Góc khuất ít ai biết về nghề đao phủ: Chỉ được hành quyết đến người thứ 99
Trong các bộ phim cổ trang Trung Quốc, chúng ta thường thấy có cảnh phạm nhân bị đưa vào chiếc xe cũi bằng gỗ rồi đưa đến pháp trường. Tại nơi hành quyết sẽ có một vị quan lớn đọc ra những tội trạng của phạm nhân rồi bắt đầu hành hình, người đao phủ sẽ là người trực tiếp tước đi mạng sống của phạm nhân. Nhưng đã có ai tò mò rằng, nghề làm đao phủ như trên còn có những góc khuất nào sau những buổi thi hành án được đông đúc người dân chứng kiến.
Đao phủ chính là nghề hành hình tội phạm bị tuyên án tử trong thời kỳ cổ đại, chủ yếu họ sử dụng một chiếc đao hoặc kiếm lớn để xử tử phạm nhân. Công việc hành hình thường luôn công khai trước dân chúng như để chứng tỏ sự minh bạch, đồng thời răn đe người ta không phạm tội, những buổi hành hình luôn thu hút rất nhiều người dân đến xem.
Sau những buổi hành hình, người làm đao phủ nhận được thù lao rất cao, thu nhập một lần của họ tương đương với cả một gia đình bình thường làm việc quần quật nửa năm ròng.
Khi xem phim, chúng ta thường thấy những người đóng vai đao phủ luôn có thân hình to lớn, vạm vỡ, khuôn mặt dữ tợn hay có bộ râu rậm rạp, tất cả chỉ để tăng thêm phần chân thật giống với những đao phủ thời xưa.
Ngoài đời thật, làm đao phủ là công việc đòi hỏi sự chính xác cao và dứt khoát, nhát chém chỉ làm đúng một lần mà phải chuẩn xác tuyệt đối, một đao đi xuống là đầu lìa khỏi cổ để phạm nhân không cảm giác được sự đau đớn mà cứ thế ra đi.
Để đạt được đến trình độ này, người làm đao phủ phải luyện tập trong một thời gian dài mới có thể hành nghề. Họ thường tập chém vào bí đao để luyện tập, trước khi chém còn đánh dấu một vị trí trên quả để khi thực hành xong thì kiểm tra xem vết cắt có đúng với chỗ đánh dấu không. Cách này vừa để rèn lực tay, vừa để xem độ chính xác khi chém. Khi đã thành thạo mọi kĩ năng rồi thì họ mới chính thức vào nghề.
Mỗi nhát chém tuy gọn gàng, dứt khoát như thế nhưng người ta lại không được mài đao thường xuyên dù chúng có cùn. Theo tâm linh, chiếc đao là hung khí tước đoạt sinh mạng, trên đao vấy máu biết bao nhiêu con người, việc mài đao quá bén giống như đang tiếp tay cho những điều xấu, tội nghiệt thêm nặng trên những thanh đao.
Nơi pháp trường chứa nhiều tà khí với những linh hồn còn vất vưởng xung quanh, nhất là những oan hồn vô tội. Những vong hồn tích tụ trong đao rất nhiều, đem đao ra mài có thể làm hồn ma ám vào người đem đến vận xui, thậm chí là mất mạng.
Trên thực tế, người làm đao phủ đa số từng làm nghề giết mổ trâu, bò, lợn… đã quen với việc sử dụng dao kiếm và máu me, hay người từng là binh lính chiến đấu trên chiến trường quen dần với việc chém giết.
Nghề đao phủ tuy có thu nhập cao nhưng vì tính chất công việc nên rất khó tìm người nối nghiệp. Chủ yếu là do cha truyền con nối, từ đó có các gia tộc chuyên làm đao phủ, mỗi dòng họ đều giữ lại một thanh đao lớn và sắc bén như một bảo vật gia truyền, ngoại lệ thì do có người bái sư học nghệ trở thành đao phủ.
Một đêm trước khi hành hình, đao phủ sẽ đem đao đi làm lễ cúng tế. Trước khi chém đầu, đao phủ hỏi rõ tên của phạm nhân để không chém nhầm người. Hành quyết xong thì họ không rời đi luôn mà thường phủi mông trước mặt các binh lính, hành động này coi như xua đi âm khí, xui xẻo.
Chia sẻ của vị đao phủ cuối cùng thời nhà Thanh
Vị đao phủ cuối cùng của thời Mãn Thanh cũng như của cả nước Trung Quốc là ông Đặng Hải Sơn. Trong suốt cuộc đời làm công việc hứng chịu nhiều dị nghị này, dù tiền bạc, vật chất dư dả nhưng cho đến cuối đời ông vẫn chỉ sống một mình, không có vợ con hay cả bạn bè thân thích. Khi ra đi cũng không có người đưa tiễn, lo toan hương khói.
Sinh thời, công việc của ông với mức cố định là 1 đồng đại dương mỗi tháng, sau mỗi lần xử quyết thì lại được thêm 3 đồng đại dương. Đây là mức thù lao quá hời cho mỗi lần làm việc chỉ tốn chưa đến một phút mà bằng cả một nhà nông nghèo làm việc cả năm.
Triều đình nhà Thanh cho rằng, đao phủ là một nghề sát sinh và để lại nghiệp chướng quá nhiều nên bổng lộc của người làm đao phủ cũng được tăng lên, số tiền này xem như bù đắp những thiệt thòi mà họ và gia đình phải gánh chịu.
Không những thế, một số người nhà phạm nhân sẽ biếu xén riêng một số tiền kín đáo cho ông Đặng với thỉnh cầu khi hành hình hãy để phần đầu không bị lìa hẳn khỏi thân xác, vì thời xưa còn có quan niệm khi chết phải được toàn thây.
Việc này tuy có lợi cho ông nhưng đòi hỏi sự khéo léo trong kĩ thuật chém đao rất cao, phải luyện tập thông thạo và biết cách lừa được sự giám sát của binh lính.
Là công việc vốn mang nhiều điều nghi kỵ, người đời xa lánh, khi xác định làm đao phủ thì có lẽ sẽ mang tiếng xấu cả đời. Có thể sẽ không lập gia đình vì quả thực, người ta dù chọn gả con gái nhà mình cho một nhà nông dân nghèo đói chứ cũng không gả cho gã đao phủ dữ tợn.
Cũng vì món lợi quá lớn mà Đặng Hải Sơn dấn thân vào nghề đao phủ mãi cho đến khi nghề này bị bãi bỏ thì ông mới không làm nữa. Xưa kia, sư phụ ông đã nói rằng, chỉ chém đầu đến 99 lần thì dừng lại, không được tiếp tục nữa, vì như vậy là đã để lại nghiệp chướng quá nhiều rồi.
Nhưng Đặng Hải Sơn đã lờ đi lời dặn của sư phụ, qua 99 người nhưng ông không có ý định bỏ nghề. Từ đó ông cũng không nhớ nổi mình đã hành hình bao nhiêu người, có lẽ con số chắc chắn cũng phải vượt qua 300.
Cho đến khi về già, trong ông vẫn luôn mang theo nỗi ám ảnh đeo bám về quá khứ kinh hoàng, nhận lấy hậu quả khi nhắm mắt cũng không có người đưa tang.
Không chỉ mỗi ông, có những người đao phủ khác khi đã rửa tay gác kiếm rồi nhưng vẫn bị người đời tránh né, có người bị phát điên về những ám ảnh thời xưa. Người ta đồn rằng, tuy là nói “thay trời hành đạo” nhưng vẫn có không ít vụ án oan sai, xử nhầm người tốt, linh hồn của họ vì oan ức sẽ không thể đầu thai cùng rất nhiều những phạm nhân khác sẽ thường hành hạ người đao phủ, thậm tệ hơn là liên lụy cả đến cả gia đình, con cháu đời sau của người xuống đao.
Mạch Khê (t/h)