Hải quân Mỹ… bơi thúng chai
Tuần lễ trao đổi hải quân (NEA) lần 6 (từ 6 – 10.4) giữa Mỹ và VN vừa kết thúc tại Đà Nẵng, để lại nhiều thông điệp và gợi mở trong hợp tác hải quân tại thời điểm rất đặc biệt – kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao hai nước.
Tối 8.4, tại công viên Biển Đông bên bờ biển Đà Nẵng xuất hiện những người bạn ngoại quốc đặc biệt, thu hút chú ý của người dân và du khách khi tiếng nhạc vang lên. Đó là ban nhạc Orient Express của Hạm đội 7 Hải quân Mỹ, đi cùng tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Fitzgerald và tàu tác chiến gần bờ USS Fort Worth đến Đà Nẵng theo chương trình NEA lần 6 với Hải quân VN, diễn ra vào thời điểm đặc biệt khi hai nước đang kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao.
Thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau
Những chàng trai của Hạm đội 7 đánh dấu lần thứ 5 liên tiếp hiện diện ở công viên Biển Đông với đêm diễn nhiệt huyết. Sau 20 ca khúc pop, rock ngẫu hứng, bay bổng, ca ngợi tình yêu tự do, hòa bình, các thành viên của Orient Express dường như cởi bỏ chiếc áo lính, hòa vào điệu nhảy múa với người dân, du khách, trở thành những sứ giả mang thông điệp hòa bình – một sứ mạng đã được phát triển từ các chuyến thăm của tàu hải quân Mỹ thường niên đến Đà Nẵng cách đây 1 thập niên, tiên phong là tàu khu trục USS Curtis Wilbur (DDG54) thăm cảng Đà Nẵng vào 28.7.2004, rồi đến các hoạt động NEA liên tục trong 6 năm qua. NEA năm thứ 6 nhấn mạnh mối quan hệ sâu sắc giữa Mỹ và VN, đặc biệt, đây là lần NEA thứ hai hải quân hai nước tiến hành các hoạt động thực địa trên biển theo đúng tinh thần mỗi năm NEA sẽ nâng cao hơn. Trực tiếp tham gia sự kiện hai chiến hạm Mỹ thăm Đà Nẵng, Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM Rena Bitter phát biểu: “NEA là một phần rất lý thú trong dịp kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao rất quan trọng mà chúng ta có nhiều hoạt động chào mừng. Các hoạt động này càng có ý nghĩa khi từ năm 2013 Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Obama ký Hiệp định đối tác toàn diện giữa hai nước, xác định các lĩnh vực chúng ta đã và sẽ tiếp tục hợp tác”.
Đại tá Lê Bá Hùng, Phó tư lệnh Biên đội tàu khu trục số 7, sĩ quan phụ trách chiến hạm USS Fitzgerald và USS Fort Worth, lần này trở về thăm quê nhà VN cũng hào hứng: “Tôi rất vui được trở lại VN, trong nhiều điểm nổi bật của NEA lần này thì hoạt động ý nghĩa nhất là cơ hội thực hành giao lưu Bộ quy tắc ứng xử cho những cuộc chạm trán ngoài ý muốn trên biển (CUES), giúp hải quân hai nước ngăn chặn được truyền thông sai lệch trên biển và thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau”. CUES được xem là điểm nhấn của NEA lần 6 giữa hải quân hai nước, bên cạnh các hoạt động phi tác chiến như trao đổi kỹ năng quân y, tìm kiếm cứu nạn, an ninh hàng hải, kiểm soát thiệt hại trên tàu, giải cứu tàu ngầm. “Những hoạt động này giúp chúng ta nâng cao năng lực hợp tác cùng nhau, nâng cao khả năng phối hợp để đối phó với tình huống tai ương, thiên tai xảy ra trong khu vực”, đại tá Hùng nhấn mạnh.
“Kỳ quái và chưa từng thấy”
Nhưng có lẽ, trải nghiệm đáng nhớ nhất của nhiều lính hải quân Mỹ tại NEA 6 không phải từ huấn luyện chính quy với Hải quân VN như diễn tập chữa cháy trên tàu, thao tác buồng lái trực thăng MH 60R Seahawk, sử dụng máy bay không người lái MQ-8B Fire Scout…, mà là bơi thúng chai cùng lực lượng cứu hộ biển Đà Nẵng hôm 8.4, cũng tại công viên Biển Đông.
Đáng nhớ còn bởi đây là nội dung nằm ngoài chương trình. Khi gần kết thúc buổi huấn luyện các bài thể lực, kỹ năng ứng cứu, những người bạn Hải quân Mỹ nhất quyết đòi được chèo thúng chai, một phương tiện đi biển mà theo họ là “kỳ quái và chưa từng thấy”. Ông Nguyễn Quốc Vinh, Đội trưởng Đội Cứu hộ biển Đà Nẵng, cho biết với sức vóc của những chàng hải quân Mỹ thì thúng chai chỉ chở được 2 – 3 người/lượt. Do tình huống bất ngờ chỉ có một thúng nhưng những người lính vẫn kiên nhẫn đội nắng đứng chờ, đến lượt thì hào hứng trèo lên thúng, dù loay hoay một hồi vẫn không tự chèo thúng được.
“Sau buổi trao đổi, dù khác biệt khi bạn chủ yếu cứu nạn trên biển bằng trực thăng, xuồng cao tốc, còn mình dùng sức người là chính, nhưng chúng tôi cùng mục đích cứu người nên rất đồng cảm với nhau, nhất là cứu người đối diện với biển cả bao la thì có thể thấy bạn cũng như mình, tinh thần đồng đội, hỗ trợ nhau rất quan trọng”, ông Vinh nhận xét.
Trong khi đó, đại tá Lê Bá Hùng nói: “Các thủy thủ của chúng tôi đã có thời gian hết sức tuyệt vời. Bất kỳ nơi nào chúng tôi đi qua đều thấy nụ cười rạng rỡ trên gương mặt mỗi người. Tôi tin họ có rất nhiều câu chuyện đáng nhớ để kể lại trong cuộc đời họ”.
Sự trở về
“Xin chào quý vị. Xin cám ơn quý vị đã đến đây hôm nay” là câu đại tá Hùng nói bằng tiếng Việt trên tàu USS Fort Worth sáng 6.4 tại Cảng Tiên Sa, sau lễ đón trọng thị. Ông là người gốc Thừa Thiên-Huế, theo gia đình rời đất mẹ năm 1975 khi mới 5 tuổi. Sự trở về của ông không phải ngẫu nhiên rơi vào những thời điểm đặc biệt trong quan hệ ngoại giao Việt – Mỹ, mà là cả một quá trình. Tháng 11.2009, ông là người gốc Việt đầu tiên nhận chức hạm trưởng, chỉ huy tàu khu trục USS Lassen (DDG 82) đến VN, cũng là lần đầu tiên sau 34 năm ông trở lại quê hương. “Đó là một cơ hội, một đặc quyền, và năm đó thật ra là một năm trước khi hải quân hai nước bắt đầu có hoạt động trao đổi chính thức vào 2010”, đại tá Lê Bá Hùng nói. Nếu sự hiện diện của ban nhạc Orient Express ở công viên Biển Đông truyền thông điệp hòa bình, thì vai trò sứ giả, cầu nối của đại tá Lê Bá Hùng trong quan hệ hải quân cũng như ngoại giao hai nước càng thêm quan trọng.
“Bất cứ khi nào Hải quân Mỹ cử tôi đến công tác tại VN, phải nói là tôi thực sự cảm thấy rất cảm kích. Vì VN có một chỗ đứng rất đặc biệt trong trái tim tôi và trong trái tim gia đình tôi, vì tôi được sinh ra tại đây. Mặt khác, là một người Mỹ, tôi cũng tự hào được phục vụ đất nước mình”, đại tá Hùng tâm sự.
Nói về triển vọng đưa hợp tác hải quân hai nước lên tầm cao mới, ông Hùng tin tưởng: “Hai bên tiếp tục có những đối thoại để sắp tới có những hợp tác tốt hơn. Khi hiểu nhau hơn thì tôi tin sẽ có những hợp tác thực sự trên biển”.
Nguyễn Tú |
Theo Thanh Niên