Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định Sư Toàn không có quyền nhận tài sản
Sáng 10/10, trao đổi với phóng viên, Sư Thích Đức Thiện – tổng thư ký Hội đồng trị sự trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã khẳng định rằng sư Toàn không có quyền sở hữu khối tài sản trị giá 200-300 tỷ mang tên mình.
“Căn cứ theo luật Phật, Hiến chương và nội quy Ban Tăng sự trung ương thì sư Toàn không được quyền nhận tài sản, chỉ giáo hội mới có quyền định đoạt tài sản. Sư Toàn đề nghị là một chuyện, còn quyết định là việc của giáo hội”, sư Thiện khẳng định.
Đã đi tu thì tấm áo cà sa cũng thuộc về tăng đoàn
Theo đó, sư Thiện cho biết, quyết định trên đã được Phó chủ tịch thường trực Trung ương Giáo hội Thích Thanh Nhiễu đã ký và truyền đạt đến Ban Trị sự (BTS) Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc vào ngày 9/10.
Giải thích thêm về việc này, sư Thiện cho biết: “Theo luật Phật chế, một vị tỳ kheo khi vào chùa, tất cả những gì họ đang sử dụng thì những tài sản đó đều thuộc về tăng đoàn, giáo hội.
Và đến khi vị tỳ kheo đó mất đi, ngay cả cái được coi là tài sản trên mình là tấm áo cà sa cũng phải chuyển lại cho tăng, không có sự thừa kế ở đây mà do tăng đoàn quyết định. Ở đây luật Phật không nhấn mạnh đến sở hữu tài sản mà nói đến sử dụng tài sản thôi”.
Trao đổi với phóng viên, Sư Thiện cho biết thêm, sau khi nhà sư Thích Thanh Toàn xin xả giới hoàn tục, đồng thời thỉnh nguyện xin được giữ lại những tài sản mang tên mình, trị giá gần 200 – 300 tỷ vì bê bối ‘gạ tình’ nữ phóng viên, Ban thường trực Hội đồng trị sự đã có văn bản số 275 ngày 4/10/2019 chỉ đạo BTS Phật giáo Vĩnh Phúc tiến hành kỷ luật sư Toàn về những vi phạm bao gồm:
Vi phạm về đạo hạnh, về giới luật, phật chế, vi phạm hiến chương của giáo hội, vi phạm những quy định pháp luật của Nhà nước về trật tự xây dựng (nhiều lần bị chính quyền địa phương xử phạt bằng tiền, BTS huyện cũng đã nhiều lần nhắc nhở nhưng vẫn sai phạm).
Sau đó BTS nhận được tờ trình xin hoàn tục, chính thầy Toàn cũng nhận thấy mình không xứng đáng là vị tỳ kheo người xuất gia, làm ảnh hưởng đến chư tăng và hình ảnh giáo hội. BTS Phật giáo tỉnh đã có quyết định thu hồi chức trụ trì chùa Nga Hoàng của sư Toàn, trong đó yêu cầu Ban tăng sự của BTS Phật giáo tỉnh tiến hành nghi thức xả giới cho hoàn tục theo đúng luật Phật chế. Đó là hình thức kỷ luật thầy Toàn.
Huyện đề nghị thu hồi gần 6.000m2 đất mà sư Toàn đã mua bán
Sư Thiện cho biết, sau khi sư Toàn xin xả giới hoàn tục và xin giữ lại tài sản là trang trại trị giá 200-300 tỷ đồng cùng những tài sản do ông đứng tên sở hữu, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã chỉ đạo Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc xác minh rõ nguồn gốc tài sản.
“Chúng tôi nhận được báo cáo rất nhanh là hiện nay thầy Toàn đang đứng tên hơn 6.000m2 đất mà thầy tự mua ở xung quanh chùa Nga Hoàng. Nguồn gốc đất này là đất nông nghiệp, một số là đất thủy lợi. Tuy nhiên chưa được chuyển nhượng theo Luật đất đai”, sư Thiện thông tin.
Ngoài ra, theo thông tin từ đại diện UBND huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) thì từ khi về làm trụ trì chùa Nga Hoàng năm 2008, nhà sư Toàn đã có hoạt động mua bán, chuyển nhượng đất đai với người dân ở xã Hợp Châu không thông qua chính quyền địa phương, với tổng diện tích là 5.790,9m2 (nguồn gốc là đất ruộng nhận chuyển nhượng của các hộ dân).
Hiện huyện Tam Đảo đang đề nghị thu hồi 5.790,9m2 đất mà sư Toàn đã mua bán, chuyển nhượng trái phép trong thời gian trụ trì chùa Nga Hoàng cho chính quyền xã Hợp Châu quản lý.
Phải coi quỹ công đức, thiện nguyện là quỹ công và phải kiểm toán
Theo Kiểm toán trưởng Kiểm toán chuyên ngành III Lê Đình Thăng (Kiểm toán nhà nước chuyên ngành III kiểm toán lĩnh vực ngân sách Trung ương của Bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ) thì về nguyên tắc, nguồn lực tại các cơ sở thờ tự, đền chùa là một loại quỹ công cần có sự kiểm soát nhưng ở nước ta, nó vẫn là một lỗ hổng pháp lý.
Ông Thăng phân tích: “Những năm vừa qua, các cơ sở thờ tự, các khu du lịch tâm linh với quy mô rất lớn và thu hút được nhiều người dân đang phát triển mạnh.
Song chúng ta vẫn chưa có cơ chế quản lý, kiểm soát những nơi này. Nguồn lực công sử dụng cho mục đích thờ tự nhưng không được thống kê, ban hành cơ chế kiểm soát và thực hiện kiểm toán việc sử dụng theo đúng mục đích”.
Theo đó, ông Thăng nhận định, những điều xảy ra tại chùa Nga Hoàng trong thời gian qua chỉ là một điểm nhỏ trong những lỗ hổng pháp lý hiện nay, có thể dẫn tới lạm dụng tiền công đức. Do đó các quỹ công cần phải có cơ chế kiểm soát và phải được kiểm toán.
Nhà chùa phát triển trùng điệp
Hiện nay, Phật giáo Việt Nam đang trên thời kỳ hưng thịnh. Có gần 15.000 ngôi chùa đã được trùng tu, xây dựng mới rất bề thế để đáp ứng nhu cầu tâm linh của người Việt.
Việc đầu tư vào du lịch gắn với các cơ sở thờ tự cũng được đẩy mạnh, thể hiện qua sự ra đời, phát triển nhanh của các điểm du lịch tâm linh ở khắp Việt Nam.
Nhiều dự án du lịch tâm linh rộng đến cả ngàn héc-ta, trong khi đó mỗi khu vực lại xuất hiện một công trình tôn giáo mới với đủ các loại kỷ lục do doanh nghiệp xây dựng.
Vũ Tuấn (t/h)