sinh, đến nhà trẻ. Sau khi về nhà, phải phơi quần áo, xếp quần áo, chà nhà vệ sinh, quét dọn, sắp xếp lại tủ đồ… đôi lúc còn chuẩn bị cơm tối cho bố đi làm về.
Một đứa trẻ mới 5 tuổi vì sao phải làm những việc nhà như vậy?
Câu chuyện bắt đầu từ năm 2001
Mùa hè năm ấy, bố và mẹ Hana vui mừng cùng nắm tay nhau kết hôn tại lễ đường. Lúc ấy, mẹ Hana đang mang trong mình căn bệnh ung thư vú. Sau quá trình điều trị thống khổ, cô đã trị hết ung thư, hơn nữa còn mang thai Hana như một kì tích.
“Sinh mệnh quý giá này, bố mẹ yêu quý đặt tên con là Yasutake Hana”.
Mẹ Hana từng viết trên blog: “Chào đón thiên thần nhỏ bé Hana đến với cuộc đời là niềm hạnh phúc vô hạn đối với bố mẹ. Có thể gặp được con gái yêu, chứng tỏ cuộc sống này thật đáng sống. Điều này còn quan trọng hơn sinh mệnh của chính mình, là bảo bối Hana của mẹ”.
Thế nhưng, hạnh phúc giản dị mà ngắn ngủi. Lúc Hana được 9 tháng, căn bệnh ung thư tái phát. Mẹ Hana lại bắt đầu hành trình trị liệu, càng thêm lo lắng cho tương lai của Hana.
Người phụ nữ xót xa nghĩ, “Điều gì là quan trọng nhất đối với Hana khi vắng mẹ đây?”
Rồi mẹ Hana đã tìm ra câu trả lời, mẹ hiểu dạy con cách tự chăm sóc bản thân mình là điều quan trọng nhất. Khi con biết chăm sóc mình, con có thể sống bất kỳ nơi đâu, với bất kỳ ai. Thế nên, công việc đầu tiên đối với Hana nhỏ bé chính là nấu cơm. Mẹ muốn dạy Hana cách nấu cơm, chỉ cần thân thể khỏe mạnh, tương lai có thế nào, con đều có thể sống được. Chỉ cần Hana có thể tự mình làm, một ngày nào mẹ đi mất, Hana cũng sẽ không sao.
“Hôm nay là sinh nhật Hana 4 tuổi. Có vẻ còn hơi sớm nhưng mẹ sẽ dạy Hana nấu ăn”. Thế nên, quà tặng của Hana là một chiếc tạp dề nhỏ xíu.
Sau đó, năm 2008, mẹ Hana lặng lẽ ra đi khi bước vào tuổi 33, để lại Hana 5 tuổi thơ ngây và người chồng đau khổ.
Lúc này đây, Hana đã bắt đầu trưởng thành
Sau khi vợ chết, anh Singo – bố của Hana, thẫn thờ suốt nhiều ngày. Một buổi sáng, Hana đứng trong nhà bếp với con dao trong tay và bắt đầu làm món súp miso. Cách làm của cô bé y hệt của mẹ và món súp có hương vị thân quen. Không chỉ vậy cách Hana gấp quần áo, cọ bồn tắm và chuẩn bị đến trường đều giống hệt mẹ.
Tâm trạng của anh Singo tốt dần lên với sự động viên tinh thần của con gái. Khi nhìn Hana lớn lên và tiếp tục làm món súp miso, anh tin rằng con có thể cảm thấy sự hiện diện của mẹ trong chính mùi vị của món ăn.
Sau khi vợ mất 2 năm, anh đã biên soạn một cuốn sách bao gồm những bài viết trên blog của chị Chie về cuộc chiến chống lại ung thư cũng như các lời nhắn của chị gửi con gái.
Hana viết trong một lá thư gửi mẹ. “Mẹ rất tốt và vui tính. Con muốn kể với mẹ nhiều điều. Con có thể nấu một bữa cơm hoàn chỉnh rồi. Mẹ có ngạc nhiên không? Con cũng không khóc nữa đâu. Con có thể tự làm mọi thứ rồi”.
Giờ đây, Hana đã 11 tuổi, mọi thứ trở nên dễ dàng hơn, đặc biệt nấu ăn là sở thích của cô bé. Hana chia sẻ: “Lúc nấu ăn, con cảm thấy rất hạnh phúc!”. Hana cũng không quên lời mẹ dặn: “Đừng nói xấu người khác, đừng quên mỉm cười; tất cả những lời mẹ dặn, dù có khó thế nào, dù có không thích thế nào, dù có khổ sở thế nào, Hana đừng bỏ cuộc nhé, đừng bỏ cuộc nhé!”
Nụ cười vẫn luôn tỏa sáng trên mặt Hana. Hana không khóc, không khóc đâu mẹ ơi!
Mai Mai, tổng hợp và biên tập