Giả thuyết mới về nguồn gốc của bãi đá Stonehenge bí ẩn tại Anh
Một kiến trúc sư người Anh đã đưa ra giả thuyết mới về công trình cự thạch Stonehenge, cho rằng đó có thể là nền móng của một ngôi nhà bằng gỗ, nơi dùng để tiệc tùng, diễn thuyết và chơi nhạc.
Stonehenge được coi là một trong những kiến trúc độc đáo mang nhiều bí ẩn nhất trên thế giới. Đó không phải là một trò lừa gạt, bởi tuổi thọ của nó được ước tính hơn 5.000 năm tuổi. Đây có lẽ là di tích thời tiền sử quan trọng nhất của nước Anh.
Các nhà khảo cổ học từ lâu vẫn bất đồng ý kiến về mục đích xây dựng công trình đá cổ Stonehenge. Đó có phải là một đền thờ, khu vực chôn cất hay đài quan sát hoặc là một loại lịch cổ đại… vẫn là một ẩn đố với nhân loại.
Mới đây, một kiến trúc sư cảnh quan người Anh, Sarah Ewbank, đã đưa ra giả thuyết mới về mục đích tồn tại của những tảng đã này, và cho rằng đó có thể là nền móng của một ngôi nhà bằng gỗ, hai tầng, dùng làm nơi diễn thuyết, tiệc tùng.
Ewbank đã thiết kế một mô hình nhỏ và đang tìm nguồn tài chính để xây một mô hình với tỷ lệ 1/10 so với quy mô công trình thật. Cô nói rằng trên thực tế cô không phải là một nhà khảo cổ, điều này sẽ giúp cô thoát khỏi định kiến và cho phép cô tiếp cận vấn đề theo một cách mới.
Ewbank đã chia sẻ với trang Ancient Origins về suy nghĩ của cô đối với cấu trúc của Stonehenge: “Tôi tin rằng Stonehenge là một nơi tụ họp, gặp gỡ thời kỳ đồ đồng, một đại sảnh hình bầu dục, bao quanh là các phòng trưng bày. Điều thú vị là các tầng trên được xếp thành hàng, chiều cao của những khu vực khác nhau phản ánh chiều cao khác nhau của kiến trúc trilithon”. (Trilithon là cấu trúc đặc trưng của Stonehenge, gồm hai tảng đá dựng đứng đỡ một tảng đá nằm ngang).
“Thăm quan cả hội trường và phòng trưng bày, nghe một người nào đó diễn thuyết hay có thể là tiệc tùng trên các phòng trưng bày với vũ múa ở phía dưới, có lẽ đám đông đến tụ tập để nghe hát hay nhạc sĩ chơi nhạc hoặc những nghi lễ diễn ra để chào đón các ngày điểm chí”, Ewbank tiếp tục.
Ewbank nói rằng mình đã thảo luận lý thuyết này với những chuyên gia khác. Một số họ đồng ý với cách giải thích của cô, một số khác lại không đồng ý và tranh luận với quan điểm truyền thống.
Các mặt diện của tòa nhà có thể đã được làm bằng gỗ sồi và mái tranh. Ewbank phỏng đoán dựa trên các vật liệu xây dựng cổ đại phổ biến. Tất nhiên, đồ gỗ và rơm sẽ không tồn tại trong hàng ngàn năm như những tảng đá Stonehenge, vì vậy việc tìm kiếm bằng chứng cho giả thuyết của cô, ngoại trừ cách bố trí của những tảng đá, hầu như là không thể.
Khi cô được hỏi rằng liệu có bằng chứng nào về mái nhà không. Cô chỉ ra rằng những tu viện 500 tuổi cũng đã không còn mái, vì vậy không thể mong đợi tìm ra cấu trúc gỗ ở đâu đó xung quanh nơi này sau 5.000 năm.
“Khi bạn nhìn vào toàn bộ những thứ đó, nó phù hợp với nhau một cách hoàn hảo”, cô chia sẻ trên tờ Salisbury Journal. “Tôi không phải di chuyển một hòn đá nào lệch khỏi vị trí. Tôi thử nghiệm với những tảng đá đứng và tất cả đều phù hợp”.
Cô đã liệt kê một số lý do hỗ trợ cho lý thuyết Stonehenge là một ngôi nhà lớn, bao gồm: Những tảng đá xanh có đường rãnh nhằm mục đích xây dựng, các trilithon có khoảng cách vừa phải để hỗ trợ cho bốn giàn đỡ lớn (giàn đỡ là thành phần của cấu trúc hình tam giác). Sự khác biệt về chiều cao giữa các trilithon sẽ cho phép nâng giàn đỡ lên.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Salisbury Journal, cô đã nói rằng có một mái nhà trên cấu trúc sẽ làm nó hữu dụng quanh năm, dù mưa hay nắng: “Tại sao phải phải di chuyển 75 tảng đá lớn chỉ để mình có thể nhảy múa xung quanh hai lần trong năm? Nếu bạn đặt một mái nhà lên nó, bạn có thể sử dụng nó quanh năm”.
Thanh Phong, dịch từ Epoch Times