Giá tiêu dùng tại Nhật Bản giảm mạnh nhất trong 3 năm
Giá tiêu dùng của Nhật Bản đã giảm trong tháng 7, tháng thứ 5 liên tiếp, đánh dấu mức giảm hàng năm lớn nhất trong hơn 3 năm vừa qua.
Các con số thấp hơn so với dự toán này đang làm tăng thêm áp lực cho chính phủ trong việc mở rộng chương trình kích thích kinh tế vốn đã rất lớn hiện nay.
Theo số liệu từ Chính phủ Nhật Bản được công bố hôm 26/8, chỉ số giá tiêu dùng (không bao gồm thực phẩm tươi sống) trong tháng 7 giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước.
Tokyo đã cố gắng nâng cao chỉ số lạm phát trong năm để kích thích chi tiêu và thúc đẩy nền kinh tế. Dữ liệu đáng thất vọng trên công bố ngay sau việc tăng trưởng kinh tế thấp hơn dự kiến mặc dù chính phủ đã ban hành một chính sách chi tiêu hợp lý.
Trong tháng 7, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã công bố gói kích cầu kinh tế mới nhất trị giá 28 nghìn tỷ yên (265 tỷ USD). Tokyo đã liều lĩnh thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng trong nhiều năm qua chiếm đến 60% nền kinh tế.
Chính sách của chính phủ về cải cách kinh tế tên là Abenomics gồm 3 lĩnh vực mũi nhọn nhằm đưa nền kinh tế ra khỏi giai đoạn suy thoái kéo dài.
Ba mũi nhọn trong chính sách Abenomics là:
– Mũi nhọn tiền tệ: Mở rộng cung tiền để chống giảm phát.
– Mũi nhọn tài chính: Tăng chi tiêu chính phủ để kích thích nhu cầu trong nền kinh tế.
– Mũi nhọn cấu trúc: Cải cách cơ cấu để làm cho nền kinh tế sản xuất nhiều hơn và cạnh tranh hơn.
Tuy nhiên, dù chính sách Abenomics đã được thực hiện 3 năm qua nhưng lạm phát vẫn thấp hơn đáng kể so với mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương.
Các nhà phân tích cho rằng tỷ lệ lạm phát hiện nay vẫn đang ở mức thấp, thậm chí tiếp tục giảm.
“Như vậy, tỷ lệ lạm phát có thể giảm hơn nữa trong những tháng tới”, Marcel Thieliant, nhà phân tích kinh tế tại Capital Economics cho biết.
“Ngân hàng trung ương Nhật Bản đã thừa nhận có những rủi ro đáng kể cho mục tiêu lạm phát 2% trong năm tài chính tới. Do đó chúng tôi sẽ tiếp tục kỳ vọng vào các giải pháp kích thích kinh tế sẽ được giới thiệu tại cuộc họp vào tháng 9 của Ngân hàng”.
Theo BBC