Hai anh nông dân kêu oan và đòi bồi thường vì bị truy tố nhận hối lộ
Nhận tiền xăng xe, card điện thoại khi giúp bà con làm hồ sơ vay vốn ngân hàng, hai nông dân ở Bình Thuận bị tuyên 7-8 năm tù vì tội nhận hối lộ.
Ngày 22/8, đại tá Nguyễn Văn Nhiều – Trưởng phòng tham mưu Công an tỉnh Bình Thuận cho biết, công an tỉnh đã lập đoàn kiểm tra để rà soát hồ sơ hai nông dân ở thôn Lò To, xã Hàm Cần, huyện Hàm Thuận Nam bị khởi tố tội Nhận hối lộ hơn 1 năm về trước nay được đình chỉ điều tra bị can.
“Nếu kiểm tra xác định hai người này bị khởi tố không đúng thì chắc chắn cơ quan điều tra sẽ có những quy trình xin lỗi và bồi thường oan sai theo quy định chứ không hề né tránh”, đại tá Nhiều khẳng định.
Tháng 4/2011, ông Nguyễn Thành Nam (45 tuổi, Trưởng thôn Lò To, xã Hàm Cần) cùng ông Nguyễn Thanh Tuấn (33 tuổi, Công an thôn) được Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Hàm Thuận Nam hợp đồng làm trưởng và phó tổ tiết kiệm vay vốn do Hội Nông dân xã Hàm Cần quản lý. Trong quá trình hoạt động, cơ quan này nhận được đơn tố cáo của người dân về việc phải đưa tiền cho hai cán bộ thôn này mới được vay vốn.
Sau nhiều lần bị mời lên làm việc, tháng 3/2015, ông Nam và ông Tuấn bị Công an huyện Hàm Thuận Nam bắt giữ về hành vi Nhận hối lộ. Hai tháng sau, gia đình hai người nộp 20 triệu đồng tiền khắc phục hậu quả, có đơn xin tại ngoại và được VKS chấp thuận.
Kết luận điều tra nêu rõ, lợi dụng người dân muốn vay vốn nhanh, ông Tuấn đã đòi và nhận của 12 người 12,8 triệu đồng. Do làm tổ trưởng nên ông Nam đã “gợi ý” 5 người đưa tiền cho ông Tuấn trong cuộc họp. Đồng thời, ông Nam cũng nhận từ ông Tuấn hơn một triệu đồng nên cũng bị cáo buộc đồng phạm.
Tại phiên tòa sơ thẩm tháng 8/2015, ông Tuấn cho rằng số tiền trên là “thù lao” mà người dân tự nguyện bồi dưỡng khi ông bỏ công sức và thời gian đi làm hồ sơ thủ tục giúp, chứ không hề ép buộc hay “gợi ý” như VKS cáo buộc nhưng tòa không chấp nhận.
Chủ tọa nhận định các bị cáo đã cố ý vi phạm, làm ảnh hưởng đến hoạt động đúng đắn của Ngân hàng Chính sách và chủ trương chính sách của Nhà nước trong việc tạo điều kiện, hỗ trợ xóa đói giảm nghèo. Số tiền nhận hối lộ trong mỗi trường hợp chiếm tỷ lệ khá cao so với khoản vay (2 đến 8%). Với các tình tiết tăng nặng như: “phạm tội nhiều lần”, “đòi hối lộ và tiền hối lộ trên mười triệu đồng”, HĐXX tuyên phạt ông Tuấn 8 năm và ông Nam 7 năm tù giam.
Sau hơn 8 tháng điều tra, ngày 9/8, Công an huyện Hàm Thuận Nam đã ra quyết định đình chỉ bị can với hai nông dân trên theo khoản 1 điều 25 Bộ luật Hình sự (do chuyển biến tình hình). “Bị can khai báo thành khẩn, tích cực khắc phục hậu quả do mình làm sai, trật tự hoạt động vay vốn trong khu vực đã được ổn định, sai phạm của bị can không còn gây nguy hiểm cho xã hội”, quyết định nêu.
Ông Tuấn cho biết, để làm hồ sơ vay vốn, người dân chỉ việc ký đơn còn mọi việc thủ tục ở xã, huyện, bổ sung giấy tờ đều được ông làm giúp. Để giúp người dân, ông cũng phải bỏ việc đồng áng để đi xe máy lên trung tâm xã chừng 20 km, ở ngân hàng chính sách huyện chừng 50 km.
“Chúng tôi chỉ hướng dẫn, nhận đơn, bình xét, lập danh sách… chứ đâu có quyền hạn cho vay hay không. Thấy tôi đi đi về về để làm thủ tục hồ sơ vất vả nên bà con mới chủ động bồi dưỡng, trả thù lao, chứ làm gì có chuyện nhận hối lộ ở đây”, ông Tuấn giãi bày.
Còn ông Nam cho rằng, số tiền hơn 1 triệu đồng mà cáo trạng quy kết ông nhận của ông Tuấn là tiền ông đã bỏ ra mua gà mời các cán bộ ngân hàng cùng nấu ăn buổi trưa để cám ơn. “Điều này bên ngân hàng cũng thừa nhận nhưng không hiểu sao tôi cũng bị truy tố như vậy”, ông Nam nói.
Hai nông dân này cho rằng cơ quan điều tra phải xin lỗi, bồi thường oan sai cho mình. “Chúng tôi vô cớ bị bắt, gia đình cũng từng có điều kiện kinh tế nhưng giờ suy sụp, nợ nần chồng chất, coi như gia đình tôi trắng tay. Giờ đi đâu hai chú cháu cũng mang tiếng từng bị tù tội vì nhận hối lộ bà con nghèo. Chúng tôi sẽ có đơn khiếu nại về vấn đề này lên cấp có thẩm quyền”, ông Nam nói.
Luật sư Trần Văn Đạt (Đoàn luật sư Bình Thuận) cho rằng, “việc đình chỉ điều tra bị can dựa trên “chuyển biến tình hình” là sai bản chất vụ án. Từ diễn biến vụ án có thể thấy rằng cả ông Nam và ông Tuấn có bỏ công sức thời gian để giúp đỡ cho người dân nghèo làm thủ tục vay vốn là có thật. Việc người dân tình nguyện bồi dưỡng cho họ là chấp nhận được và đây là quan hệ dân sự. Trong khi chủ thể của vụ án không có quyền và nghĩa vụ được phép cho vay nên không thể khởi tố về tội Nhận hối lộ“, luật sư Đạt phân tích.
Theo Vnexpress