GS Đặng Hùng Võ: Áp thuế cao để hạn chế dân di cư vào Hà Nội, TP.HCM
Trước việc người dân di cư đổ về khiến dân số cơ học tại hai thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM tăng ngày một cao, Gs Đặng Hùng Võ cho rằng để giải quyết tình hình trên thì tăng thuế là biện pháp duy nhất mang lại hiệu quả.
Ngày 22/11, UBND TP.HCM tổ chức hội thảo “Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất hiệu quả trên địa bàn TP.HCM” với sự tham dự của lãnh đạo Tổng cục Quản lý đất đai, UBND TP và nhiều chuyên gia trong lĩnh vực đất đai.
Tăng thuế là biện pháp duy nhất hạn chế được dân di cư
Tại hội thảo, GS Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ TN-MT cho biết, hiện TP.HCM và Hà Nội đang muốn điều chỉnh dòng người di cư vào thành phố nhưng việc áp dụng quy định pháp luật hay quyết định hành chính đều không cho hiệu quả.
Theo đó, GS Võ đã đề xuất phương án áp dụng rào cản kỹ thuật, tức áp mức thuế cao để chỉ những người có thu nhập cao mới trụ được tại hai thành phố này. Bởi theo ông Võ, cách làm hiện tại đang khiến người dân ở địa phương đổ về Hà Nội và TP.HCM theo kiểu “bám vỉa hè đô thị để sống, mà không phải đóng đồng thuế nào”.
“Dùng thuế là bộ lọc, là rào cản kỹ thuật duy nhất để giải quyết vấn đề di cư. Chứ cứ như thế này chả mấy chốc dân số Hà Nội, TP.HCM tăng lên 40 – 50 triệu người mà không cách gì cản được”, GS Đặng Hùng Võ khẳng định.
Không đồng tình với đề xuất trên, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, hệ thống thuế của quốc gia là quy định chung, thống nhất chứ không phải quy định riêng, chia theo tính vùng miền.
Tăng thuế để hạn chế được dân di cư sẽ ‘tạo tiền lệ xấu’
Nếu có mức thuế khác nhau sẽ tạo ra tiền lệ xấu, mỗi địa phương lại xin với Trung ương cho được đánh thuế thêm giữa đô thị, thành phố thuộc tỉnh với các vùng khác để quản lý dân cư.
Cùng quan điểm với bà Lan, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM Lê Hoàng Châu cho rằng, TP.HCM về mặt xã hội luôn là thành phố của người nhập cư. Điều này tạo nên bản sắc dân cư và tính mở cho thành phố.
Người nhập cư cũng là lao động giải quyết rất nhiều vấn đề của các thành phố, từ chân tay đến lao động trí óc. Không những vậy quyền tự do cư trú của công dân còn là quyền hiến định nên đề xuất trên là hoàn toàn không phù hợp.
Phân tích về đề xuất gây tranh cãi của mình, nguyên Thứ trưởng Đặng Hùng Võ cho biết ‘thuế’ được ông nhắc đến là thuế bất động sản. Theo ông, đây là hình thức để quản lý và phát triển đô thị tốt hơn.
Tăng thuế ở đây là ‘cải cách thuế bất động sản’
Tại Việt Nam, thu thuế bất động sản hiện nay chỉ với thuế suất cơ bản 0,03% giá đất của Nhà nước, tức là chỉ khoảng 0,01% giá đất thị trường. Tổng thu từ thuế sử dụng đất chiếm khoảng 3% tổng thu ngân sách từ đất, tức là chỉ chiếm 0,6% tổng thu ngân sách địa phương.
Bên cạnh đó, loại thuế này cũng đóng nhiều vai trò điều tiết khác cho đô thị như ngăn ngừa đầu cơ, tích trữ đất, tránh sốt đất, tạo cơ hội dễ dàng hơn cho người có thu nhập trung bình hoặc thấp tiếp cận nhà ở…
Theo đó, vấn đề tăng thuế ở đây cụ thể là cải cách thuế bất động sản. Và việc cải cách này không chỉ nhằm mục tiêu tăng thuế mà xem xét điều chỉnh để công cụ thuế đạt được hiệu quả cao.
Theo số liệu mới nhất được công bố tại hội nghị trực tuyến toàn quốc công bố kết quả sơ bộ Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 hôm 11/7, tính đến thời điểm ngày 1/4/2019, dân số Việt Nam là hơn 96,2 triệu người. Trong số này, dân số ở thành thị gần 33,1 triệu người; ở nông thôn là 63,1 triệu người.
Số liệu này cũng công bố dân số Hà Nội là 8,05 triệu dân; TP.HCM có 8,99 triệu dân. Mật độ dân số năm 2019 ở TP.HCM là 4.363 người/km2, còn Hà Nội là 2.398 người/km2. Hiện, TP.HCM và Hà Nội đang là địa phương có dân số đông nhất cả nước cũng tạo ra những áp lực nhất định về mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội.
Vũ Tuấn (t/h)