Hà Nội cấm xe máy năm 2025: Có nên bỏ xe máy trong tương lai không?
Nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc nghiêm trọng tại Hà Nội, chính quyền thủ đô đã thông báo kế hoạch cấm xe máy vào năm 2025. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng nó không hợp lý. Vậy có nên loại bỏ xe máy trong tương lai hay không?
Dù có rất nhiều vấn đề gây trở ngại cho dự án tàu điện ngầm ở Hà Nội, chính quyền địa phương vẫn có kế hoạch đại tu hệ thống giao thông của thủ đô. Kế hoạch giao thông mới cập nhật hứa hẹn 18 chiếc cầu mới và 8 tuyến đường sắt trong vòng 14 năm.
Đây là những nỗ lực để giảm bớt tình trạng tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm không khí và để phù hợp với tình trạng dân số đang tăng nhanh, dự kiến đạt 9,2 triệu vào năm 2030. Trong khi đó, mối đe dọa về một Hà Nội biến thành một thành phố giao thông hỗn độn như Jakarta hay Manila đang dần hiện ra.
Ngoài ô tô và xe máy, các phương tiện giao thông phủ biến ở Việt Nam, người Hà Nội có quyền sử dụng 92 tuyến xe buýt – trong đó 72 tuyến là được trợ cấp. Hệ thống xe buýt kết nối tốt, nhưng nó không chính xác là một cú huých với những người tham gia giao thông.
Theo thống kê, năm 2015 có 498 triệu lượt hành khách đi xe buýt, chỉ chiếm 15% tổng nhu cầu di chuyển. Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành Giao thông Công cộng ở Hà Nội – Nguyễn Hoàng Hải cho hay, hành khách đi xe trong 6 tháng đầu năm 2016 đã giảm 5-6% so với năm 2015.
Trong một cuộc phỏng vấn với VnExpress, ông Hải phát biểu, hành khách đi xe phải đối mặt với chất lượng dịch vụ kém, giá xăng dầu giảm và sự gia tăng sở hữu phương tiện cá nhân – trong đó bao gồm việc sử dụng các ứng dụng đi nhờ hấp dẫn như Uber và Grab. Ông nói rằng trung bình, 19.000 phương tiện cá nhân mới được đăng ký mỗi tháng.
Số hành khách đi xe buýt đang rơi rụng như hoa tàn ở Hà Nội và TP.HCM
Bên cạnh đánh giá tăng trưởng ô tô, Tiến sĩ Phạm Quang Dũng tại Đại học Bách Khoa Hà Nội, đang phát triển các giải pháp tối ưu hóa giao thông cho thành phố, cho rằng số người đi xe buýt giảm xuống do hệ thống xe buýt không đáng tin cậy.
“Đối với phương tiện vận chuyển, người dân ở đây chỉ nhìn theo khía cạnh ngắn hạn và liệu nó cung cấp lợi ích cho họ một cách nhanh chóng hay không“, ông Dũng nói về sự tiện lợi của xe máy so với xe buýt. Đúng giờ cũng là một vấn đề.
“Hiện tại, rất ít người đi xe buýt vì nó thường xuyên trễ. Thật khó để dự đoán chính xác thời gian xe sẽ đến. Một hệ thống giao thông công cộng tốt nên vận chuyển đúng giờ và giảm chi phí“, ông nói.
Tại miền Nam cũng xảy ra tình trạng tương tự. TP.HCM, thành phố lớn hơn thủ đô một chút với 8,2 triệu người, cũng đang chờ đợi tuyến metro đầu tiên. Trong khi thành phố có một hệ thống xe buýt “phát triển đỉnh cao” được rất ít người sử dụng.
“Tại TP.HCM, chúng tôi đã giới thiệu một hệ thống xe buýt đáp ứng tiêu chuẩn Nhật Bản. Đúng giờ, hiện đại, máy lạnh với WiFi, tài xế rất lịch sự và chuyên nghiệp. Nhưng rất ít người sử dụng nó“, Tiến sĩ Vũ Anh Tuấn, một chuyên gia về quy hoạch vận tải phân tích hành vi người tham gia giao thông đường bộ ở Hà Nội cho biết.
Theo báo Thanh Niên, thành phố mất 12% lượt vận chuyển trong năm 2015 và hành khách đi xe đã giảm 5,6% trong 3 tháng đầu năm 2016. Nếu một hệ thống xe buýt đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về độ tin cậy và thoải mái nhưng không thu hút người sử dụng – chúng ta cần làm gì để cải thiện?
“Mọi người thích đi xe máy và không sẵn sàng chuyển từ xe máy sang xe buýt. Người ta đều nghĩ rằng một khi chúng tôi cải thiện chất lượng xe buýt và một khi chúng tôi giới thiệu tuyến tàu điện ngầm, người dân sẽ tự động chuyển từ xe máy sang phương tiện công cộng. Nhưng nó không đúng“, ông Tuấn nói.
Trong nỗ lực bức ép người Việt từ bỏ thói quen chạy xe máy, chính quyền Hà Nội thông báo kế hoạch loại bỏ xe máy khỏi các tuyến đường vào năm 2025. Chuyên gia quy hoạch vận tải này cho hay, kế hoạch trên không thực tế, dựa trên sự thiếu lựa chọn phương tiện giao thông thay thế sẵn có.
“Trong năm 2003 hoặc 2004, chính quyền Hà Nội đã cố gắng cấm xe máy nhưng không thành công bởi vì chúng tôi không thể cung cấp đủ dịch vụ giao thông cho người dân. Bây giờ chủ tịch mới muốn cấm xe máy vào năm 2025, nó chỉ là một mong muốn chính trị và không hợp lý chút nào với mức độ cơ sở hạ tầng và chất lượng dịch vụ có sẵn như hiện giờ“, ông cho biết.
Mặc dù kế hoạch giao thông hứa hẹn 8 tuyến đường sắt mới vào năm 2030, ông Tuấn cho rằng 2 hoặc 3 tuyến vào năm 2025 thì thực tế hơn. Các chuyến tàu và hệ thống xe buýt hiện có sẽ không đủ để loại bỏ việc sử dụng xe máy hoàn toàn.
“Hệ thống có thể phục vụ 16-18% nhu cầu đi lại. Còn phần còn lại? Nếu chúng ta dựa vào ô tô, sẽ là một thảm họa và tất cả những con đường sẽ giống như bãi đậu xe. Ở khu vực như Việt Nam, nơi có mật độ dân số cao và cơ sở hạ tầng còn hạn chế, chúng ta cần phải xem xét vai trò tương lai của xe máy“, ông Tuấn nhận định.
Thay vì ra lệnh cấm xe máy, vị Tiến sĩ này cho rằng xe 2 bánh có thể tồn tại hài hòa trong giao thông ở Hà Nội trong tương lai – có thể cùng thực hiện với việc giảm ô tô lưu thông và gia tăng giáo dục về luật lệ giao thông và lái xe an toàn.
“Tôi tin vào năm 2030, hơn 50% người dân sẽ vẫn sử dụng xe máy, vì vậy chúng ta cần phải giáo dục con người cải thiện hành vi lái xe của họ để an toàn hơn. Chúng ta cũng cần thúc đẩy xe đạp điện để có môi trường xanh thân thiện hơn”.
Phải thay đổi nếp suy nghĩ về giao thông công cộng cho người nghèo
Matias Lorbacher, người điều hành một dự án 3 năm, tập trung vào việc theo dõi thời gian thực trong giao thông đô thị ở Hà Nội, nhận định quá trình tái giáo dục sẽ là một trận chiến khó khăn. Điều này là do cách nhận thức về giao thông công cộng hiện nay của người dân địa phương.
“Đó là một yếu tố xã hội, do sự nhận thức về phương tiện công cộng là dành cho người nghèo. Và ô tô là biểu tượng cho địa vị thành đạt trong cuộc sống“, ông Lorbacher nói.
“Mọi người di chuyển khắp thành phố theo kiểu rất cá nhân, với xe máy của họ và cả trong cách lái xe. Nếu có đèn giao thông, nó không quan trọng, họ chỉ cần đi thôi. Mọi người cũng cần phải tìm hiểu làm thế nào để sử dụng hệ thống giao thông công cộng nhưng để thay đổi hành vi sẽ khó khăn bởi vì mọi người đang quen di chuyển cá nhân”.
Thay đổi suy nghĩ của hàng triệu người về phương tiện giao thông có thể là một thách thức không thể vượt qua. Thay vào đó, cách tiếp cận đúng có thể là xem xét lại việc để xe máy phù hợp với quy hoạch giao thông trong tương lai và cách người sử dụng cần được giáo dục để lái xe an toàn. Và về cả hai phía, chính phủ và người dân, có thể sẽ có thêm kinh nghiệm vượt dốc trong đường cong học tập.
Tân Dân, theo Forbes