Google bị cáo buộc dùng ‘chiến thuật lừa dối’ theo dõi người tiêu dùng
Một số nhóm đại diện người tiêu dùng ở châu Âu cáo buộc người khổng lồ công nghệ cố tình thao túng người dùng để họ chấp nhận bị theo dõi và sử dụng dữ liệu.
Theo AFP, 7 nhóm đại diện quyền lợi người tiêu dùng ở châu Âu đã cùng gửi đơn khiếu nại lên chính phủ các nước vào ngày 27/11 để tố cáo Google bí mật theo dõi các hoạt động di chuyển của người dùng, vi phạm các quy định của EU về bảo vệ dữ liệu.
Những khiếu nại này trích dẫn một nghiên cứu của Hội đồng Người tiêu dùng Na Uy, trong đó kết luận gã khổng lồ công nghệ đã sử dụng “thiết kế mang tính chất đánh lừa và những thông tin gây hiểu lầm, khiến người dùng vô tình chấp nhận việc bị theo dõi liên tục”.
Ông Gro Mette Moen, người đại diện tổ chức này cho rằng: “Google sử dụng những dữ liệu cá nhân cực kỳ chi tiết và toàn diện mà không có cơ sở pháp lý, dữ liệu cũng được thu thập bằng các phương pháp mang tính chất thao túng quyết định người dùng”.
Khiếu nại được đưa ra ở CH Czech, Hy Lạp, Hà Lan, Na Uy, Ba Lan, Slovenia và Thụy Điển vừa dựa trên vi phạm của Google với Quy định Bảo vệ Dữ liệu chung (GDPR) của EU vừa có hiệu lực hồi tháng 5/2018.
Google bị cáo buộc theo dõi di chuyển của người dùng bằng ứng dụng lịch sử địa điểm và hoạt động web & ứng dụng, hai thứ này được tích hợp trong mọi tài khoản Google của người dùng.
Hội đồng Người tiêu dùng Na Uy nhấn mạnh: “Đối với những người sử dụng điện thoại dùng hệ điều hành Android như Samsung hay Huawei thì việc bị theo dõi là khó có thể tránh khỏi”.
Theo số liệu từ trang Statcounter, khoảng 70% số điện thoại thông minh ở thị trường châu Âu sử dụng hệ điều hành Android.
Nghiên cứu này có đoạn viết: “Dữ liệu địa điểm có thể cho biết rất nhiều thông tin về một cá nhân: di chuyển trong thời gian thực, những nơi thường lui tới, thói quen hàng ngày hay sở thích… Việc theo dõi liên tục và tổng hợp lại dữ liệu địa điểm trong thời gian dài có thể được sử dụng để xây dựng hồ sơ chi tiết của mỗi cá nhân, từ đó suy ra niềm tin tôn giáo, khuynh hướng chính trị và xu hướng tình dục, bên cạnh rất nhiều thông tin khác”.
Bà Monique Goyens, Tổng thư ký Hiệp hội Người tiêu dùng châu Âu, nhận định: “Google luôn nổi tiếng với việc ngấu nghiến dữ liệu người dùng nhưng quy mô của việc lừa dối khách hành, tận thu thông tin để đem bán là rất khủng khiếp. Tình hình hiện tại rất đáng báo động. Điện thoại thông minh đang được sử dụng để theo dõi nhất cử nhất động của chúng ta”.
Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng Hà Lan nhấn mạnh: “Hoạt động theo dõi này cần phải dừng lại”.
Trả lời vụ việc này, Google cho biết: “Lịch sử địa điểm luôn được tắt một cách mặc định, và bạn có thể thay đổi, xóa hoặc dừng ứng dụng này bất cứ lúc nào, nếu nó được bật lên, nó sẽ cải thiện các dịch vụ khác ví dụ như dự đoán giao thông trên tuyến đường của bạn”.
“Nếu bạn tạm dừng nó, chúng tôi phải nói rõ là, dựa trên loại điện thoại và cài đặt ứng dụng của bạn, chúng tôi có thể vẫn thu thập và sử dụng dự liệu địa điểm để nâng cao trải nghiệm Google của bạn”.
Theo News.Zing.vn