Holly – Loài cây của Giáng Sinh
Holly, tầm gửi và trạng nguyên là những cây cảnh đặc trưng trong lễ Giáng Sinh. Và thú vị hơn, chúng cũng có một lịch sử lâu đời với những giá trị y học độc đáo.
Có hàng trăm loại holly và chúng cũng được gọi là “sồi thường xanh”. Cây holly tại Mỹ rất dễ nhận biết với quả mọng đỏ và lá gai màu xanh.
Trong các nền văn hóa cổ xưa của Tây Âu, holly là biểu tượng cho chu kỳ tàn lụi và tái sinh của mùa đông. Còn đối với các pháp sư của tôn giáo Celtic, holly là đại diện của Thần thánh vì nó được ưa chuộng bởi Hel – nữ thần cai quản địa ngục Nifheim trong thần thoại Bắc Âu.
Holly đồng nghĩa với ước mơ và phép màu. Pythagoras, nhà triết học người Hy Lạp cho rằng nhánh cây holly có khả năng kiểm soát muôn thú và những bông hoa của nó có khả năng làm nước đóng băng. Pliny, nhà tự nhiên học nổi tiếng của La Mã cổ đại nói rằng, holly có thể bảo vệ nhà cửa khỏi sấm sét và bảo vệ các chàng trai khỏi phù thủy.
Trong y học, lá holly là phần được sử dụng nhiều nhất. Khi rang khô, nó trở thành một loại trà có tác dụng chữa các bệnh hay mắc vào mùa đông như sốt, ho và các vần đề về tiêu hóa.
Một số loài như Yaupon holly và Yerba mate chứa một lượng đáng kể caffein. Những chiếc lá sau khi rang lên sẽ cho ra một loại trà đen và được phục vụ như loại thức uống giúp tăng sinh lực. Ngoài ra, đối với một số bộ lạc tại phía Đông Nam Hoa Kỳ, loại trà này được dùng trong nghi thức thanh lọc nước uống.
Lá holly cũng chứa các chất kích thích khác như theobromine – một chất đạm hữu cơ có vị đắng thường có trong sô cô la, các vitamin A, C và chất chống oxy hóa. Một nghiên cứu từ Đại học Texas A & M cho rằng lá holly có đặc tính chống viêm và có thể chống lại bệnh ung thư ruột kết.
Quả holly cũng có tác dụng như một loại thuốc, thường ở dạng khô và phải rất thận trọng khi dùng. Mặc dù các loài chim có thể ăn được những loại quả hàm lượng caffein cao, nhưng chúng lại gây ra nôn mửa ở người và có thể tử vong đối với liều cao. Nicholas Culpepper – một loại thảo mộc của người Anh vào những năm 1600, được coi là một loại holly quả mọng với tác dụng chữa đau bụng và được khuyến khích dùng trong trường hợp “thanh lọc cơ thể và tan đờm”.
Hoa holly được xem như phương thuốc cho tinh thần. Tinh chất chiết xuất từ hoa được sử dụng để điều trị sự mất cân bằng về cảm xúc và giảm bớt cảm giác ghen tuông và nghi ngờ. Nó dành cho những người mất niềm tin vào chính mình và mọi người, họ luôn bị ám ảnh về sự lừa dối.
CÂY TẦM GỬI
Tầm gửi là một loại cây ký sinh, thường tìm thấy trên nhánh của cây táo. Giống như holly, nó có lịch sử gắn liền với mùa đông và là một cây ma thuật của các pháp sư tôn giáo Celtic.
Tầm gửi châu Âu là dạng phổ biến được dùng trong y học cho đến ngày nay. Ngoài ra, tầm gửi ở Mỹ và Trung Quốc cũng có giá trị tương tự. Tuy nhiên, chỉ có phần lá thuôn dài là có giá trị dược liệu.
Loại quả mọng màu trắng thuộc dạng ở châu Âu nổi tiếng độc hại, nhưng vẫn còn nhiều tranh cãi về tuyên bố này. Loại quả màu đỏ được người Mỹ ưa chuông trong việc trang trí thì nguy hiểm.
Cây tầm gửi từng là biểu tượng cho hòa bình trong thời xưa. Với đặc tính an thần, nó trở thành một phương thuốc tốt cho các chứng rối loạn thần kinh như lo lắng, hoảng sợ và bệnh động kinh. Nó cũng được sử dụng rộng rãi ở châu Âu như một loại trà giảm huyết áp cao.
Cây tầm gửi cũng có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Nó là một kích thích tử cung, do đó, bị cấm dùng trong thai kỳ. Tuy nhiên, nó có thể được sử dụng khi cần tạo điều kiện cho một cơn co sinh dễ dàng hơn.
Tầm gửi cũng đã từng nổi tiếng như một phương thuốc trị ung thư. Đầu thế kỷ 20, nhà triết học Rudolf Steiner đề xuất ý tưởng đầu tiên, dựa vào cơ chế hoạt động của cây tầm gửi giống tế bào ung thư đối với cây chủ. Từ đó, tầm gửi trở thành phương pháp điều trị ung thư độc đáo nhất ở Tây Âu.
Các ứng dụng truyền thống thường là chế thành trà hoặc dạng rượu thuốc, nhưng để điều trị ung thư ngày nay, chiết xuất cây tầm gửi lên men được tiêm vào cơ thể. Nó không chỉ thu nhỏ khối u, mà còn chống lại các biến chứng liên quan với hóa trị và xạ trị.
Loại thuốc tiêm này được cho phép ở Thụy Sĩ, Anh, Đức và Hà Lan, nhưng không được chấp thuận tại Hoa Kỳ. Nghiên cứu về hiệu quả của cây tầm gửi đối với các loại ung thư khác nhau rất có triển vọng, nhưng vẫn còn thiếu các thử nghiệm lâm sàng nghiêm ngặt cần thiết để thông qua quy định.
CÂY TRẠNG NGUYÊN
Loài cỏ dại Mexico này có nguồn gốc đi sau so với các loại cây cảnh Giáng Sinh khác. Mặc dù nở hoa vào cuối năm (giống như xương rồng Giáng Sinh), cây trạng nguyên lại không có bất kỳ liên hệ gì đến kỳ nghỉ đông cho đến giữa những năm 1800.
Trạng nguyên không độc, mặc dù vẫn có nhiều thông tin phổ biến ngược lại. Việc ăn lá cây có thể gây buồn nôn, nhưng phải đạt đến lượng nhất định. Các nhà nghiên cứu tại Đại học bang Ohio cho thấy một đứa trẻ 50 pound (tương đương 22,7 kg) sẽ phải tiêu tốn hơn 500 lá trạng nguyên mới xuất hiện triệu chứng.
An Nhiên, dịch từ Epoch Times