Hai bậc kỳ tài thời cận đại vì sao lại cạo đầu làm tăng?
Tô Mạn Thù và Lý Thúc Đồng đều là những bậc kỳ tài có một không hai trong lĩnh vực văn học nghệ thuật thời kỳ cận đại. Thế nhưng, cả hai cuối cùng lại lánh xa thế tục mà nương nhờ cửa Phật. Duyên cớ vì đâu?
Tô – Lý, hai đại tài tử
Tô Mạn Thù làm thơ mạch lạc, sâu sắc, có danh xưng là “Linh giới thi ông”. Nét vẽ của ông được Liễu Á Tử khen là “Thiên thu tuyệt bút”; ông còn góp phần vào Hồng Lâu Bút Ý trong “Đoạn Hồng Linh Nhạn Ký”, giúp khai mở văn học Trung Quốc cận hiện đại, khơi dòng tiểu thuyết văn học tự thuật; ông và Lâm Thư, Nghiêm Phục còn được tôn sùng là tam đại phiên dịch gia đứng đầu thế kỷ…
Lý Thúc Đồng được các quốc gia phương Tây đề cử là nghệ nhân vẽ tranh sơn dầu đệ nhất của Trung Quốc; ông thành lập “Xuân Liễu Xã”, là đoàn thể kịch nói đầu tiên của Trung Quốc; ông còn sáng tác ra tác phẩm “Lý Lô Ấn Phổ” khiến thế nhân ca ngợi; cùng với Tiêu Hữu Mai, Triệu Nguyên Nhâm, Hoàng Tự được cho là 4 nghệ sĩ lớn, khai sáng âm nhạc cận đại Trung Quốc.
Lý Thúc Đồng khởi đầu với “Tiểu tạp chí âm nhạc”, là tạp chí truyền bá âm nhạc sang Tây phương hàng đầu ở Trung Quốc; ông viết lời ca khúc “Tống biệt” vẫn được truyền xướng cho đến hôm nay.
Hai người bọn họ dù điểm giống hay khác nhau thì đều là những tài tử hào hoa phong nhã, phong lưu phóng khoáng, trên tình trường lại càng thuận lợi hơn, còn gửi gắm cả tình cảm vào ‘thi tửu’ như các đại văn nhân thời xưa. Nhưng mà, hai vị tài tử phong lưu, tài hoa hơn người này lại ở cái tuổi đẹp nhất cuộc đời mà quy y cửa Phật, khiến bao người phải bùi ngùi thổn thức.
Tô Mạn Thù và Lý Thúc Đồng quen nhau năm 1907 ở Thượng Hải, hai người đều là thành viên Nam Xã. Khi đó Lý Thúc Đồng làm phó chủ biên “Thái Bình Dương báo”, tiểu thuyết “Đoạn hồng linh nhạn ký” của Tô Mạn Thù được đăng trên báo đó. Bài này nói về lòng yêu nước, tiểu thuyết tự thuật tả về lòng hận thù của con người thật thâm sâu đã làm cảm động Lý Thúc Đồng. Xem tác giả thì mới biết được Tô Mạn Thù còn nhỏ hơn mình bốn tuổi, và càng bội phục nhà thơ yêu nước này hơn khi biết anh ta đã xuất gia rồi.
Tháng 6/1918, mười bảy ngày sau ngày mất của Tô Mạn Thù, Lý Thúc Đồng đã nói “Trần duyên đã hết”, tại Hàng Châu đã dứt khoát tự cạo đầu làm tăng. Sau nhờ tài hoa kiệt xuất của ông mà khiến cho Nam Sơn Luật Tông đã thất truyền nhiều năm hưng khởi trở lại, được tôn là vị tổ đời thứ mười một, hiệu là Hoằng Nhất Đại Sư.
Hai vị tài tử phong lưu có một không hai này vì đâu lại xuất gia?
Tô Mạn Thù và Lý Thúc Đồng sinh vào thời chuyển giao giữa cái cũ và cái mới, đặc biệt vào giai đoạn lịch sử xã hội xuất hiện phong trào phục hưng tôn giáo, cả hai lánh xa thế tục mà nương nhờ cửa Phật cũng là do ảnh hưởng tâm lý của xã hội thời bấy giờ.
Tiếp theo, hai người bọn họ đều có cảnh đời bất hạnh. Cha của Tô Mạn Thù là người buôn bán trà, có một vợ ba thiếp, mà Tô Mạn Thù lại là con do một người hầu Nhật Bản sinh ra. Lý Tiêu, cha của Lý Thúc Đồng là chuyên gia ngân hàng hàng đầu Thiên Tân, Lý Thúc Đồng là do người vợ bé thứ năm sinh hạ, khiến ông lúc nào cũng cảm thấy đời người thật khổ, thân tứ đại không phải là mình.
Khát vọng muốn được ‘giải thoát’ chính là nguyên nhân chủ yếu khiến hai người xuất gia. Tô Mạn Thù và Lý Thúc Đồng trước kia đều tham gia Đồng Minh Hội, đối với cách mạng dân chủ rất nhiệt huyết cũng chỉ vì chí hướng tại muôn phương, Tô Mạn Thù cũng do đó mà bị truy nã.
Song khi bọn họ chứng kiến cách mạng Tân Hợi kết thúc đầy u ám và những người bạn thân phản bội họ, bọn họ thực sự đã quá thất vọng rồi. Mắt thấy Trung Quốc cực khổ khôn cùng, những “Vịnh Hoàng Hoa”, “Thán Thế Đạo” không đủ để giải những nỗi uất ức chất chứa trong lòng, vì vậy liền tiêu cực mà lánh đời, bỏ đi vọng tưởng hư ảo mà tìm đến cửa Phật, tu luyện quay trở về một thế giới khác.
Chân Chân (dịch)