Hà Nội: Khai mạc Phiên tòa xét xử Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh

08/01/18, 14:04 Việt Nam

8h20 sáng nay (8/1), TAND TP. Hà Nội chính thức mở phiên tòa xét xử vụ án xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC). 

Ông TrịnhXuân Thanh (trái) và Đinh La Thăng (Ảnh: internet)

Sáng nay (8/1), TAND Hà Nội chính thức mở phiên tòa sơ thẩm xét xử ông Đinh La Thăng (58 tuổi, cựu chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam – PVN), và Trịnh Xuân Thanh (52 tuổi, cựu chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xây lắp dầu khí – PVC) cùng 20 người trong vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản xảy ra tại PVN và PVC

Hội đồng xét xử phiên tòa gồm 5 người, chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Nguyễn Ngọc Huân. Kiểm sát viên giữ quyền công tố tại phiên tòa có 3 người; trong đó, có 2 kiểm sát viên cao cấp gồm: phó viện trưởng Viện KSND TP. Hà Nội ông Đào Thịnh Cường, 2 kiểm sát viên cao cấp là ông Nguyễn Mạnh Thường và ông Nguyễn Minh Đồng. Ngoài ra, VKSND TP. Hà Nội còn bố trí 2 kiểm sát viên dự khuyết.

Có 44 luật sư tham gia tại phiên tòa. Trong đó, ông Đinh La Thăng – nguyên Chủ tịch HĐQT PVN có 3 luật sư bào chữa gồm luật sư Phan Trung Hoài, Nguyễn Huy Thiệp và Đào Hữu Đăng. Ông Thăng bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Mức án có thể 20 năm tù.

Ông Trịnh Xuân Thanh – nguyên Chủ tịch HĐQT PVC có 5 luật sư bào chữa (do hai luật sư thuộc Công ty luật Viên An xin rút). Bị cáo Thanh bị truy tố về hai tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “Tham ô tài sản”. Mức án có thể 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

Trong 22 bị cáo có 17 người bị tạm giam, 5 người bị cấm rời nơi cư trú. Ngoài 22 bị cáo, TAND TP. Hà Nội còn triệu tập 7 người có quyền và nghĩa vụ liên qua và 31 người làm chứng.

6 trong trong 22 bị cáo bị đưa ra xét xử được tại ngoại trong đó có bị cáo Phùng Đình Thực – nguyên tổng giám đốc PVN, ông Thực cũng đến phiên tòa vào sớm nay.

16 bị cáo còn lại hiện được tạm giam ở 3 nơi khác nhau. Trong đó, 11 bị cáo (có ông Trịnh Xuân Thanh) bị giam tại trại giam B14 Bộ Công an (xã Thanh Liêm, huyện Thanh Trì, Hà Nội). 4 bị cáo bị tạm giam tại trại giam T16 Bộ Công an (huyện Thanh Oai, Hà Nội) gồm hai bị cáo Đinh La Thăng và Nguyễn Xuân Sơn.

Riêng bị cáo Ninh Văn Quỳnh được tạm giam tại trại tạm giam Công an Vĩnh Phúc do liên quan đến một vụ án khác.

Để bảo vệ phiên tòa, từ nửa đêm, cảnh sát giao thông, hình sự và cơ động đã phong tỏa phố Hai Bà Trưng (quận Hoàn Kiếm) với bán kính chừng 500m. Máy soi chiếu an ninh được đặt ở nhiều vị trí trong sân tòa án.

Đây cũng là phiên tòa đầu tiên áp dụng quy định mới của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 – bỏ vành móng ngựa và thay bằng bục khai báo. Phiên xử dự kiến kéo dài đến ngày 21/1.

Tóm tắt vụ việc theo Cáo trạng

Theo cáo trạng công bố sáng nay, cuối năm 2007, Bộ Công Thương phê duyệt Quy hoạch tổng thể Trung tâm Điện lực Thái Bình, gồm Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1 và Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) được giao làm đầu mối đầu tư Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2. Đầu năm 2008, PVN giao cho công ty con là Điện lực Dầu khí (PVPower) thực hiện dự án.

Nhà chức trách cho rằng để tạo điều kiện cho PVC, ngày 22/1/2010, ông Đinh La Thăng (khi đó là Chủ tịch HĐQT PVN) xin Thủ tướng đưa Nhiệt điện Thái Bình 2 vào danh mục các dự án PVN sẽ triển khai cần được chỉ định thầu và được chấp nhận.

Dù chưa có đánh giá về năng lực, kinh nghiệm của PVC, chưa làm thủ tục chọn nhà thầu, nhưng ngày 18/6/2010, ông Đinh La Thăng đã ký Nghị quyết giao PVC thực hiện gói thầu EPC dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 theo hình thức chỉ định thầu.

Do đang mất cân đối về tài chính, các ông Trịnh Xuân Thanh (Chủ tịch Hội đồng quản trị PVC) và Vũ Đức Thuận (Tổng giám đốc) đã chỉ đạo ông Nguyễn Duyên Hải (Phó Tổng giám đốc PVC) ký Công văn gửi ông Đinh La Thăng và Nguyễn Quốc Khánh (Phó tổng giám đốc PVN) báo cáo phương án và kế hoạch triển khai Hợp đồng EPC.

Cáo trạng kết luận việc chọn nhà thầu và ký Hợp đồng EPC số 33 nêu trên là trái Điều 41 Nghị định số 85/2009 hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng theo Luật Xây dựng; điều 16, 17 Nghị định số 12/2009 quy định về Quản lý dự án đầu tư xây dựng; điều 9, 10 Nghị định số 48/2010 quy định về Hợp đồng trong hoạt động xây dựng.

Hợp đồng được lập và ký khi chưa được Hội đồng thành viên của Chủ đầu tư phê duyệt và Ban quản lý dự án Thái Bình 2 báo cáo. PVN vẫn đang đàm phán và chưa đi đến thống nhất tỷ lệ tạm ứng với PVC nhưng theo đề nghị của PVC, PVN đã chuyển hơn 8 triệu USD và hơn 1.300 tỷ đồng cho Ban quản lý dự án Thái Bình 2 để chuyển tạm ứng cho PVC số tiền 6,6 triệu USD và 1.300 tỷ đồng trái với các quy định của Nhà nước.

Được tạm ứng 6,6 triệu USD và 1.300 tỷ đồng theo Hợp đồng EPC số 33, các ông Trịnh Xuân Thanh, Nguyễn Ngọc Quý, Vũ Đức Thuận, Nguyễn Mạnh Tiến đã chỉ đạo Phạm Tiến Đạt sử dụng 1.115 tỷ đồng từ nguồn tiền này để đầu tư vào các công ty, dự án, công trình khác và trả nợ ngân hàng.

Theo cơ quan điều tra, ông Trịnh Xuân Thanh xác nhận PVC đã sử dụng phần lớn số tiền tạm ứng sai mục đích. Dù sau đó, số tiền này được yêu cầu thu hồi lại nhưng phải đến cuối năm 2017, khi vụ án ở giai đoạn điều tra mới thu được 1.087 tỷ đồng. Số tiền hơn 119 tỷ đồng bị xác định là thiệt hại.

Rút tiền dự án để tiêu Tết

Tháng 7/2011, ông Nguyễn Anh Minh (Phó Tổng giám đốc PVC) được phân công phụ trách Ban điều hành dự án Vũng Áng – Quảng Trạch (ở Hà Tĩnh). Các ông Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đức Thuận giao cho Nguyễn Anh Minh chỉ đạo Lương Văn Hòa (Giám đốc Ban điều hành dự án) chuyển tiền để họ sử dụng.

Từ ngày 28/9/2011 đến ngày 23/02/2012, Lương Văn Hòa đã cùng cấp dưới hợp thức hồ sơ quyết toán bốn hạng mục khống. Nhà chức trách cho rằng, Lương Văn Hòa câu kết với Lê Thị Anh Hoa, Nguyễn Thành Quỳnh (Giám đốc và Kế toán trưởng Công ty TNHH MTV Quỳnh Hoa) lập, ký bốn hợp đồng khống thuê công ty này thi công các hạng mục để rút tổng số hơn 13 tỷ đồng từ Ban điều hành.

Trong 13 tỷ đồng này, ông Trịnh Xuân Thanh chiếm hưởng 4 tỷ đồng trong một lần chỉ đạo rút tiền để ông này tiêu Tết. Ông Vũ Đức Thuận chiếm hưởng 800 triệu đồng, Nguyễn Anh Minh chiếm hưởng 3,6 tỷ đồng, Bùi Mạnh Hiển chiếm hưởng 400 triệu đồng, Lương Văn Hòa chiếm hưởng 757 triệu đồng, Lê Thị Anh Hoa và Nguyễn Thành Quỳnh chiếm hưởng gần 2 tỷ đồng. Số tiền 1,5 tỷ đồng còn lại các ông Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận, Nguyễn Anh Minh và Bùi Mạnh Hiển chiếm hưởng sử dụng chung.

Chiều nay, tòa tiếp tục làm việc với việc công bố tiếp cáo trạng và bước vào phần thẩm vấn 22 bị cáo cùng nhân chứng, bị hại và những người có quyền và nghĩa vụ liên quan.

14 bị can bị đề nghị truy tố tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, gồm:

  1. Đinh La Thăng – nguyên Chủ tịch HĐQT PVN.
  2. Ông Trịnh Xuân Thanh, cựu chủ tịch HĐQT PVC.
  3. Vũ Đức Thuận, cựu tổng giám đốc PVC
  4. Nguyễn Mạnh Tiến – Phó Tổng giám đốc PVN.
  5. Phạm Tiến Đạt – nguyên Kế toán trưởng PVC.
  6. Trần Văn Nguyên – Kế toán trưởng ban Quản lý dự án (QLDA) Điện lực dầu khí Thái Bình 2 thuộc PVN.
  7. Lê Đình Mậu – nguyên Phó trưởng Ban QLDA Điện lực dầu khí Thái Bình 2 thuộc PVN.
  8. Nguyễn Ngọc Quý – nguyên Phó Chủ tịch HĐQT PVC.
  9. Vũ Hồng Chương – nguyên Trưởng ban QLDA Điện lực dầu khí Thái Bình 2.
  10. Ninh Văn Quỳnh – nguyên Kế toán trưởng PVN.
  11. Nguyễn Xuân Sơn – nguyên Phó Tổng giám đốc PVN.
  12. Nguyễn Quốc Khánh – nguyên Phó Tổng giám đốc PVN.
  13. Phùng Đình Thực – nguyên Tổng giám đốc PVN.
  14. Trương Quốc Dũng – nguyên Phó Tổng giám đốc PVN.

10 bị can bị đề nghị truy tố tội Tham ô tài sản, gồm:

  1. Ông Trịnh Xuân Thanh, cựu chủ tịch HĐQT PVC
  2. Ông Vũ Đức Thuận, cựu tổng giám đốc PVC
  3. Lương Văn Hòa – nguyên Giám đốc Ban điều hành dự án Vũng Áng – Quảng Trạch.
  4. Nguyễn Lý Hải – nguyên trưởng Phòng Kỹ thuật, Ban điều hành dự án Vũng Áng – Quảng Trạch.
  5. Lê Xuân Khánh – Trưởng Phòng Kinh tế – kế hoạch.
  6. Nguyễn Thành Quỳnh – Giám đốc kỹ thuật công nghệ Tổng công ty CP Miền Trung – Công ty CP Đà Nẵng.
  7. Lê Thị Anh Hoa – Giám đốc Công ty TNHH MTV Quỳnh Hoa.
  8. Bùi Mạnh Hiển – Giám đốc PVC.
  9. Nguyễn Anh Minh – nguyên Phó tổng giám đốc PVC.
  10. Nguyễn Đức Hưng – nguyên trưởng phòng Tài chính, kế toán Ban điều hành dự án Vũng Áng – Quảng Trạch.

Ngân Ca (t/h)

Ad will display in 09 seconds

Vì sao không làm việc gian dâm nhưng vẫn bị Thần trách phạt?

Ad will display in 09 seconds

Sự biến mất 13 hộp sọ kì dị nhất thế giới

Ad will display in 09 seconds

Vì sao nói: Phụ nữ càng dịu dàng như nước, đàn ông sẽ càng thành đạt?

Ad will display in 09 seconds

Người cá đang sống ở đâu?

Ad will display in 09 seconds

Không gian khác có thật sự tồn tại

Ad will display in 09 seconds

Vì nó là bạn cháu!

Ad will display in 09 seconds

Truyền kì tôn giả A Nan nhập niết bàn

Ad will display in 09 seconds

Chuyện cổ Phật gia: Ai tỉnh, ai say?

Ad will display in 09 seconds

3000 phồn hoa trong nháy mắt - Trăm năm mây khói cũng như không

Ad will display in 09 seconds

3 cái hố dẫn xuống địa ngục và câu chuyện báo ứng kinh hoàng

  • Vì sao không làm việc gian dâm nhưng  vẫn bị Thần trách phạt?

    Vì sao không làm việc gian dâm nhưng vẫn bị Thần trách phạt?

  • Sự biến mất 13 hộp sọ kì dị nhất thế giới

    Sự biến mất 13 hộp sọ kì dị nhất thế giới

  • Vì sao nói: Phụ nữ càng dịu dàng như nước, đàn ông sẽ càng thành đạt?

    Vì sao nói: Phụ nữ càng dịu dàng như nước, đàn ông sẽ càng thành đạt?

  • Người cá đang sống ở đâu?

    Người cá đang sống ở đâu?

  • Không gian khác có thật sự tồn tại

    Không gian khác có thật sự tồn tại

  • Vì nó là bạn cháu!

    Vì nó là bạn cháu!

  • Truyền kì tôn giả A Nan nhập niết bàn

    Truyền kì tôn giả A Nan nhập niết bàn

  • Chuyện cổ Phật gia: Ai tỉnh, ai say?

    Chuyện cổ Phật gia: Ai tỉnh, ai say?

  • 3000 phồn hoa trong nháy mắt - Trăm năm mây khói cũng như không

    3000 phồn hoa trong nháy mắt - Trăm năm mây khói cũng như không

  • 3 cái hố dẫn xuống địa ngục và câu chuyện báo ứng kinh hoàng

    3 cái hố dẫn xuống địa ngục và câu chuyện báo ứng kinh hoàng

x