Gặp gỡ những “người nhện” Trung Quốc với khả năng leo trèo đỉnh cao
Người Miao sống ở Quý Châu, Trung Quốc thường được mệnh danh là “người nhện” bởi khả năng leo núi phi thường, họ có thể leo qua những vách núi đá dựng đứng mà không cần bất cứ một thiết bị bảo hộ nào.
Con sông Getu tại huyện Tử Vân tỉnh Quý Châu có một cảnh quan thiên nhiên vô cùng độc đáo, với những vách đá dựng đứng, nơi mà các nhà leo núi thường xuyên thực hiện những màn trình diễn không cần dây, đồ bảo hộ hay bất cứ thiết bị nào khác.
Những người Miao tại khu vực này được kế thừa kỹ năng leo trèo từ tổ tiên, và nó đã trở thành một truyền thống của người dân. Mặc dù tại đây có những vách đá cao hơn 100m, nhưng các nhà leo núi vẫn có thể chinh phục được chúng chỉ bằng lòng dũng cảm.
Ông Vương, một “huyền thoại” tại khu vực này chia sẻ rằng, những người leo núi ở đây không sử dụng dây thừng hoặc các thiết bị bảo hộ khác, vì tổ tiên chỉ dựa vào lòng dũng cảm để leo núi, và đó là kỹ năng đã được truyền lại.
Trước đây, dân làng thường leo lên những vách đá dựng đứng để đặt quan tài của người thân đã chết vào trong các hang động nhỏ trên các vách núi, nhưng truyền thống đó đã bị mai một. Ngày nay, một số ít những người tự xưng là “người nhện” và tiếp tục truyền thống này, nhưng với một mục đích khác, đó là thu hái dược liệu quý hiếm cho dân làng.
Những loại thảo mộc được cho là có tác dụng điều trị hen suyễn và thấp khớp, thường chỉ mọc trên những vách đá cao, vì vậy chỉ những người có kỹ năng leo một mình mới có thể thu hái chúng. Ông Vương cho biết thường phải mất ít nhất bốn hoặc năm giờ leo liên tục mới thu thập đầy đủ các loại thảo mộc cần thiết.
Không nhiều người trong làng của ông Vương tham gia vào hình thức thu hái thảo dược này. May mắn thay, một người phụ nữ trẻ tên Luo đã học được những kỹ năng cần thiết để leo tự do và sẵn lòng truyền lại cho những người khác.
Luo nói rằng kỹ năng leo núi là truyền thống của địa phương và chỉ truyền lại cho những người đàn ông trẻ tuổi, nhưng cô muốn leo núi và cầu xin cha dạy cho cô. Hiện nay, cô là người leo núi trẻ nhất trong làng.
Ông Vương đã leo núi tự do hơn 30 năm, và ông hy vọng sẽ nhìn thấy nhiều người hơn nữa tham gia vào bộ môn này. Với ông, cảm giác hồi hộp khi leo núi thực sự là một điều thích thú.
Theo Vision Times