G-20 nhất trí thúc đẩy tăng trưởng GDP và chọn Trung Quốc làm chủ nhà vào năm tới
Kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh G20, các quốc gia thuộc khối nhất trí đặt mục tiêu tham vọng nâng GDP thêm ít nhất 2% trong 5 năm tới, đồng thời Trung Quốc được chọn là quốc gia chủ nhà cho cuộc họp năm 2016.
Các phân tích của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho rằng, nếu cam kết của G20 được thực hiện đầy đủ thì GDP của Nhóm có thể tăng thêm 2,1% từ nay đến năm 2018, từ đó sẽ tạo thêm hơn 2.000 tỷ USD cho kinh tế toàn cầu và tạo thêm hàng triệu việc làm.
Tuyên bố chung nêu rõ các biện pháp tăng đầu tư, tăng cạnh tranh và thương mại, tạo thêm việc làm, cùng các chính sách kinh tế vĩ mô sẽ hỗ trợ cho sự phát triển, tăng trưởng và giúp giảm đòi nghèo, bất bình đẳng. Các hành động thúc đẩy tăng trưởng và tạo việc làm chất lượng đã được hoạch định trong “Kế hoạch Hành động Brisbane” và các chiến lược tăng trưởng toàn diện của G20.
“Kế hoạch Hành động Brisbane” gồm một kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng, thỏa thuận thành lập trung tâm cơ sở hạ tầng toàn cầu ở Sydney, thúc đẩy các biện pháp chống trốn thuế, và tạo ra hệ thống các quy định về ngân hàng chặt chẽ hơn.
Kế hoạch này được đánh giá là sự cải tổ kinh tế “toàn diện và chặt chẽ,” có thể tạo ra “hiệu ứng lan tỏa tích cực” cho các nước ít phát triển hơn nằm ngoài Nhóm G20.
Kế hoạch này cũng sẽ tạo ra áp lực để tất cả các nền kinh tế phát triển thực hiện khoảng 800 biện pháp cải tổ kinh tế, từ việc cải tổ thị trường lao động cho tới giảm bớt các hàng rào thương mại.
Tuyên bố chung cũng khẳng định mục tiêu xây dựng một nền kinh tế toàn cầu mạnh mẽ và có sức đề kháng hơn, thúc đẩy các thể chế toàn cầu. G20 đã đề ra hàng loạt biện pháp để thúc đẩy tăng trưởng và tạo thêm việc làm như nhất trí triển khai Sáng kiến Cơ sở Hạ tầng toàn cầu, đặt mục tiêu giảm khoảng cách về tỷ lệ tham dự trong lực lượng lao động giữa nam giới và nữ giới xuống 25% vào năm 2025, nhất trí về Kế hoạch hành động chống tham nhũng giai đoạn 2015-2016; tăng cường sức mạnh của các tổ chức tài chính toàn cầu, trong đó ưu tiến tiến trình cải tổ IMF.
Phát biểu trong cuộc họp báo sau khi Hội nghị bế mạc, Thủ tướng Australia Tony Abbott cho biết, các thành viên G20 tin tưởng rằng nếu cùng nhau hợp tác, họ có thể thực hiện các mục tiêu đề ra và hành động nhiều hơn nữa cho người dân toàn cầu.
Bên cạnh đó G20 cũng nhất trí chọn Trung Quốc là quốc gia chủ nhà cho Hội nghị sẽ diễn ra vào năm 2016.
“Lựa chọn Trung Quốc chủ trì G20 chỉ ra rằng thị phần của Trung Quốc trong kinh tế toàn cầu đang mở rộng,” theo Da Zhigang, chuyên gia quan hệ quốc tế của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Hắc Long Giang, điều này cũng có nghĩa là Trung Quốc phải chịu trách nhiệm quốc tế lớn hơn.
Ông nói thêm, “bằng cách giao trọng trách lớn hơn cho Trung Quốc, các quốc gia G20 có thể thúc đẩy Bắc Kinh xử lý vấn đề trong và ngoài nước dựa trên công ước quốc tế”.
Chủ tịch Tập Cận Bình tại Hội nghị thượng đỉnh hôm thứ Bảy (15/11) cho biết, Trung Quốc sẽ tuân thủ tiêu chuẩn của IMF về việc công khai dữ liệu kinh tế và tài chính, một động thái dự kiến sẽ tăng tính minh bạch của hoạt động liên quan.
Theo NDH, SCMP